Bảo tồn biệt thự

Thứ bảy, 30 Tháng 4 2022 12:58 VnExpress
In

Gia đình tôi sở hữu một phần tầng hai căn biệt thự Pháp cổ xây trên diện tích hơn một nghìn mét vuông mà trước năm 1945 là nhà riêng của Giám đốc Ngân hàng Đông Dương, cách Nhà hát Lớn Hà Nội vài trăm mét.

Căn biệt thự được phân cho các hộ gia đình cán bộ cấp Vụ sử dụng, từ thời bao cấp. Vài ba gia đình cấp thấp hơn cũng xin tận dụng sân vườn bên ngoài để xây nhà tạm.


(Ảnh minh họa: Ashui.com)

Thời bao cấp, ai cũng khó khăn, lá lành đùm lá rách. Theo thời gian, biệt thự trở thành một dạng "khu tập thể". Hộ xây thêm chỗ này, hộ lấn ra chỗ khác. Không gian sân vườn và cả khu bếp chung cũng bị đập đi, cơi nới. Con đường dẫn vào biệt thự bị lấn chiếm để bán nước, trông giữ xe cho các sự kiện ở Hồ Gươm.

Lấn chiếm không gian chung trong các biệt thự Pháp là chuyện rất phổ biến. Các hộ ở tầng một lấn sân vườn và xây dựng không phép hẳn nhà hai tầng, chắn hết tầm nhìn và không gian biệt thự Pháp cũ mà chúng tôi đang ở. Chúng tôi khiếu nại nhiều nơi đến cấp phường, quận, thành phố và trung ương. Thanh tra xây dựng làm việc và Ủy ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm hai lần ra quyết định cưỡng chế nhưng rồi hủy thực hiện vào phút cuối. Ở rất nhiều biệt thự khác, tình trạng chung là chính quyền ra biện pháp xử phạt hành chính nhưng vẫn để cho các công trình không phép tồn tại trong khuôn viên biệt thự, như chuyện đã rồi.

Căn biệt thự của chúng tôi nằm giữa hai biệt thự Pháp cổ khác, một bên là nhà riêng Đại sứ Italy (hiện nay là Trung tâm Văn hóa Italy) và một bên từng được Liên minh châu Âu thuê làm nhà riêng cho các đại sứ từ 1997. Một Đại sứ EU cũng gửi đơn khiếu nại lên thành phố khi hộ bên cạnh xây nhà sáu tầng ngay sát vách, nhìn thẳng sang nhà ông. Thành phố cho dừng việc xây dựng. Nhưng khi ông hết nhiệm kỳ về nước và một Đại sứ khác chưa sang thay, tòa sáu tầng đó mọc lại. Cuối cùng. Liên minh châu Âu trả căn biệt thự và đi thuê nơi khác.

Năm 1998, nhà nước có chính sách bán lại các căn biệt thự cho những hộ đang sinh sống tại đây. Gia đình tôi mua lại một phần nhưng rất phiền lòng vì không gian xung quanh quá bừa bộn. Ngay trong biệt thự chỉ cách Hồ Gươm một hai phút đi bộ, có gia đình nuôi cả lợn gà.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải từng chỉ thị không cho phép phá các biệt thự Pháp cổ và không cấp phép xây dựng mới trên đất của biệt thự Pháp cổ. Chủ trương đó không được thực thi rốt ráo. Tôi cũng ước có đủ tiền để mua tất cả phần biệt thự còn lại. Chỉ có như vậy, chúng tôi mới giữ nguyên được căn nhà đẹp đẽ trong quá khứ. Từ câu chuyện của gia đình mình, tôi hiểu thế khó của chính quyền Hà Nội trong việc giải quyết các biệt thự sót lại từ thời Pháp.

Cây xanh và các biệt thự Pháp cổ là hai hình ảnh in đậm trong tâm trí nhiều người về cảnh quan Hà Nội. Hà Nội nên lưu giữ hai điểm đặc sắc này. Trong khi đề xuất hướng xử lý hơn 1.200 biệt thự cũ, Hà Nội cũng có chủ trương bảo tồn những căn có giá trị nghệ thuật, kiến trúc phù hợp quy hoạch, cảnh quan đô thị; và bán 600 căn.

Về cách phân loại, ngoài cách chấm điểm theo 5 tiêu chí như thành phố đang áp dụng, có thể chia các biệt thự thành ba nhóm.

Nhóm thứ nhất là những căn thuộc sở hữu nhà nước nhưng đang được các cơ quan đại diện nước ngoài, cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế thuê trọn vẹn. Đây là những biệt thự còn giữ được khá nguyện vẹn. Những công trình này phải được đưa vào danh mục bảo tồn đặc biệt và tuyệt đối không cho phép mua bán. Khoảng hơn 200 căn như vậy nên được chỉnh trang và bảo tồn càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt.

Nhóm thứ hai khó giải quyết hơn là hơn 600 căn biệt thự đang bán dở dang, nhiều trong số đó được các hộ gia đình thuê, mượn. Nhóm này nên được một hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia xem xét thật kỹ, từng trường hợp một. Những căn chưa bị lấn chiếm và hư hỏng quá nhiều, có thể xem xét trùng tu và đưa vào nhóm thứ nhất. Những trường hợp còn lại đang bị chia năm xẻ bảy phải chấp nhận bán để lấy vốn tái thiết các công trình có giá trị hơn.

Nhóm thứ ba là những căn biệt thự đã bán như của chúng tôi. Về lý thuyết, các căn này không còn sở hữu nhà nước và đang trở thành các "biệt thự tập thể" của nhiều hộ. Nhiều căn đã được các cá nhân, công ty lớn mua gom và sẽ biến thành các trung tâm thương mại, khách sạn hoặc công trình hiện đại khác. Nhiều biệt thự Pháp cổ đã bị phá vỡ thay thể bằng tòa nhà cao ốc như ở đường Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Tô Hiến Thành... Đây là thực tế đã xảy ra như một phần tất yếu của quá trình hiện đại hóa đô thị.

Vấn đề biệt thự Pháp cổ thể hiện rõ thế lưỡng nan của đô thị hóa và phát triển kinh tế. Làm thế nào để phát triển mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa và giá trị lịch sử. Đây là bài toán khó. Dù sao, Hà Nội nên giữ được càng nhiều biệt thự Pháp cổ càng tốt và trùng tu lại những công trình này bằng mọi giá.

Điều quan trọng là các quy định pháp lý cần cụ thể, kiên quyết không cho phép phá dỡ và xây dựng mới trong khuôn viên tất cả biệt thự Pháp cổ cần bảo tồn thuộc cả ba nhóm trên. Đây phải là chính sách nhất quán thay vì mang tính "nhiệm kỳ".

Nếu lãnh đạo và các nhà quy hoạch có được quyết tâm ấy, Hà Nội sẽ giữ được nhiều nhất có thể những giá trị kiến trúc làm nên lịch sử của mình.

Nguyễn Thu Hằng

(VnExpress)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: