COP 15 - vì sao mình hờ hững?

Thứ năm, 10 Tháng 12 2009 08:51 SGTT
In

Các nhà quan sát gọi Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 15 (COP 15) là “hội nghị quan trọng nhất kể từ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc” bởi ý nghĩa của nó đối với tương lai của hành tinh. Còn Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen phát biểu: “Đây là cơ hội mà toàn thế giới không thể bỏ lỡ”.

Các kênh truyền thông hàng đầu của nhiều quốc gia đều dành dung lượng đáng kể ngay trên trang đầu hoặc mở chuyên mục riêng để cập nhật tin tức hàng giờ về sự kiện này… Trong khi đó, đối với giới truyền thông nói riêng và dư luận tại Việt Nam nói chung, COP 15 vẫn chưa được thực sự quan tâm và chỉ được đề cập khá thưa thớt bên cạnh các cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ vốn được nhiều kênh báo chí cập nhật từng ngày.

COP 15 là hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 15, diễn ra từ 7 – 18.12.2009 tại Copenhagen (Đan Mạch). Hội nghị này mang tính lịch sử bởi sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách và hành động chung của toàn thế giới trước vấn nạn biến đổi khí hậu và những hệ quả trực tiếp của nó đến nhân sinh. Trong đó, mong đợi lớn nhất là các bên sẽ đạt được một thoả thuận chung về cắt giảm khí thải sau Nghị định thư Kyoto. Hiện cục diện đang rất phức tạp và giằng co giữa nhiều bên, nhiều quan điểm và yêu cầu khác nhau. Tiêu biểu là cuộc đối đầu giữa 193 quốc gia đã tham gia Nghị định thư Kyoto và Mỹ – nước muốn xác lập một “luật chơi” khác.

Cuộc đối đầu tiêu biểu nữa diễn ra giữa nhóm G77/Trung Quốc (gồm 130 quốc gia đang phát triển) và Liên minh châu Âu – EU (gồm 27 quốc gia phát triển của châu lục này). G77/Trung Quốc cho rằng các nước phát triển là tác nhân chính của vấn đề khí thải và phải chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc cắt giảm cũng như khắc phục những hệ quả của biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngược lại, EU cũng yêu cầu các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ phải cam kết mức cắt giảm khí thải và chịu trách nhiệm thoả đáng khi lượng khí thải từ các nước này ngày càng lớn và tăng lên nhanh chóng theo tốc độ phát triển kinh tế... Bản thân nội bộ các nhóm cũng tiếp tục phân thành nhiều nhóm nhỏ khác. Ngoài ra, còn có nhóm các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Liên minh các đảo quốc nhỏ (AOSIS), nhóm các quốc gia kém phát triển nhất (LDC)... Một thoả thuận chung để dung hoà quyền lợi và trách nhiệm giữa các bên thực sự là mục tiêu rất khó khăn. 

Trong lúc các cuộc đàm phán còn chưa ngã ngũ thì hệ quả của biến đổi khí hậu đã tác động nghiêm trọng và cụ thể đến đời sống, ngay cả ở các nước giàu, với ước tính hàng năm có khoảng 300.000 người thiệt mạng, 130 tỉ USD bị tổn thất và khoảng 1/10 dân số thế giới bị ảnh hưởng trực tiếp. Diễn biến và hệ quả của vấn nạn này đang tăng nhanh chóng và ngày càng phức tạp. Theo một tính toán của Liên hiệp quốc, từ nay tới năm 2020, chi phí khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ lên tới 200 tỉ USD/năm. Ngoài ra, thế giới sẽ phải chịu khoản chi phí khoảng 100 tỉ USD/năm để thích nghi với hiệu ứng nhà kính.

Riêng Việt Nam, được xếp vào nhóm 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, đã không còn ngạc nhiên trước sự bất thường của thiên nhiên những năm gần đây. Một viễn cảnh điển hình khác: nếu nhiệt độ trái đất tăng lên 20C, 45% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong mực nước biển dâng cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực của quốc gia, mà còn của cả khu vực và thế giới khi nguồn cung cấp lương thực bị biến mất. Đây không còn là cảnh báo xa xôi, mà là diễn biến thực tế tác động cụ thể đến đời sống hàng ngày.

Thế nhưng, như thực tế đang có, nhận thức và hành động của cộng đồng về biến đổi khí hậu còn ở mức rất thấp. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta đang sống trong nguy cơ nhưng lại tự tách mình ra khỏi bối cảnh thực tế, dòng chảy thông tin, cảnh báo, tiên liệu, tất yếu sẽ không đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ để đối phó, thích nghi và góp phần khắc phục vấn nạn chung này. Hơn nữa, phát triển kinh tế sẽ gắn chặt với các vấn đề môi trường. Nhận thức, nắm bắt về vấn đề này cũng chính là cách nắm bắt các xu hướng phát triển của kinh tế – xã hội để xác định đường đi của mình trong dòng chảy ấy.

Do vậy, “hờ hững” với COP 15 không chỉ là chuyện bỏ lỡ một sự kiện quan trọng, mà còn phản ánh nhận thức xã hội đối với những vấn đề mang tính nhân sinh. Nghĩa là, chúng ta đang hờ hững với những vấn đề liên quan trực tiếp đến tương lai của chính mình.

Phạm Hoa Lài (Copenhagen – Đan Mạch)

Copenhagen “nóng” giữa mùa đông

Những ngày này, dưới thời tiết khoảng 4 độ C, thủ đô Copenhagen vốn yên tĩnh của Đan Mạch gần như “sôi” lên bởi sự đổ về cùng lúc của hơn 15.000 người từ khắp thế giới cho COP 15. Trong đó, có 5.000 nhà báo, còn lại là đại biểu của 193 quốc gia, đại diện của các tổ chức phi chính phủ về môi trường và giới nghiên cứu, quan sát. Đặc biệt, COP 15 có sự hiện diện của khoảng 100 lãnh đạo cấp cao của các quốc gia. Hầu như khắp Copenhagen, biểu ngữ, tờ rơi, hoạt động tuyên truyền của các tổ chức xã hội tranh thủ thu hút sự chú ý của từng người qua đường. Cảnh sát Copenhagen thiết lập đường dây nóng riêng cho các vấn đề an ninh liên quan đến COP 15. “Climate Change” (biến đổi khí hậu) và “COP 15” là những cụm từ có mật độ được đề cập nhiều nhất trong giao tiếp bằng mọi phương tiện. 

>> Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen: Hy vọng và chờ đợi


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: