Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Làng ven hồ

Làng ven hồ

Viết email In

Là nhà khách thuộc Sở Ngoại vụ, cơ quan chúng tôi đứng chân bên Hồ Tây bốn mùa lộng gió. Nhìn sang bên kia hồ là Nghi Tàm, Quảng An.

Ai đã từng một thoáng thả hồn theo sóng nước Hồ Tây, với mây trời bảng lảng, sóng nước mênh mang. Vẻ đẹp thiên nhiên khoáng đạt dù “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” trăm năm trước không còn nhưng như vẫn còn đây: “Dừng chân đứng lại trời, non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta” (Bà Huyện Thanh Quan). Có ăn, có ở đây mới cảm nhận được hết tâm tình đất và người làng ven hồ.


(Ảnh minh họa: Ashui.com)

Ngày chủ nhật được nghỉ, tôi vẫn thường thả bộ đi dạo trong làng. Một ngôi làng đẹp, hiền hòa nằm sát ngay mép nước Hồ Tây. Nơi đây, tự hào về những chiếc cổng làng đẹp nhất Kinh kỳ, những đình chùa bao năm vẫn tồn tại để kể cho đời sau những câu chuyện lịch sử ông cha. Đường vòng, ngõ nhỏ lát gạch cổ kính đan xen mảng tường gạch rêu phủ xanh, cùng những bụi cây râm bụt, sói, ngâu và tán lá lộc vừng. Những ngôi nhà thấp xây từ đầu thế kỷ trước mang bóng dáng một Hà Nội xưa. Thú vị là ngồi quán cóc nâng chén trà sen nóng, cùng chuyện trò với người dân trong làng. Gọi là quán nhưng có khi chỉ một chiếc bàn nhỏ, mấy chiếc ghế đôn bày ra ngay trước hiên nhà. Làng được hình thành từ lâu đời, thuộc vùng Kẻ Bưởi. Một vùng đất gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long, Hà Nội. Làng ở bên hồ, có bề dầy văn hóa lịch sử mà dấu xưa còn đó trong những di tích đền chùa, miếu mạo.

Trước đây, vùng này có ít ruộng nằm ven Hồ Tây nên chỉ có một bộ phận nhỏ làm ruộng kết hợp với thả sen. Phần lớn người dân ở đây sống bằng nghề đánh cá, làm giấy, dệt vải lĩnh. Còn đó những bể xi măng ngâm bột giấy. Bột giấy sau khi được chày giã mịn cho vào bể ngâm nước, dùng gậy đảo, đánh thật tơi bột, xúc lên làm thành tờ giấy. Rồi đến công đoạn nén, ép cho thật kiệt nước, phơi hong. Có câu ca: “Ai ơi đứng lại mà trông/kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bồi” là nói về công việc làm giấy dó, một nghề có từ xa xưa. Danh nhân Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí: “Phường Yên Thái huyện Quảng Đức làm giấy”. Trong bài “Phú tụng Hồ Tây” Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn cũng nói về nghề làm giấy: “Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng/Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”. Và ở đây từng có câu hát đối đáp rất thơ: “Vì em làm giấy cho người chép thơ”. Tiếng chày giã giấy nhọc nhằn, dư âm vẫn còn đâu đó; các ông, bà bên ấm trà vẫn bảo: “Cái ngày xưa ấy nhọc nhằn nhưng tươi vui trên hương trời sắc nước Hồ Tây”. Người làng tự hào nghề làm giấy nổi tiếng dù bây giờ nghề làm giấy dó chỉ còn trong ký ức người già.

Làng cũng làm nghề dệt vải lĩnh như các làng lân cận. Lĩnh vùng Bưởi vốn nổi tiếng khắp nơi, không chỉ phục vụ đất Kinh kỳ mà còn bán ra nước ngoài: “…Lĩnh Bưởi, chổi Phùng/Lụa vân Vạn phúc/Nhiễu vùng Mỗ bên”.

Bước dạo trong con ngõ nhỏ quanh co, nơi đây mỗi viên gạch, hay mỗi nét hoa văn trên mái cổng làng đều gợi nhớ bóng dáng đất Kinh thành Thăng Long. Cây lộc vừng xanh um cổ thụ hay dáng nhà cổ xưa kia còn lưu giữ những câu chuyện làng, chuyện lối ngõ có tiếng chuông chùa ngân nga. Khi đặt bàn tay lên bức tường rào rêu phong còn nghe vọng lại tiếng chày giã giấy như nhịp sống chậm rãi trong điệu hát văn dịu dặt: “Xem kìa Yên Thái như kia/giếng sâu chín trượng, nước thì trong xanh/đầu chợ Bưởi điếm cầm canh/người đi kẻ lại như tranh họa đồ”.

Những năm 1990, làng ven hồ cũng đang tự vật mình chuyển đổi ngành nghề. Các hợp tác xã làm giấy, trồng rau xanh hay đánh bắt hải sản thu hẹp, rồi giải thể. Nhưng sáng sớm hay chiều muộn vẫn thấy thấp thoáng bóng người quần áo ướt sũng, mang dụng cụ vợt lưới, cào ốc, bắt trai hến hình như cho thỏa nỗi nhớ nghề.

Vào làng ven hồ những ngày giáp tết mới thấy hết sự đầm ấm thân thương của tình nghĩa làng. Bên sân giếng cảnh con múc nước cho mẹ rửa lá dong, đãi đỗ; rồi các nhà hẹn nhau nấu chung nồi bánh chưng. Trên con đường lát gạch, các bà các chị đi chợ về có thêm bó cành đào nhỏ mua sớm đặt lên bàn thờ thắp hương ngày ông Táo về trời. Không khí tết nhộn nhịp ùa vào từng ngõ nhỏ bình yên, dù chỉ vừa hai người đi tránh nhau.

Cứ nhìn nhà cửa liền nhau, dầy như nêm cối, đủ biết người dân ở đây sống với nhau thuận hòa, chung thủy. Họ là những người lao động hiền lành, chân chất. Sáng chiều ra vào làng gặp nhau với tiếng chào hỏi thân thiết. Ngày nay, cuộc sống thay đổi nhưng các giá trị truyền thống vẫn được người dân giữ gìn bảo tồn nét riêng đặc sắc của vùng đất Kinh thành Thăng Long.

Chung Tiến Lực

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo