Về những hồ nước ở Hà Nội: Nói mãi, nói mãi, nói mỏi mồm, nhưng…

Thứ ba, 24 Tháng 11 2009 06:49 Tuần Việt Nam
In

Nếu chúng ta không hiểu biết chút gì về việc bảo vệ những hồ nước thì hành động lấn chiếm, san lấp các hồ nước sẽ được bỏ qua như ta bỏ qua việc một con bò gặm hết một luống hoa. Bởi vì con bò đó không có khái niệm về cái đẹp. Nhưng chúng ta là những người có bằng cấp thậm chí nhiều bằng cấp hẳn hoi mà vẫn làm thì quả là xấu hổ.

Tôi quyết định chọn cái tít nói trên cho bài viết dưới đây. Cái tít cho thấy sự mệt mỏi, chán chường của cá nhân tôi. Nhưng không, tôi chỉ là một cá nhân bé nhỏ giữa muôn vàn cá nhân và rất nhiều các tờ báo trong nước đã từng rơi vào trạng thái của sự mệt mỏi, chán chường này. Tôi cam chắc rằng: chính những cá nhân kia và những tờ báo kia đã không ít lần kêu lên như tôi. Đó là khi, chúng ta lên tiếng mãi về một vấn đề tưởng quá rõ ràng, quá hiển nhiên, quá logic ở cái nước Việt Nam mình mà vẫn chẳng có tác dụng gì.

Vấn đề đó là gì? Xin thưa: một vấn đề mà nhiều vị sẽ cho là chuyện chẳng có gì đáng nói. Đó là vấn đề những hồ nước giữa Hà Nội bị đầu độc, bị lấn chiếm và bị san lấp.

Ngay mới mấy ngày trước đây thôi, Vietnamnet, một tờ báo đã không ngưng nghỉ nói về những hồ nước bị bức tử, bị ăn thịt, lại nói về một hồ nước đang bị lấn chiếm một cách trắng trợn như ăn cướp giữa thanh thiên bạch nhật ở thủ đô ta. Đó là Đầm Hồng. Rất may là những kẻ lấn chiếm Đầm Hồng không thể giấu cả cái đầm nước to đùng đùng ấy vào tay áo để tỉnh bơ nói rằng "Ơ hay, làm gì có chuyện đó. Mất tay nhà báo chỉ được cái cực đoan, phóng đại".

Chính quyền khu vực Đầm Hồng có biết cái đầm nước này bị lấn chiếm không? Đương nhiên là biết. Biết nhưng sao lại không ngăn chặn? Tôi hỏi vậy thôi chứ một kẻ "lơ mơ" như tôi mà còn biết thì ai mà chẳng biết. Chính vì biết cái nguyên nhân đến vô lý ấy mới thấy lòng đổ vỡ.

Việc chặt những cái cây đẹp, cưa đổ những cây cổ thụ và san lấp những hồ nước ở giữa thành phố là chuyện cười ra nước mắt. Cười vì tại sao người ta lại có thể làm được cái điều hiển nhiên là không được làm như vậy và cười vì sao người ta lại cho phép làm những điều hiển nhiên không được cho phép như vậy?

Nếu chúng ta không hiểu biết một chút gì về việc bảo vệ những hồ nước như thế thì hành động lấn chiếm, san lấp các hồ nước sẽ được bỏ qua như ta bỏ qua việc một con bò gặm hết hoặc nằm đè lên một luống hoa. Bởi vì con bò đó không biết. Nó không có khái niệm về cái đẹp. Nhưng chúng ta là những người có bằng cấp thậm chí nhiều bằng cấp hẳn hoi mà vẫn làm thì quả là xấu hổ.

Qua việc bao nhiêu năm nay người ta cứ lấn chiếm và san lấp các hồ nước cho dù người dân và báo chí luôn luôn lên tiếng phản đối và kiến nghị nhưng mọi chuyện vẫn chẳng có chuyển biến gì, thì tôi thấy còn lâu, còn lâu lắm chúng ta mới xây dựng được một xã hội văn hoá, văn minh. Còn lâu, còn lâu lắm chúng ta mới làm được những việc lớn thực sự. Bởi cái hồ nước kia chỉ là một chất thử thái độ và ý thức sống của con người với xã hội của mình. Khi không làm được những việc nhỏ một cách nghiêm minh và có ý thức thì đừng nghĩ đến việc lớn. Hãy sản xuất một cái ổ cắm điện với một ý thức cao nhất rồi hãy nghĩ đến việc chế tạo tàu vũ trụ.

Một hành động cụ thể cho dù rất nhỏ mới chứng minh được lối sống và tầm tư duy của chúng ta chứ chỉ leo lẻo nói những lời đao to búa lớn và sáo mòn thì ai cũng làm được.

Tôi có quen biết một gã luôn luôn lên giọng dạy dỗ đồng nghiệp về tình yêu và trách nhiệm với nhân dân, với tổ quốc. Nhưng gã lại vô trách nhiệm với cha mẹ và những người thân của mình. Làm gì có một kẻ không có tình yêu thương và vô trách nhiệm với một người ruột thịt cụ thể của mình mà lại dám hy sinh tính mệnh cho tổ quốc. Hài hước và giả dối thê thảm.

Chỉ chuyện một hồ nước đang bị lấn chiếm và san lấp trắng trợn làm cho tôi nhìn lại những lần lên tiếng của mình liệu có ích gì không? Tôi nhắc lại: đã gần hai chục năm nay, người dân và báo chí không lúc nào ngừng lên tiếng về vấn đề đó mà người ta cứ trắng trợn làm. Hàng động trắng trợn này dịch ra là: Các ngươi cứ nói cho mỏi mồm còn chúng ông cứ làm. Trên thế giới, thực tế cho thấy không ít người dân đi picnic vô tình vứt mẩu thuốc gây cháy rừng đều bị pháp luật trừng trị. Còn ở cái xứ Việt Nam này người ta công khai phá cả cánh rừng, lấp cả một hồ nước có tổ chức hẳn hoi mà chẳng ai động đến.

Chính vì thế mà tôi nhận ra rằng: mình và nhiều người và nhiều tờ báo nói mãi, nói mãi, nói đến... mỏi mồm hình như chỉ để mình nghe. Nhưng nói đến mỏi mồm hay "méo mồm" thì vẫn cứ phải nói. Nếu chúng ta biết mà không nói thì chúng ta trở thành tòng phạm. Cho dù việc nói ra sự thật của chúng ta có thể sẽ thiệt hại cho cá nhân chúng ta ở nhiều khía cạnh nhưng có lợi cho xã hội. Và vì thế, chúng ta lại tiếp tục nói.

Nguyễn Quang Thiều


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: