Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Tương tác Góc nhìn Quy trình ngược

Quy trình ngược

Viết email In

Ngày 27/8/2022, UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội đã tổ chức cho phụ huynh trên địa bàn phường bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi và 4 tuổi tại trường Mầm non Hoàng Liệt năm học 2022-2023. Từ đây có thể thấy, ngoài việc thay đổi quy trình ra thì phải thay đổi cả quan niệm về làm quy hoạch…


Trong các quy chuẩn về kinh tế – xã hội cho một khu đô thị thì vấn đề dân số là quan trọng nhất. Trong ảnh: Một khu đô thị ở TPHCM. (Ảnh: H.P)

Từ chuyện bốc thăm suất học mầm non

Số là năm học này trường Mầm non Hoàng Liệt nhận được 939 hồ sơ đăng ký nhập học nhưng chỉ có thể nhận tối đa 559 cháu từ 3-5 tuổi. Trong số này, trường ưu tiên nhận hết 226 trẻ 5 tuổi, nhằm đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi được đi học mầm non, chuẩn bị cho việc vào lớp 1 trong năm học tới. Còn các trẻ từ 3-4 tuổi, trường chỉ có thể nhận 333/713 cháu. Như vậy 380 cháu còn lại, bố mẹ phải đi tìm trường khác hoặc có phương án khác.

Đứa trẻ nào được học tại trường của phường và đứa trẻ nào phải đi nơi khác hoàn toàn phụ thuộc vào việc bốc thăm may rủi của bố mẹ. Điều này gây ra bất ngờ và hoang mang cho phụ huynh. Theo lẽ thường, khi các cháu có hộ khẩu ở phường thì đương nhiên được học ở trường công sở tại. Với tình hình này thì bố mẹ lại phải, chẳng hạn, đôn đáo đi tìm trường công khác trái tuyến. Kéo theo đó là những chuyện phát sinh khác liên quan đến việc phải điều chỉnh thời gian đưa đón, tuyến đường di chuyển và thói quen của trẻ. Những đứa trẻ nhà sát nhau mà có đứa có thể đi bộ lững thững đến trường, có đứa phải dậy sớm hơn theo cha mẹ đi học trường xa, chúng không hiểu tại sao lại thế.

Quy hoạch không gian mà đi trước quy hoạch kinh tế – xã hội, xây dựng công trình (nhà ở, chung cư, công sở, khu công nghiệp, khu đô thị) hoàn toàn không tính đến các dịch vụ xã hội kèm theo. Đó là quy hoạch ngược.

Thật ra việc chạy vạy tìm trường cho trẻ mẫu giáo vào đầu năm học mới đã diễn ra ở Hà Nội từ nhiều năm nay. Hình ảnh những dãy dài cha mẹ xếp hàng nộp đơn từ 4-5 giờ sáng không phải là lạ, nhưng chuyện bốc thăm may rủi thì đây là lần đầu tiên. UBND quận Hoàng Mai và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai lúng túng không biết phải làm như thế nào trước sự chất vấn của người dân, chưa kể trước những lo ngại tiêu cực kiểu “cửa sau”, hoặc “dưới gầm bàn”.

Bà Trương Thu Hà, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai, cho biết năm rồi quận đã xây thêm hai trường mầm non, nhưng với tốc độ tăng khoảng 2.000 trẻ mầm non mỗi năm, các cơ sở công lập chỉ đáp ứng được gần 20%. Tương tự như thế, hệ thống trường tiểu học công lập cũng chỉ tiếp nhận được 3.000-4.000 học sinh, trong khi số học sinh tiểu học trên địa bàn là hơn 8.000 cháu. Cho nên mọi chuyện cứ rối như canh hẹ, gây khó khăn cho người dân và cả cho cơ quan công quyền.

Xây dựng công trình không tính đến dịch vụ xã hội đi kèm

Từ chuyện của quận Hoàng Mai nhìn ra hai thành phố lớn là thành phố Hà Nội, TPHCM và các thành phố khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, có thể thấy hiện tượng tồn tại rất lâu này, là quy hoạch không gian đi trước quy hoạch kinh tế – xã hội, xây dựng công trình (nhà ở, chung cư, công sở, khu công nghiệp, khu đô thị) hoàn toàn không tính đến các dịch vụ xã hội kèm theo. Đó là quy hoạch ngược.

Ở các nước khác, trước khi ra đời một khu đô thị, một khu phố, thậm chí một chung cư, là người ta đã dự tính: khu vực đó sẽ phát triển loại hình kinh tế gì, quy mô và cơ cấu dân số như thế nào – tối thiểu (min) và tối đa (max) là bao nhiêu…? Để phục vụ cho lượng dân đó và hoạt động ngành nghề như thế thì cần phải có những loại dịch vụ gì, số lượng, chất lượng, vị trí… ra sao? Trên cơ sở đó người ta mới tính đến chuyện cần phải (hay chỉ được) xây dựng bao nhiêu căn hộ và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kể cả chuyện thu gom rác thải, như thế nào.

Cần nhấn mạnh, trong các quy chuẩn về kinh tế – xã hội cho một khu đô thị thì vấn đề dân số là quan trọng nhất. Trên nguyên tắc “đô thị là khu vực có lãnh thổ hạn chế, tài nguyên hạn chế” cho nên không thể nhồi nhét bao nhiêu dân cũng được, mà phải tính đến “ngưỡng đô thị”. Đơn giản là với diện tích đất như thế, với khả năng cung cấp nước, nguồn năng lượng, nguồn lương thực, thực phẩm, và thoát nước như thế thì chỉ có thể nuôi được bấy nhiêu người. Giả sử như khu vực đó có sức chứa dân cư ban đầu là 300.000 người thì nhà quy hoạch không chỉ tính xây dựng nhà ở cho 500.000 người (tính sức nở tối đa của thành phố) mà còn tính và xây dựng các dịch vụ xã hội cho từng ấy con người. Còn khi dân số có nguy cơ vượt ngưỡng 500.000 thì phải có quá trình “phân thân”, tức là xây dựng các thành phố vệ tinh gần đâu đó để chứa phần nở ra. Nhiều khu dân cư ở thành phố Hà Nội và TPHCM khi dân số gia tăng sau 15 năm thì hệ thống thoát nước thải không dùng được nữa vì quá nhỏ bé.

Ở các thành phố của Việt Nam hiện nay, việc phát triển ào ạt các khu đô thị với hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà cao tầng nén trong một khu vực hẹp là điều không hiếm. Xây bao nhiêu bán hết bấy nhiều, dân ùn ùn kéo về nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là bộc lộ ra các khiếm khuyết, nhẹ là thiếu công viên cây xanh, thiếu chỗ chơi cho trẻ em, người già, thiếu bãi đậu xe; nặng hơn nữa là thiếu nhà trẻ, trường học, bệnh viện, thiếu hệ thống xử lý rác, nước thải. Có nhiều chung cư xây xong, dân về ở mà không có cầu, đường, không có nước sạch, không có điện. Những khu dân cư mới rơi vào tình trạng thiếu dịch vụ như thế khá nhiều.

Đồ án quy hoạch phải trưng bày, triển lãm cho dân coi trước để góp ý. Cách thức “áp ý tưởng”, “áp quy hoạch” vào dân, “áp giá” khi giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa nên bỏ đi.

Không chỉ nhà đầu tư mà còn có nhiều vị quan chức cho rằng cứ xây nhà bán cho dân cái đã còn các dịch vụ khác tính sau, làm dần, thiếu gì làm nấy theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng” hay “sai đâu sửa đấy”; còn trong trường hợp chủ đầu tư không làm, không có kinh phí thì tự khắc dân sẽ phải bàn bạc với nhau để bỏ tiền, thuê người làm, vì đó là nhu cầu của dân, dân không làm thì dân thiệt.

Thực tế cho thấy cách quy hoạch như thế mang lại hệ quả xấu, trong nhiều trường hợp không khắc phục được nữa. Chẳng hạn, trong quy hoạch 1/2000 của quận không tính đến dành đất cho nhà trẻ, trường tiểu học, công viên hay là nhà tang lễ thì sau này có tiền cũng không làm được, như trường hợp quận Hoàng Mai là một ví dụ.

Người dân ta thán rất nhiều về quy hoạch treo, quy hoạch ngược, quy hoạch phi thực tế. Làm thế nào để khắc phục được chuyện này thì không phải dễ, bởi quy trình như thế rồi. Ngoài việc thay đổi quy trình ra thì phải thay đổi cả quan niệm, rằng quy hoạch khu dân cư, quy hoạch thành phố không phải là chuyện vẽ bản đồ xanh đỏ của mấy ông kiến trúc sư, mà là của toàn dân. Ở các nước, chủ tịch hội đồng quy hoạch thành phố thường là nhà kinh tế học, xã hội học chứ không phải là kiến trúc sư; đồ án quy hoạch phải trưng bày, triển lãm cho dân coi trước để góp ý. Cách thức “áp ý tưởng”, “áp quy hoạch” vào dân, “áp giá” khi giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa nên bỏ đi.

Nguyễn Minh Hòa

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo