Hà Nội - Những lưu ý nhỏ không chỉ dành cho ngày hội lớn

Thứ tư, 03 Tháng 3 2010 11:35 Ashui.com
In

Nhìn, ngắm, ngẫm về vốn liếng đô thị Thủ đô, từ cái tâm hoài cổ, từ sự khát cái tân tiến và từ sự so sánh với những gì các thủ đô nước người có, đành nhận ra, trong vốn liếng ấy, không có gì là đồ sộ, là nguy nga, là kỳ quan. Cái quý, cái riêng và cái duyên chính là ở những cái không to tát, mà nho nhỏ.

Có thể từ hôm nay, hoặc ở năm 2030, hoặc ở năm 2050 tầm nhìn, Hà Nội sẽ xuất hiện những kiến tạo đồ sộ, nguy nga, có một không hai. Song, hợp tầm, hợp sức và trong tầm tay hơn lại chính là những cái nho nhỏ, mà gộp lại, tạo thành vốn liếng, đơn sơ và đượm thắm của Thủ đô ta hôm nay.

Những cái nho nhỏ ấy đòi hỏi ở ta sự để ý đến, sự chu đáo, sự chăm chút, y hệt việc nhà mình.


Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Đài phun nước Hà Nội, ven Hồ Gươm) 

Vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm, thành phố có sự đầu tư lớn: lát lại vỉa hè khu phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm, bằng những viên đá cỡ 400x400x40mm. Lát lần này xem ra là vĩnh viễn. Thế nhưng chỉ một đoạn dài 100m trước cơ quan tôi trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngay sau khi hoàn thành, đã có hàng chục điểm hư hỏng. Tôi nhờ toà soạn báo “Hà Nội mới” nhắn giùm công ty nọ làm lại. Vài ngày sau, một tốp “thợ” hấp tấp sửa những chỗ hư hỏng “tiêu biểu” nhất. Đoạn vỉa hè sau đó vẫn đầy những chỗ khấp khểnh, long lở, lún và vỡ. Ở các đoạn vỉa hè khác quanh hồ Hoàn Kiếm cũng vậy. Thế là chủ trương làm vỉa hè bền đẹp, dùng vật liệu đá vừa chắc và vừa đắt, lại bị làm tạm bợ. Xem ở Huế người ta lát vỉa hè đường Lê Lợi, phải tấm tắc mà khen: Xây dựng ở đô thị, phải thế mới đúng.

Kiến trúc ven các đường phố thủ đô đặc trưng bởi những bức tường rào, có công năng che chắn là chính, chứ không phải để làm đẹp. Nay chúng đang bị bệnh đậu mùa: những bản dập “khoan cắt bê tông” phủ dày đặc. Tường rào một ngôi biệt thự đẹp trên đường Bà Triệu bị hàng trăm hàng chữ số “KCBT” bâu kín. Một bức tường bao ngôi chùa mới quét vôi cũng bị giặc quảng cáo KCBT xâm lăng tức thì. Nhìn hàng vạn những hàng chữ số ấy, cứ tưởng thủ đô có cả một ngành kinh doanh khoan cắt bê tông phát đạt. Chưa thấy ở một thành phố nào mà lại chịu cái nạn dịch đậu mùa trên tường rào như vậy! Vào đầu thế kỷ XIX, ở Âu Châu người ta đã dựng ở các đô thị những cái bục hình trụ hoặc nhiều cạnh, có lớp kính bao ngoài. Ai có nhu cầu rao vặt, mua tờ phiếu in sẵn, điền nội dung mình cần rao, rồi dán vào đó. Sao ở ta không sử dụng cách rao vặt ấy. Những cái bục quảng cáo sẽ góp phần làm cho phố xá thành thị hơn.  

Nói thêm chuyện tường rào. Có lẽ đã đến lúc bàn tới chuyện dẹp chúng đi, hoặc bỏ hẳn hoặc thay bằng các hàng rào sắt. Các ngôi nhà sẽ bước thẳng ra đường phố, tạo thành những không gian đô thị liên hoàn. Các ngôi nhà, quan trọng thì có bảo vệ, ít quan trọng hơn thì sử dụng kỹ thuật bảo vệ. Một ngôi trường phổ thông trên đường Chùa Hà, xây lại, phá quách cái tường con kiến bổ trụ cao và dài, dựng hàng rào sắt, tạo ngay được một không gian ngăn cách ước lệ, đường phố tưởng như mở toang con mắt. Ước sao Hồ Gươm sẽ giải thoát khỏi những bức tường rào che bịt, để cho nước và cho cây cối, cho bầu không khí len vào và luồn vào từng góc phố và từng con ngõ, cho không gian hồ vốn hạn hẹp lan toả ra.

Làng quê và phố xá mình, thưở xưa có những phương tiện khuếch tán âm thanh để  truyền đạt thông tin. Đó là cái tù và, cái mõ, cái loa mo cau hoặc loa bằng tôn, dăm chục năm nay tiến bộ hơn, - cái loa phường. Quả thực, loa phường đã từng phát huy mình tối đa, khi báo ít, radio thiếu, lại càng không có tivi. Giờ thì ta có vô vàn phương tiện tăng âm, phương tiện truyền tin, vô vàn thực đơn thụ hưởng thông tin. Ta lại có sự tự do lựa chọn thông tin và nguồn cung cấp thông tin. Để truyền đạt thông tin nội bộ, cũng có những cách thức mới mẻ hơn là cái loa phường đáng tuổi cụ kia. Vài năm trước tôi chuyển lên tầng 14, tưởng thoát được cái loa phường và cái hộp công tơ điện có ghi tên mình ngự trên cái cột đứng đầu ngõ. Thoát được cái thứ hai, còn cái thứ nhất thì không. Ngay buổi sáng đầu tiên dọn về, cái âm thanh hào phóng của loa phường đã tìm đến đúng địa chỉ, lỗ tai tôi. Sáng sáng đi làm, trong sự nhộn nhạo tột bậc của giao thông, vẫn vang vọng xen vào cái loa phường. Hà Nội mình nay không chỉ cần chống ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, mà còn phải chống cả ô nhiễm con mắt và cái tai. Khó tưởng tượng được, một ngày nào đó, bước ra phố mà không nghe thấy tiếng loa phường, ngửa mặt lên trời mà không thấy vô số những khẩu hiệu, treo níu vào những thân cây và cột điện. 

Hơn hai chục năm nay bàn và nói về bảo tồn khu phố cổ. Các con phố khang trang lên bởi những nhà xây mới và những cửa hiệu làm mới, chứ hoàn toàn không bởi những nhà cổ và cũ được bảo tồn và tu sửa, không bởi những dãy phố được chỉnh trang. Con phố Hàng Bông – Hàng Gai, sự phát đạt buôn bán đã dẫn tới việc chỉnh trang, chứ không phải bởi chủ trương và kế hoạch từ những cấp quản lý và những nhà chuyên môn.

Có biết bao những cái nho nhỏ, mà hợp lại, tạo thành quỹ kiến trúc và quỹ cuộc sống thành thị Hà Nội của ta. Mọi thứ nho nhỏ ấy cần sự suy nghĩ  và tấm lòng, cần sự chăm sóc đến mức chăm chút, trước tiên từ những người quản lý, sau là bởi người dân. Thủ đô cần những ông chủ.

… Tôi cứ ước mơ dai dẳng, một ngày nào đó sẽ có một quan chức lớn của thủ đô, hàng tuần hàng tháng sẽ đi trên chiếc xe mui trần dọc những con phố, chỉ chỉ chỏ chỏ, dẹp cái này, thêm cái kia, cho phố nom ra phố, cho thủ đô ra dáng thủ đô. Chưa giàu, song cũng sang./.

Hoàng Đạo Kính

>> "Thay vì đền đài, hãy làm một cuộc "đại thẩm mỹ" Hà Nội!" 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: