Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Tương tác Góc nhìn Kênh đào Funan Techo và vấn đề thay đổi cấu trúc kinh tế ĐBSCL

Kênh đào Funan Techo và vấn đề thay đổi cấu trúc kinh tế ĐBSCL

Viết email In

Ngày 7/5/2024, Campuchia tuyên bố sẽ không tham vấn thêm về dự án kênh đào Funan Techo, thể hiện quyết tâm thực hiện dự án này trong bối cảnh dự án gây nhiều tranh cãi về các tác động trên nhiều lĩnh vực. Việc xây dựng kênh đào Funan Techo nhiều khả năng sẽ được thực hiện và nằm ngoài tầm tác động của Việt Nam.  

Kênh đào Funan Techo có khả năng không chỉ ảnh hưởng đến sức nước mà còn có thể làm thay đổi dòng chảy của sông Mêkông, đây là yếu tố có tác động rất lớn đến cấu trúc kinh tế của vùng. Việt Nam cần có đánh giá đưa ra tầm nhìn dự báo để có chính sách thích ứng phù hợp.


Kênh đào Funan Techo sẽ làm giảm lượng nước và gây tình trạng thiếu nước trong mùa khô ở ĐBSCL.
(Ảnh: N.K)

Tác động đến điều kiện tự nhiên

Trước tiên, kênh đào Funan Techo sẽ làm giảm lượng nước về ĐBSCL (dù tỷ lệ giảm bao nhiêu còn nhiều thảo luận khác nhau) và có thể gây ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô. Đây là tác động trực tiếp được các chuyên gia dự báo ngay từ đầu khi đánh giá ảnh hưởng của kênh đào này. Vấn đề giảm sức nước có thể đi kèm với việc thay đổi dòng chảy ở những mức độ khác nhau gây ảnh hưởng đến lượng phù sa bồi đắp cho đất đai và còn phá vỡ hệ cân bằng sinh thái truyền thống dưới nhiều góc độ khó dự báo chính xác.

Tuy nhiên, theo Báo cáo ĐBSCL 2022, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và tác động của các con đập ở thượng nguồn, vùng ĐBSCL cũng đã có nhiều phân hóa trong đó các tỉnh ở vùng thượng lưu sẽ có nhiều nước hơn và có điều kiện phù hợp hơn cho hoạt động canh tác nông nghiệp. Các vùng đất ven biển đối diện với nguy cơ nhiễm mặn khi lượng nước ngọt đổ về không còn nhiều như trước. Trong khi đó, vùng ở giữa có tính chuyển tiếp giữa ngọt và mặn sẽ khó dự đoán hơn.

Kênh đào Funan Techo nhiều khả năng sẽ làm sự phân hóa này trở nên sâu sắc hơn và định hình rõ hơn điều kiện sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của các vùng sinh thái. Vùng thượng nguồn thuộc các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp có thể tiếp tục duy trì hoạt động nông nghiệp nhưng nhiều khả năng phải gánh vác một phần vai trò sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh miền Tây đã mất đi lợi thế ngành. Trong khi đó, các tỉnh sẽ bị khô hạn do thiếu nước và bị nhiễm mặn phải tích cực chuyển đổi cấu trúc vận hành kinh tế để tiếp tục duy trì và phát triển.

Như vậy, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo để cung cấp giải pháp cho vùng ĐBSCL cần xoay quanh ba mục tiêu chính đó là: (1) canh tác nông nghiệp trong điều kiện các yếu tố đầu vào bị hạn chế; (2) giải pháp áp dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất trồng trọt, và (3) nâng cao khả năng dự báo đặc điểm các điều kiện nước, thổ nhưỡng.

Tác động đến chuỗi giá trị hàng hóa

Trước đây vùng ĐBSCL chủ yếu đóng vai trò là vùng nguyên liệu, hoạt động công nghiệp tập trung vào chế biến cây ăn trái và thủy, hải sản ở mức độ thô sơ. Giờ đây, trước nhiều tác động gây chuyển đổi cấu trúc kinh tế, vùng ĐBSCL có thể phát triển thêm các hoạt động công nghiệp chế biến ở mức độ cao hơn. Trong khi đó, một số thành phố lớn phía Nam cần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tri thức, dịch chuyển mạnh mẽ ngành công nghiệp lên những phân khúc cao hơn, trao thị phần công nghiệp truyền thống cho một số tỉnh Tây Nam bộ.

Khi đánh giá đặc điểm các yếu tố tác động đến chuỗi giá trị các ngành của vùng, Báo cáo ĐBSCL 2020 đã xếp nước, đất đai, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đạt từ mức trung tính cho đến có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2022, Báo cáo ĐBSCL đã đánh giá phân vùng sinh thái và chỉ ra ba khu vực có sự phân hóa rõ rệt về điều kiện tự nhiên phục vụ cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp. Như vậy, những năm gần đây, các yếu tố tác động đến chuỗi giá trị hàng hóa cũng liên tục thay đổi khiến sự lựa chọn của nền kinh tế cũng dần khác biệt.

Kênh đào Funan Techo có tác động làm bối cảnh phân hóa điều kiện tự nhiên trở nên sâu sắc hơn, trước tiên làm thay đổi chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng hàng hóa theo hai hướng: (1) định vị lại vai trò của các địa phương trên các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và công nghiệp; và (2) thay đổi các cụm ngành hỗ trợ, tập trung nhiều ở ngành thương mại dịch vụ, logistics.

Môi trường canh tác khắc nghiệt hơn có thể tác động gây khó khăn cho hoạt động canh tác nông nghiệp ở một số địa phương khiến các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi thu hẹp quy mô theo diện tích hoặc thời gian canh tác, cơ cấu cây trồng cũng sẽ thay đổi, hoặc thậm chí, một số nơi sẽ từ bỏ hoạt động canh tác khi điều kiện không cho phép để chuyển sang một hoạt động kinh tế khác phù hợp hơn. Các địa phương có lợi thế cạnh tranh trong ngành nông nghiệp ở phạm vi cục bộ vùng ĐBSCL cũng phải thay đổi cấu trúc vận hành để gia tăng hiệu suất, nâng cao giá trị gia tăng ngành nhằm bù đắp cho sự thiết hụt sản lượng do các nơi khác không còn duy trì được vai trò canh tác nông nghiệp như trước.

Một trong những sứ mệnh lớn nhất của kênh đào Funan Techo đó là vận chuyển phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia không qua Việt Nam. Như vậy, lượng hàng hóa từ Campuchia vận chuyển đến cảng Thị Vải – Cái Mép sẽ giảm xuống. Nhưng tác động mà Campuchia kỳ vọng thay đổi lớn nhất là giúp cắt giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa của đất nước này, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Trước bối cảnh đó, Việt Nam cần đánh giá lại lợi thế cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ logistics của bản thân để duy trì được lợi thế vốn có. Các địa phương có vị trí gần kênh Funan Techo cần tính toán kỹ bài toán doanh thu – chi phí để đưa ra sự lựa chọn hợp lý, có thể lựa chọn vận chuyển hàng hóa trên kênh này nếu nhận thấy có lợi về mặt thời gian và chi phí.

Tác động đến xu hướng nền kinh tế

Những năm vừa qua, hoạt động nông nghiệp ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, trong khi đó, làn sóng công nghiệp hóa từ các thành phố lớn đang có xu hướng lan rộng đến các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Các thành phố lớn như TPHCM và tỉnh Bình Dương có xu hướng chuyển dịch nền công nghiệp từ truyền thống sang các ngành công nghiệp tri thức đem lại giá trị gia tăng cao hơn, ít thâm dụng các nguồn lực đầu vào, đặc biệt là đất đai.

Như vậy, một cuộc chuyển giao công nghiệp giữa các thành phố lớn và một số tỉnh thuộc vùng ĐBSCL đang dần diễn ra, trùng hợp vào đúng bối cảnh ĐBSCL đang có nhiều khó khăn buộc phải thu hẹp quy mô của ngành nông nghiệp. Nhiều khả năng tại một số địa phương ngành công nghiệp sẽ dần thay thế cho ngành nông nghiệp. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm khá phù hợp với vai trò nông nghiệp của vùng khi có khả năng tiếp cận với nguồn nguyên liệu đầu vào rất tốt.

Trước đây vùng ĐBSCL chủ yếu đóng vai trò là vùng nguyên liệu, hoạt động công nghiệp tập trung vào chế biến cây ăn trái và thủy, hải sản ở mức độ thô sơ. Giờ đây, trước nhiều tác động gây chuyển đổi cấu trúc kinh tế, vùng ĐBSCL có thể phát triển thêm các hoạt động công nghiệp chế biến ở mức độ cao hơn, tạo nên thương hiệu lớn mạnh và xuất khẩu đến các thị trường quốc tế uy tín. Trong khi đó, một số thành phố lớn phía Nam cần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tri thức, dịch chuyển mạnh mẽ ngành công nghiệp lên những phân khúc cao hơn, trao thị phần công nghiệp truyền thống cho một số tỉnh Tây Nam bộ.

Trần Hương Giang

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo