Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Bảo tồn và phát triển, nhìn từ Tam Đảo, Ba Vì

Bảo tồn và phát triển, nhìn từ Tam Đảo, Ba Vì

Viết email In

Cùng nằm cách Hà Nội khoảng 60 km, nếu như Tam Đảo xô bồ thì Ba Vì lại tĩnh lặng, và hai thái cực này đếu có những vấn đề đáng suy ngẫm.

Sau nhiều năm tôi mới có dịp lên khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Giữa mùa hè nóng nực của miền Bắc, khí hậu nơi đây vẫn mát mẻ dễ chịu, nhưng cảnh quan thì bị "băm nát", xấu xí thật đáng buồn.


Công viên trung tâm thị trấn Tam Đảo lọt thỏm trong những khối bê tông mọc dày đặc (Ảnh: Trần Kháng)

Tam Đảo từng là "đô thị trên cao" với hơn 150 ngôi biệt thự từ 1-5 tầng do người Pháp xây cất. Tiếc là đến nay dãy biệt thự này chỉ còn phế tích, đổ nát, trơ ra những móng, tường, công trình ngầm nằm lẫn với cỏ cây. Đứng từ trên cao quan sát toàn bộ trung tâm thị trấn, vẫn còn đó ngôi thánh đường được xây dựng từ năm 1906. Tuy nhiên nhà thờ đá này đã bị "nhốt" bởi những công trình bê tông xung quanh. Gần đó là những khách sạn, nhà nghỉ, quán cà phê nhấp nhô, nhem nhuốc. Chắc hẳn nhiều du khách chia sẻ với tôi rằng, Tam Đảo thiếu hẳn một bàn tay quy hoạch mang tính tổng thể để có thể trở nên hấp dẫn hơn.

Nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, thiên nhiên ưu đãi cho Tam Đảo phong cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa. Nhưng phải chăng do trình độ xây dựng, do thiếu con mắt thẩm mỹ và do các chủ đất xây cất công trình thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, cho nên Tam Đảo đã bị "biến dạng" nhanh chóng.

Những năm qua, khi hạ tầng giao thông lên Tam Đảo được cải thiện, du khách tìm đến đây ngày càng nhiều hơn. Qua đó cho thấy, dù cảnh quan lộn xộn đi chăng nữa, nhu cầu tham quan và nghỉ dưỡng ở Tam Đảo vẫn rất lớn. Điều này một mặt mang lại cơ hội phát triển cho địa phương, mặt khác lại là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, bảo vệ môi trường… của chính quyền. Làm sao để du khách không rơi vào tâm lý "đến một lần cho biết rồi thôi".

Bài học và cũng là câu hỏi đặt ra, cả một vùng lõi Vườn quốc gia Tam Đảo, được ví như Đà Lạt của miền Bắc, nhưng cảnh quan lộn xộn như ngày nay là do cung cách quản lý hay lý do nào khác. Nếu như hai chục năm trước, chúng ta sớm quy hoạch thật nghiêm túc thì có bị "cám cảnh" như thế này không?.

Vấn đề khác, mặc dù nằm trong khu vực Vườn quốc gia song do từ lâu đã có cư dân sinh sống và được xác định là đơn vị hành chính nên việc xây dựng nhà cửa, khách sạn ở thị trấn Tam Đảo thuộc sự quản lý, cấp phép của chính quyền địa phương? Nếu giao cho cơ quan Trung ương chuyên quản thì có tốt hơn không? Cần làm gì để phục hồi và giữ lại những giá trị của khu danh lam thắng cảnh, một nơi nghỉ mát giữa khu rừng nguyên sinh nổi tiếng này?.

Cũng nằm cách Hà Nội trên dưới 60km, khu du lịch trên núi Tản (Ba Vì) mang lại một hình ảnh khác, có phần trái ngược với Tam Đảo. Nếu như Tam Đảo ồn ào, xô bồ thì Ba Vì lại tĩnh lặng, nhiều khu vực ở bình độ cao còn mang chút huyền bí của chốn "bồng lai tiên cảnh".

Các vườn quốc gia đều có thể mở diện tích nhất định dành cho khu hành chính, phát triển dịch vụ, du lịch theo quy định. Tuy nhiên, khác với Tam Đảo, vườn quốc gia Ba Vì chịu sự kiểm soát hoàn toàn của Ban giám đốc Vườn; ở vùng lõi vườn quốc gia này không tồn tại khu dân cư mà chỉ có đội ngũ những người chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng.


Phế tích một biệt thự Pháp trên đỉnh Ba Vì (Ảnh: Quốc Phong)

Từ những năm 1930, người Pháp đã cho xây dựng trên núi Ba Vì nhiều công trình phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, trong đó có hơn 130 biệt thự. Tuy nhiên qua thời gian, những công trình này chỉ còn là phế tích.

Hiện Vườn quốc gia Ba Vì có khai thác du lịch phục vụ khách tham quan với quy mô nhỏ. Trong đó tại cốt 600 đã có một số phòng lưu trú được xây lại trên nền bê tông của các biệt thự cũ. Dưới cốt 400 cũng có mô hình nghỉ dưỡng bình dân. Tuy nhiên nhìn chung số nền phế tích ở Ba Vì còn lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng các phế tích trên núi Ba Vì là di sản cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch nhằm đánh thức quá khứ đã "ngủ yên".

Có thể nói với vị trí không quá xa trung tâm Thủ đô, khí hậu núi cao trong lành và mát mẻ, núi Ba Vì là một tài nguyên du lịch đặc biệt không dễ đâu có. Trước năm bùng phát dịch, mùa hoa dã quỳ nở (thứ hoa nằm trong danh sách cây bản địa của vườn quốc gia xưa kia, nay được trồng trở lại) đã thu hút hàng nghìn du khách lên Ba Vì dịp cuối tuần, tạo nguồn thu không nhỏ cho đơn vị quản lý. Do đây là vườn quốc gia nên cách quản lý chặt chẽ là cần thiết. Ba Vì không thể phát triển xô bồ như những nơi khác, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể khai thác tốt hơn giá trị phế tích kiến trúc biệt thự Pháp trên đỉnh núi theo hướng hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Theo tôi được biết, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn tại nhiệm đã có dịp lên thăm Vườn quốc gia Ba Vì và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp phong cảnh tự nhiên nơi đây. Ông gợi ý với kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, rằng chúng ta nên suy nghĩ để biến nơi đây thành khu nghỉ dưỡng đặc biệt của nhà nước…

Tiếc rằng, tầm nhìn xa trông rộng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau từng đó năm vẫn chưa được đề cập trở lại. Nên chăng, nhà nước sớm có chủ trương với khu vườn quốc gia Ba Vì theo hướng không nên để phát triển tự phát, manh mún và có giải pháp để phát huy thế mạnh của vùng đất thiêng này.

Bảo tồn và phát triển, từ câu chuyện Tam Đảo, Ba Vì cho thấy hai thái cực đều đáng suy ngẫm.

Nguyễn Quốc Phong

Tác giả: Ông Nguyễn Quốc Phong từng có thời gian là người lính. Cả trước khi nhập ngũ cũng như trong quân đội và sau khi chuyển ngành, ông đều công tác trong lĩnh vực báo chí. Ông là cựu Phó tổng biên tập báo Thanh Niên.

(Dân Trí)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo