Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Quản lý vỉa hè, lòng đường ở TP.HCM: Đề xuất thành lập cảnh sát đô thị

Quản lý vỉa hè, lòng đường ở TP.HCM: Đề xuất thành lập cảnh sát đô thị

Viết email In

Tại hội nghị chuyên đề về “Công tác quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè” do HĐND TP.HCM tổ chức sáng qua (24/11), TS Nguyễn Thị Hậu, viện phó viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, kiến nghị nên thành lập lực lượng cảnh sát đô thị để quản lý và xử lý các vấn đề trong không gian công cộng của đô thị.

Bà Phạm Phương Thảo, chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng đề xuất của TS Nguyễn Thị Hậu là rất hay, nhưng đó còn là chuyện của tương lai.

Thiếu bãi xe, vỉa hè khó thoáng

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đồng ý rằng, vi phạm trong sử dụng vỉa hè, lòng đường giờ như căn bệnh lờn thuốc, phạt bao nhiêu lần cũng không chấm dứt. Mặc dù quy định, quy chế không thiếu nhưng do áp lực xe cộ quá lớn nên vỉa hè lòng đường luôn bị chiếm dụng.

  • Buôn bán chiếm hết vỉa hè - Ảnh chụp trên đường Võ Thị Sáu chiều 24/11 (Ảnh: Lê Hồng Thái)

Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng các quận 1, 3, 5, 10 và 11, các cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 60.000 trường hợp vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè (quận 3 phạt 4.200 vụ, quận 10 phạt 13.000 vụ, quận 1 phạt hơn 40.000 vụ…), tuy nhiên tình hình vẫn không mấy chuyển biến. Không ít vỉa hè các tuyến đường mẫu cấp thành phố về văn minh đô thị cũng bị “xẻ thịt”. Theo sở Giao thông vận tải, 11 trong tổng số 15 tuyến đường mẫu này thường xuyên bị lấn chiếm để buôn bán, đậu xe mất trật tự, như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Trường Sơn, Khánh Hội… Mặc dù sở đã bốn lần báo cáo lên ban chỉ đạo Nếp sống văn minh đô thị nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến đáng kể.

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, viện phó viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, để quản lý lòng đường, vỉa hè thật hiệu quả ngoài việc xây dựng nguyên tắc điều chỉnh hành vi cá nhân của đông đảo tầng lớp nhân dân thành phố, thì cũng nên nghiên cứu đánh thuế thật cao các địa điểm kinh doanh có sử dụng vỉa hè. Như thế lòng đường, vỉa hè mới hy vọng thông thoáng và trật tự hơn.

Ý kiến đánh thuế cao, được ông Huỳnh Công Hùng, phó ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM cho là “ý kiến rất hay, rất phù hợp trong tình hình này”. Tuy nhiên, do cơ chế không cho phép nên không thể thực hiện. Ông Hùng cho rằng thành phố cần kiến nghị Trung ương cho phép quy định một số chính sách riêng biệt để quản lý một đô thị lớn như TP.HCM. Đáp lại, ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nói: “Nếu trong quá trình thực hiện gặp khó khăn do cơ chế thì các địa phương cứ làm đề án, nếu khả thi thì thành phố sẽ xin Trung ương thí điểm thực hiện”.

Tuy nhiên, người đại diện cử tri, TS Nguyễn Hữu Nguyên, phản biện: “Thu thuế cao đến mức nào cũng không thể dẹp được tình trạng vi phạm trong sử dụng lòng đường, vỉa hè ở TP.HCM. Bởi hiện tại các phương tiện giao thông cá nhân ở TP.HCM đang phát triển chóng mặt, với 400.000 xe ôtô, hơn bốn triệu xe máy, trung bình hai người dân thành phố có một xe máy. Với số lượng xe cộ như vậy mà thành phố không có những bãi giữ xe tập trung thì không giải quyết được vấn đề”.

Cảnh sát đô thị

TS Nguyễn Thị Hậu tiếp tục đề xuất: “Chúng ta nên thành lập lực lượng “cảnh sát đô thị”. Lực lượng này sẽ chuyên quản lý và xử lý các vấn đề trong không gian công cộng của đô thị vốn còn rối rắm như hiện nay”.

Có mặt tại hội nghị, dù không đưa ra chính kiến cụ thể trước đề xuất trên, nhưng ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu bài học quản lý đô thị ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Theo ông Thuận, Phú Mỹ Hưng là nơi có lòng đường, vỉa hè được sử dụng hợp lý nhất. Bất kỳ một hành vi vi phạm nào liên quan đến việc sử dụng lòng đường, vỉa hè đều nhanh chóng bị phát hiện nhắc nhở và xử lý nghiêm. Sở dĩ Phú Mỹ Hưng làm được như vậy là vì họ có một đội bảo vệ trật tự đô thị với khoảng 650 thành viên thường xuyên tuần tra khắp các tuyến đường để nhanh chóng phát hiện và xử lý các vi phạm về đô thị.

Bà Phạm Phương Thảo, chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng đề xuất của TS Nguyễn Thị Hậu và câu chuyện mà ông Hứa Ngọc Thuận đưa ra rất hay. Nhưng đó là chuyện của tương lai, trước mắt, để nâng cao việc quản lý, sử dụng vỉa hè thì lực lượng Thanh tra xây dựng sẽ làm thay việc của cảnh sát đô thị. Cũng theo bà Phạm Phương Thảo, còn một vấn đề nữa không thiếu phần quan trọng góp phần vào việc quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè tốt hơn, đó là công tác tuyên truyền để những quy định đi vào cuộc sống.

Đào Lê

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo