Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Thành phố "ta" sao lại mang tên... "tây"?

Thành phố "ta" sao lại mang tên... "tây"?

Viết email In

Phải chăng vốn liếng tiếng Việt ngàn năm văn hiến không đủ sức truyền tải (hay sính ngoại, hoặc để dễ bán được giá cao?) nên nhà đầu tư xây dựng dự án thành phố, đô thị mới ngay trên mảnh đất quê hương lại đặt tên "ngoại" rất hoành tráng.

Còn ngành chức năng tỉnh, huyện ở Đồng Nai "hồn nhiên" chấp thuận, khiến nông dân trong diện phải giải toả đọc quyết định đền bù đến... méo cả miệng...

Ruộng đồng sông nước từ đây mang tên... "tây"

Xã Long Hưng (huyện Long Thành - Đồng Nai) vốn là xã cù lao mang đặc trưng của miền Nam, bởi có nhiều sông rạch chằng chịt hợp thành.

Năm 2006, rồi 2007, UBND tỉnh Đồng Nai đã có hàng loạt văn bản, quyết định giao cho Liên hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop) làm chủ đầu tư dự án khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng (ảnh bên) với diện tích trên 1.000ha, gần như "xoá sổ" cả xã Long Hưng.

Tỉnh cũng cho phép Dona Coop liên doanh với các DN nước ngoài để lập quy hoạch chi tiết và thực hiện dự án. Tuy nhiên, thời điểm này và thậm chí ngay trong báo cáo mới đây của Sở KHĐT Đồng Nai, ngành chức năng vẫn gọi các dự án đô thị nhỏ như: Khu B, khu C (trên 366ha); khu D và khu E (trên 300ha) trong dự án "tổng" Khu đô thị Long Hưng.

Đột ngột, năm 2008 nhiều người dân vùng bị giải toả ngớ người khi tiếp nhận các văn bản của tỉnh, huyện với những dự án mang tên "tây" lạ hoắc. Cụ thể, UBND huyện Long Thành ban hành quyết định 4069 thu hồi hơn 820.000m2 đất, giải toả gần 200 hộ dân (đợt 1) để "Thực hiện dự án Aqua City tại xã Long Hưng" mặc dù trước đó, tên tiếng Việt của nó là khu D và E. Rồi tháng 12.2008, trong quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000, UBND tỉnh Đồng Nai gọi là khu đô thị Aqua City.

Té ra trước đó, Dona Coop liên doanh với Cty cổ phần An Phú Long và Cty Merrytime International Ltd. của British Virgin Islands (Anh) lập ra Cty cổ phần thành phố Aqua để làm dự án. Và trong văn bản gửi ngành chức năng, chủ đầu tư chẳng ngại ngần gọi dự án này là "thành phố Aqua".

Tương tự, Dona Coop tiếp tục liên doanh với Cty CP An Phú Long và Cty Portsville PTE. Ltd. Singapore thành lập Cty TNHH thành phố Waterfront để thực hiện dự án đô thị Long Hưng khu B và C (trên 366ha với tổng vốn đăng ký 750 triệu USD). Năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư đổi khu B và C thành tên dự án rất... "hội nhập": " Đồng Nai Waterfront". Còn chủ đầu tư gọi thẳng tên khu đô thị trên đất Việt mà tưởng bên "tây": Thành phố Waterfront.

Khu tái định cư thì mang tên "ta"...

Để nhường lại đất dự án tổng khu đô thị sinh thái Long Hưng (bao gồm cả 2 thành phố "ngoại" nêu trên), dự kiến sẽ có tới 600 hộ dân xã Long Hưng phải giải toả trắng, được bố trí tái định cư.

Dự án này, do chính Dona Coop làm chủ đầu tư. Dự án này cũng có diện tích không nhỏ (hơn 220ha), cũng nằm trong dự án tổng, cũng có đầy đủ các công trình dịch vụ đô thị, thương mại, nhà ở cao tầng..., nhưng trong văn bản 340 ngày 30.12.2008, chủ đầu tư gọi nơi ở mới của dân là: "Khu đô thị Long Hưng".

Ấy vậy mà trong các quyết định 1530 ngày 4.5.2008 (về phê duyệt phương án tổng thể bồi thường tái định cư...), quyết định 1662 ngày 15.6.2009 (về phê duyệt quy hoạch chi tiết...) thì UBND tỉnh Đồng Nai dường như không chấp nhận 2 từ "đô thị", nên gọi nơi ở mới của người dân bị giải toả mang tên "Khu dân cư Long Hưng".

Từ 2 vấn đề đối lập trên, vấn đề đặt ra, trên mảnh đất Việt, hạ tầng cơ sở phục vụ chủ yếu người Việt, sao nhiều dự án đô thị (ngoại trừ dự án tái định cư vì chưa hề thấy mang tên ngoại) toàn mang tên "tây"? Phải chăng vốn liếng tiếng Việt ngàn năm văn hiến không đủ sức truyền tải hết ý nghĩa, khát vọng của dự án, hay việc đặt tên "tây" để thoả mãn tâm lý "sính ngoại" để qua đó bán được giá cao?

Ngô Nguyên - ảnh: Ashui.com

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo