Đồng bằng sông Cửu Long: Những thách thức từ biến đổi khí hậu

Thứ ba, 12 Tháng 4 2022 12:45 Diễn đàn Doanh nghiệp
In

Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ ngập lũ cũng như tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.

Trong những năm qua, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thách thức lớn nhất mà khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt là từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở phía thượng nguồn sông Mê Công và nội tại của ĐBSCL. Tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức, sự gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa.


Sự gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa ở ĐBSCL.

Bên cạnh đó, những vấn đề về xung đột giữa nhu cầu nước ngọt cho nông nghiệp và nhu cầu nước mặn, nước lợ để nuôi tôm đang diễn ra ở nhiều nơi. Việc phát triển hạ tầng chống lũ, thủy lợi, giao thông đô thị, khu công nghiệp… đã làm biến đổi sâu sắc chế độ lũ như vốn có trước đây. Việc phát triển hệ bờ bao, khu dân cư vượt lũ… làm giảm không gian chứa lũ, thoát lũ làm gia tăng nguy cơ ngập, lụt ở nhiều khu vực. Diện tích chứa lũ giảm đồng thời mực nước biển dâng sẽ làm tăng mực nước lũ ở khu vực trung tâm ĐBSCL trong thời gian dài.

Ở các khu vực trung và hạ lưu, do phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao, diện tích chứa lũ giảm và nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lũ. Cung cấp nước sạch chỉ đảm bảo được cho khoảng 70% dân số đô thị và tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều đối với nông thôn. Bên cạnh đó, nguồn nước để cấp nước ở các khu vực nông thôn cũng đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn là mặn và ô nhiễm.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Hà Lan cho Đồng bằng sông Cửu Long mới đây, Chủ tịch Liên Đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, ĐBSCL là một vùng kinh tế rộng lớn với diện tích trên 40 nghìn km2, dân số trên 17,2 triệu người, là một khu vực có ý nghĩa quan trong về kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ĐBSCL có các thế mạnh về phát triển nông nghiệp, trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước, cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa và xuất khẩu.


Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Hà Lan cho Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Cần Thơ mới đây
(Ảnh: Đình Đại)

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cho rằng, dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), vùng ĐBSCL đang đứng trước những thách thức liên quan tới đất, nước và môi trường, cùng nhiều rủi ro do BĐKH gây ra. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông và logistic còn nhiều hạn chế, lao động có trình độ thấp và các vấn đề về di cư, mô hình sản xuất nông nghiệp theo truyền thống cũ, ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng và sản xuất còn thấp, những phương thức cũ không còn phù hợp. Điều đó đặt ra cho ĐBSCL cần phải có sự thay đổi, cần có một mô hình phát triển mới.

Còn theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, ĐBSCL đang tụt hậu rất xa so với các khu vực khác, đồng thời, nguồn lực của ĐBSCL cũng đang rất hạn chế, trong khi thách thức lại đang rất lớn. Ông cũng cho rằng, thách thức lớn nhất của ĐBSCL đó chính là nước, nước và nước.

Ngoài ra, ĐBSCL cũng đang đứng trước những thách thức lớn về chuyển đổi nông nghiệp; chuyển đổi số và chuyển đổi về nhân khẩu. Trong đó, chuyển đổi số ở ĐBSCL cũng đang gặp những thách thức rất nghiêm trọng. Đầu tiên là về con người, thứ hai là về cơ sở hạ tầng và thứ ba là sự kết nối của ĐBSCL với thế giới. Ở trong cả 3 trạng thái này thì ĐBSCL cũng đang dần tụt hậu trở lại phía sau so với các tỉnh, thành khác, cũng như so với tiềm năng và cơ hội mà ĐBSCL có thể có được.

“Về chuyển đổi nhân khẩu, chúng ta cũng đã nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của già hóa dân số. Trên thực tế, ở Việt Nam quá trình già hóa dân số này đã bắt đầu từ khoảng năm 2013. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể nào có được một lượng dân số tăng một cách liên tục. Do đó, khả năng duy trì một nguồn lao động dồi dào, dân số trẻ với chi phí thấp vốn là năng lực cạnh tranh của Việt Nam, cũng như của ĐBSCL trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển công nghiệp cũng không còn nữa”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận.

Đình Đại

(Diễn đàn Doanh nghiệp)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: