Lời trần tình của một con đường Thủ đô

Thứ hai, 14 Tháng 12 2009 08:51 Tuần Việt Nam
In

Nếu có ai vặn vẹo chưa có đường mà dám tự nhận mình là đường, rồi qui kết lên án thì tôi cũng đành chịu. Sự thực thì tôi đã có tên và hình thù hẳn hoi. Cả trên bản vẽ và trên thực địa.

Tôi mang cái tên rất oai: Đường Tôn Thất Tùng kéo dài. Còn trên bản vẽ và trên thực địa cũng đều có cả. Nhà chức trách đã dành hẳn, đã trừ lại, kiên quyết không chia cho ai, dẫu biết thời buổi đất đai là "tiền châu gạo quế". Bao nhiêu người sống trong chật chội, bao nhiêu nhà chen chúc nhưng khi biết phần đất dành lại để làm đường thì họ vẫn thấy vui, dẫu hàng ngày nhìn thấy cảnh "cỏ mọc um tùm, cây chen chúc lá" mà muốn đến đấy làm cái nhà che nắng che mưa để ở tạm.



Và bây giờ phần đất để dành cho tôi, phường sở tại thấy để lâu "của đau con xót" đành cho thuê mở dịch vụ chơi Bi-a, mở quán bia hơi, có đoạn họ còn cải tạo thành chợ tạm cho người dân buôn bán kiếm mớ rau con cá cho "đỡ phí".

Tôi có hình thù từ cái ngày mà cả khu Đô thị mới Định Công vẫn còn là những ruộng lúa ngút ngắt, vẫn còn chưa có tên trên giấy.

Trong dự định của các nhà qui hoạch, con đường này sẽ nối với vành đai số 3. Và như vậy cả khu đô thị mới Định Công đều được đi trên con đường này, hỗ trợ cho đường Lê Trọng Tấn vừa hẹp lại vừa độc đạo.

Lại nói về người dân trong qui hoạch làm đường. Cứ nói ở đâu đâu xa về qui hoạch treo chứ ngay giữa Thủ đô ta, đây là một thí dụ điển hình. Đường đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nói chính xác hơn là năm 1993. Khi những cán bộ của Quân chủng Phòng không - Không quân được cấp đất thì cũng dành đất để làm đường. Nó rộng đến 30m, dài chừng gần 2km.

Tuy nhiên cũng có một số cán bộ được chia trước khi có dự án. Đấy là nỗi khổ của những người biết mất đất mà thấp tha thấp thỏm. Bi hài hơn, nếu cứ kéo dài thì không nơi an cư là điều tất yếu sẽ xẩy ra.

Họ biết rằng trước sau rồi cũng sẽ phải di dời đến chỗ ở mới. Nếu có thu hồi những năm trước thì còn có đất để mua, có nơi để ở. Đằng này càng để giá đất càng cao, giá nhà càng khủng khiếp. Khả năng có nhà mới là vô cùng khó, dẫu có đền bù cũng không đáng là bao (vì không có sổ đỏ). Họ cứ chờ, cứ chờ, nhưng con đường thì chẳng thấy, mà giá cả đất đai thì còn dài hơn con đường...

Ngay cả một đoạn qua hồ. Trước kia là hồ rộng mênh mông, nay muốn làm đường lại vấp phải nhà mọc lên trái phép. Chả là một số người không biết do ai "bật đèn xanh" đã ngang nhiên lấp hồ, bán nền cho dân "tứ chiếng". Chẳng cần xin phép, chẳng cần sổ đỏ sổ hồng, chỉ có mảnh giấy viết tay là ngang nhiên có đất để xây nhà. Chỉ thời gian ngắn, cái hồ rộng mênh mông trở thành khu phố. Không biết cái cách quản lý của ta thế nào mà “trăm hoa đua nở” như vậy.

Dải đất giành riêng cho làm đường họ cũng chiếm nốt. Những năm cuối của thế kỷ trước, do "yếu tố bên trong" không đồng thuận, vụ việc chiếm đất mới được phanh phui. Vụ án mở ra và cũng chỉ xử một vài người, nhưng đất công thì mất, cũng không thấy thu hồi. Chẳng có cán bộ nào bị xử. Bây giờ xem báo thấy khu vực Đầm Hồng, (cái đầm anh em bên cạnh) cũng lại áp dụng "chiến thuật" du kích lấn dần. Không khéo lại cũng rơi vào số phận cái hồ trước kia. Bây giờ ai đến khu vực này sẽ thấy một vùng "hoang hoá" giữa Thủ đô. Nếu không tin mời các bác có trách nhiệm ghé vào thăm. Rất nhiều đất đã được rào lại, xây lại. Đó là khu vực của Phường Khương Trung giáp với một vài phường khác phía Định Công.

Còn thân phận con đường tôi cũng không khác với thân phận người dân nơi đây. Cũng chờ đợi mỏi mòn, cũng mong ngóng từng ngày. Đường không có nhưng dân cứ phải đi. Cả khu vực Sân bay Bạch Mai trước kia, cả khu đô thị mới Định Công mới mọc lên ngày nay cũng không có thêm đường mới.

Có một nghịch lý, khác với các khu đô thị khác, khu đô thị mới Định Công mọc lên nhưng không xây dựng thêm con đường nào lên thành phố cho người dân. Mấy năm trước, khu vực sân bay Bạch Mai chỉ có con đường độc đạo là đường Lê Trọng Tấn. Dân số đã quá tải đi trên con đường này. Nay cộng thêm khu Đô thị mới Định Công thành ra quá tải. Chuyện tắc đường là "chuyện thường ngày ở quận".

Hàng ngày cứ vào tầm 7 - 8 giờ sáng và 5 - 6 giờ tối nhìn dòng người cuồn cuộn đổ về, chen chúc nhau mà cảm thấy thương cho người lao động. Mệt mỏi ở công sở nhưng cứ nơm nớp lo về sẽ bị tắc đường. Thương nhất vẫn là các em học sinh, các anh các chị làm trong nhà máy, các thầy giáo phải đi dạy học đúng giờ. Đường từ nhà đến công sở, trường học chỉ có vài cây số mà nhiều hôm phải mất hàng tiếng. Điệp khúc ấy ngày ngày đều lặp lại, có khi còn nặng thêm. Nhiều hôm rời công sở 5 giờ nhưng mãi 8 giờ mới về đến nhà.

Nhiều người ở vào tâm con đường qui hoạch. Làm nhà thì chính quyền không cho, làm gì có sổ hồng sổ đỏ. Con cái thì đã đến tuổi dựng vợ gả chồng, thôi thì cứ che tạm mỗi đôi mỗi khoảnh, không biết tình cảnh này còn đến bao giờ...

Ừ thì thành phố kinh phí có hạn, nhưng chỉ một đoạn đường ngắn lại không phải đền bù, gắn với bao số phận của con người, thì có nên làm hay không, có giải toả  được nỗi sợ hãi, nỗi khổ của người dân hay không? Cái sẩy đã nảy thêm cái ung vì nhiều nơi đã bị lấm chiếm.

Thành phố ta mấy năm nay phát triển rất nhanh. Những người con của Hà Nội đi xa một vài năm khi quay trở lại đã thấy sự thay đổi, nhiều khi đến ngỡ ngàng. Có thể nói cả Hà Nội đang là một công trường xây dựng vĩ đại. Chỗ nào cũng là khu đô thị, chỗ nào cũng là Trung tâm... Nhiều con đường to đẹp mang tầm vóc mới của một Thủ đô đang mọc lên, nhiều ao hồ cũng được cải tạo mang lại cho thành phố bộ mặt mới. Tuy nhiên có những con đường nhỏ, một đoạn đường kéo dài, nhưng "số phận" lại không nhỏ chút nào.

Nguyễn Đăng Tấn 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: