Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Những góc nhìn về Phố hoa

Những góc nhìn về Phố hoa

Viết email In

Đã bắt đầu sớm hơn Festival hoa Đà Lạt (từ tối 30/12/2009) và cũng đã kết thúc sớm hơn (vào tối 3/1/2010), Lễ hội Phố hoa Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh với du khách, tuy quy mô không đồ sộ như Festival ở “thành phố hoa”. Cảm nhận của mỗi người là không giống nhau. Nhìn lại Lễ hội Phố hoa để làm sao năm tới đông hơn, vui hơn.

 

“Sách hoa” hay Chiếu dời đô hay “sách trời”?

Đang chăm chú chụp ảnh ở Lễ hội Phố hoa, tôi bị một bác có tuổi vỗ vai hỏi: “Chú cho tôi hỏi cái tác phẩm này là cái gì vậy?”. Theo hướng tay của ông cụ có bộ râu bạc phân nửa kia, tôi nhận ra một ốc đảo giữa một vườn hoa tuy-lip. Vị khách hỏi tiếp: “Thế anh có biết trên cái đảo kia là cái gì không? Tôi thấy nó hao hao giống quyển sách mà chẳng hiểu sách này là sách đời nào sao lại nằm ngang. Trong đó thì chỉ ghi có 1 chữ mà nếu không nhầm là chữ “Thiên”. Rồi vì sao sách lại bị gập thế kia? Tôi nhớ các cụ nhà ta có bao giờ dám gập sách như vậy đâu”.

  • Ảnh bên : Cuốn sách hoa có chữ "Thiên" giữa rừng hoa tuy-líp

Tôi chợt bối rối vì một loạt câu hỏi mang đầy sự bức xúc của vị khách mà có lẽ là một người thuộc hàng tiền bối. Chưa biết giải đáp ra sao, bỗng đâu xuất hiện một vị nữa ăn mặc complet rất lịch sự tham gia vào câu chuyện. Theo anh thì đây là... Chiếu dời đô bởi BTC có nói là trưng bày Chiếu dời đô ở phố hoa. Ông cụ hạ thấp cái kính vặc lại: “Theo anh thì cái gọi là cuốn sách đó nó có gì giống cái Chiếu dời đô? Mà cái chữ Thiên kia thì nó thể hiện điều gì liên quan đến Chiếu? Mà Chiếu dời đô thì liên quan gì đến hoa tuy-lip?”.

Chợt thấy có một tấm bảng khá to gần đó, tôi liền chạy vội ra xem. Theo thông tin trên bảng thì dọc phố hoa có nhiều tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, trong đó có các tác phẩm Cầu Long Biên hoa, Khuê Văn Các, biểu tượng Hà Nội, Hà Nội làng lúa làng hoa, Sách hoa... Xem ra tác phẩm này chính là Sách hoa với ý nghĩa tôn vinh tinh thần hiếu học của người Việt Nam.

Thế nhưng sách hoa sao lại có chữ “Thiên”? - câu hỏi của vị khách trên vẫn khiến tôi không trả lời được.

Gửi ảnh cuốn sách hoa có chữ “Thiên” cho một tiến sĩ Hán Nôm xem, thì được biết chữ “Thiên” nghĩa là “Trời” chứ không phải chữ “Thiên” trong Thiên đô chiếu (tức Chiếu dời đô).Vậy phải chăng “Sách hoa” đây là có ngụ ý tới “Sách trời” trong bài thơ thần của Lý Thường Kiệt : Rành rành đã định tại sách trời. Nhưng là “Sách trời” thì sao lại bày ở Phố hoa nhỉ? Các câu hỏi xin nhường cho BTC và tác giả của tác phẩm “Sách hoa” nói trên.

Tuấn Cao (Hà Nội)

 

Hội hoa hay làng lúa hàng hoa?

Xem hội hoa rồi, tôi về ngẫm nghĩ mãi rồi mới ngồi viết bài này. Nhớ lâu rồi có một bài hát về Hà Nội - làng lúa, làng hoa... Chắc người thiết kế phối cảnh trưng bày bị ám ảnh bởi chủ đề này, cố gắng vẽ minh họa cho bài hát. Tuy nhiên, cũng có thể do người thiết kế ý tưởng cũng chẳng hiểu lắm về nông thôn nên càng cố làm ra nông thôn thì nông thôn càng trở nên tội nghiệp. Có ai trồng nổi hoa ở chân bụi hóp không, lại là những cây bứng khỏi đất héo rụi, lá rụng lả tả xen lẫn đôi thân tre nhựa, thứ vật liệu giả rẻ tiền. Vầu, hóp vốn là một loại cây họ tre trúc, sống chịu đựng ở đất cằn cỗi đầu bờ cuối bụi, hút chất màu đất rất mạnh, liệu còn gì cho hoa lên được đây.

  • Ảnh bên : Rừng vầu, hóp trong hội hoa (có hoa “mọc”bên dưới)

Còn khi định tái hiện ruộng lúa thì lòng đường không đủ không gian, thành ra ruộng lúa giống như những mảnh bờ thẹo đất tận dụng giặm thêm vài cây lúa thời hợp tác xã nông nghiệp để kiếm thêm. Lại còn bãi dơn cắm chi chít trông thật khốn khổ. Thà ra xem dơn ở vườn, có luống có hàng, hoa mọc thảnh thơi chứ đâu có chen lấn dày dịt giống như giao thông Hà Nội thế này. Người ta bảo nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, thì ở đây hoa đã chẳng được đối xử như thế.

Nói đến hoa là nói đến vẻ đẹp trong không gian sang trọng. Hoa được tôn vinh trên các kệ hoa, hoa được cắm trong bình quí lọ sang thì đẹp, chồng giường bằng tre trúc, bằng các kệ đỡ gỗ lũa sẽ tạo nên vẻ đẹp thăng hoa của sắc thì hay, còn khi hoa bị dứt rời khỏi gốc cắm ngay trên nền đất đắp thì làm tội nghiệp cho hoa lắm.

Bờ Hồ Gươm là một không gian khá đẹp để mở hội hoa, nghệ nhân cắm hoa cũng không ít người khéo tay, lại có đến dăm chục loài hoa đẹp, vấn đề chỉ là bày sao cho đẹp mà thôi. Tại sao lại nhồi nhét quá nhiều trong nội dung tôn vinh hoa, làm cho người ta có cảm giác dường không phải hoa là vai chủ của hội này. Phố hoa bên Hồ Gươm là một sáng kiến hay, nên đưa thành hội lệ hàng năm. Còn việc bày hoa cũng cần rút kinh nghiệm cho đúng là ngày hội của hoa, của vẻ đẹp viên mãn mùa Xuân. Quanh năm lam lũ rồi, liệu có cần gợi thêm lại cái lam lũ ấy nữa không vào hội hoa? Để làm cho hoa thăng hoa trong ngày hội của mình, cách làm còn phải mất công hơn nhiều!

Đỗ Đức (họa sĩ)

 

“Giấc mơ hoa” của người Hà Nội

Cứ nhìn dòng người ùn ùn đổ về khu hội hoa thì đủ hiểu dân Hà Nội có văn hóa cao như thế nào. Chơi hoa và yêu hoa là cái văn minh đặc trưng của đô thị. Có người Đức đã nói với tôi: “Cứ xem cái mức độ chơi hoa và sử dụng xà phòng thì có thể đo được trình độ văn minh của một đô thị”. Nếu đo như thế thì Hà Nội ta có lẽ là văn minh nhất.

  • Ảnh bên : Phố hoa Hà Nội (Ảnh:VnMedia)

Mấy ngày qua đi, người đến thưởng hoa vợi dần, tôi mới dám mon men ra “xem vét”. Trong phố hoa có tạo hình đê sông Hồng, núi Nùng, Gò Đống Đa, cầu Long Biên... Tôi tự mạo muội cho mình cái quyền đặt tên cho cái công trình này: “Đại non bộ Hà Nội” nghe cũng tàm tạm. Non bộ là giả núi, giả sông, người ta còn gọi là hòn giả sơn, còn ở đây, cái “đại non bộ” này cũng có núi có sông và có cái “Hà Nội mi ni”. Nghe cũng tạm ổn.

Thì ra tác giả của cái công trình này đã gửi gắm cái ước mơ của mình vào trong tác phẩm. Tôi đang gửi hồn vào những nụ hoa, những phong cảnh nhân tạo để tìm hiểu ý nghĩa của cái tác phẩm nghệ thuật sắp đặt không lồ này, thằng bé con theo bố đứng cạnh hỏi: “Bố ơi con gì kia hở bố?” Ông bố miễn cưỡng trả lời: “Con cò”. Thằng bé lại hỏi “ Con cò là con gì hả bố?”. Ông bố gắt: “Con cò là con cò! Lớn lên khắc biết!”. Thằng bé không chịu thua lại hỏi “Bố ơi, cái này là cái gì?”. Ông bố đang loay hoay chụp ảnh hoa lạ từ Đà Lạt trả lời: “Xe cải tiến!”. Thằng bé lại hỏi: “ Cải tiến để làm gì?”. “Để chở rau, chở thóc, chở lúa ấy mà”. Thằng bé lại hỏi sao không dùng xe ô tô mà chở có hơn không”? Ông bố chịu không thể trả lời được nữa.

Nghe câu hỏi ngây ngô của trẻ thơ, tôi chợt phát hiện ra cái thâm ý của tác giả cái công trình này. Thì ra, người ta mơ về một Hà Nội quá vãng. Hà Nội chỉ có xe đạp, xe xích lô, xe cải tiến, không khói bụi, không ồn ào. Hà Nội với những toa tàu điện leng keng khác hẳn những chiếc thùng xe buýt cà tàng xịt khói đen ngòm vào mặt người đi khốn khổ chềnh ềnh đóng khách như nêm như cối... Một Hà Nội như “Người Hà Nội” trong tâm Nguyễn Đình Thi: “ Ôi Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm...”, tuyệt không có tiếng còi inh ỏi của ô tô, xe máy, mịt mù khói bụi và rác, không lô nhô những cao ốc trọc phú kệch cỡm. Một Hà Nội tíu tít gánh gồng ngược xuôi nhưng trật tự và không bao giờ ùn tắc giao thông... Mơ về một Hà Nội đầy hoa và tinh khiết! Ôi cái giấc mơ hoa của người Hà Nội nó giản dị có vậy thôi.

Vũ Thế Long (tiến sĩ khảo cổ)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo