Lãnh đạo tỉnh Bình Dương xác định, sự phát triển của doanh nghiệp là “sức khỏe” của nền kinh tế. Chuyển đổi số là xu hướng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần vào cam kết tiến tới Net Zero của Việt Nam.
Nhiều hội nghị, hội thảo được Bình Dương tổ chức để cùng doanh nghiệp chung tay trong công tác chuyển đổi số. (Ảnh: Cổng TTĐT Bình Dương)
Xác định mục tiêu cụ thể
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ và là xu thế của phát triển bền vững, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/5/2022 về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết đã xác định rõ chuyển đổi số là “chìa khóa” để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, xác định đẩy mạnh chuyển đổi số với các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số để làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch… góp phần thực hiện mục tiêu "Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại".
Mục tiêu cụ thể về phát triển chính quyền số đến năm 2025, tại Bình Dương, 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp được hỗ trợ bởi các công cụ thông minh dựa trên dữ liệu; 100% cơ quan khối Đảng, đoàn thể thực hiện liên thông các quy trình, dữ liệu, hồ sơ công việc từ cấp tỉnh đến cấp xã; tối thiểu 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức định kỳ hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số; 80% thủ tục hành chính được thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn quy trình xử lý, tác nghiệp…
Cùng với đó, phát triển kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trên 50%; tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ thương mại điện tử đạt từ 50% trở lên...
Về phát triển xã hội số, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; hạ tầng mạng Internet băng rộng cáp quang, 5G phủ trên 95% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%.
Đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số
Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kinh phí ngân sách Trung ương bố trí hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2024 là 140 tỷ đồng theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự kiến hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 doanh nghiệp bao gồm cả hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số cho hơn 800 doanh nghiệp.
Tại Bình Dương, lãnh đạo tỉnh luôn coi sự phát triển của doanh nghiệp là "sức khỏe" của nền kinh tế. Thời gian qua, Bình Dương đã chỉ đạo đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở; đồng thời tăng cường khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh Bình Dương có 68.000 doanh nghiệp, trong đó có 7.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin; tỷ trọng thương mại điện tử bình quân 8%. Hiện tại, Bình Dương đứng thứ 14 của cả nước và đứng thứ 2 trong vùng Đông Nam bộ về phát triển kinh tế số.
Bên cạnh đó, Bình Dương đã hình thành được 15 trung tâm logistics quy mô lớn, trong đó có 3 cảng cạn và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa; hình thành 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS (điểm gom hàng lẻ) đang hoạt động phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu.
Về xã hội số, Bình Dương hiện có 1,76 triệu dân đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 và 92% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 83,6% hộ gia đình phủ mạng Internet băng rộng…
Cùng với đó, thời gian qua, Bình Dương cũng có nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham gia đóng góp ý kiến của những chuyên gia đầu ngành trong chuyển đổi số. Đồng thời, Bình Dương luôn đón nhận một cách tích cực các ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân để tỉnh kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quyết sách nhằm hỗ trợ thiết thực hơn nữa công tác chuyển đổi số trong bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu đang còn nhiều khó khăn như hiện nay, vì mục tiêu phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Công Danh
(Báo Xây dựng)
- Để giữ vị thế, vùng Đông Nam bộ cần tái cấu trúc mô hình tăng trưởng
- Quan trọng là quản lý thống nhất dữ liệu đất đai
- Khu thương mại tự do Đà Nẵng: còn rất nhiều việc phải làm
- Đừng để "luật treo"
- Trùng tu Chùa Cầu (Hội An): Góc nhìn chuyên gia
- Điêu khắc công cộng: Tìm đường đến công chúng
- TPHCM sẽ giảm ngập hay hết ngập?
- Thành phố thông minh của Việt Nam đã "thông minh" đến đâu?
- Ai xây nhà ở xã hội?
- Nỗi lòng thầu phụ