Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Không chỉ chuyện chiếc lư hương

Không chỉ chuyện chiếc lư hương

Viết email In

Chiếc lư hương dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại công viên Mê Linh (quận 1, TP.HCM) đã được đưa về đặt lại ở vị trí cũ vào rạng sáng 17/3/2022.

Câu chuyện “mang đi hay để lại” chiếc lư hương này vậy mà đã tốn nhiều giấy mực dư luận trong một thời gian ba năm. Giữa các luồng dư luận đan xen, nói cho đúng, đã có khi câu chuyện bị lái đi theo những diễn giải cường điệu.


Lư hương của tượng đài Trần Hưng Đạo đã được tái an vị tại công viên Mê Linh. Ảnh chụp tại lễ khánh thành công viên bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh sáng ngày 17/3/2022. (Ảnh: Trung Dũng)

Tuy nhiên, trong một tinh thần chịu lắng nghe và suy xét, việc lãnh đạo TP.HCM quyết định di dời chiếc lư hương trở về, đặt trong diện mạo mới của công viên Mê Linh và công viên Bạch Đằng, có thể nói là lối ứng xử thuận tình thuận lý, có trước có sau; đem lại hiệu quả cao cho giá trị tổng quan của dự án chỉnh trang không gian công cộng.

Nói là “có trước có sau”, bởi rằng việc chỉnh trang không gian công cộng trong đô thị hiện đại trong trường hợp này đã kết nối được với những hạng mục, biểu trưng của quá khứ, những gì gắn liền với tâm thức cộng đồng qua thời gian. Đây cũng chính là chìa khóa trong quy hoạch bảo tồn hướng đến xây dựng những vùng lõi di sản thêm giàu có, phong phú.


Ý định nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới trong quy hoạch khu Hòa Bình của chính quyền Đà Lạt đã vấp phải phản đối của giới chuyên gia di sản, quy hoạch và dư luận. (Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên)

Nhìn lại, sở dĩ vừa qua các dự án quy hoạch lớn ở trung tâm các đô thị Việt Nam (trong đó, tiêu biểu nhất là khu Hòa Bình, Đà Lạt) vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận là bởi tư duy loại trừ, xóa dấu di sản trong bức tranh phát triển khiến các biểu trưng gắn bó với tâm thức, ký ức cộng đồng bị coi nhẹ và bỏ qua.

Hình thái đô thị hiện đại không thể được xác lập trên cơ sở ý chí hay nguồn lợi của nhà đầu tư, nhà tài trợ mà phải thực sự là sản phẩm mang lại giá trị cho cộng đồng, nơi cộng đồng gắn bó, thụ hưởng những giá trị văn hóa được định hình qua thời gian.

Chuyện chiếc lư hương trước tượng đài Đức Thánh Trần ở công viên Mê Linh Sài Gòn được đưa về chỗ cũ, có lẽ câu chuyện cũng không nên phóng đại theo chiều hướng “tâm linh nhân quả” dễ dãi, mà cần được xem như một kinh nghiệm xử lý trong khoa học chỉnh trang, xa hơn, là cách thức ứng xử bảo tồn di sản, đặt di sản trong hình thái không gian, làm cho được tỏa sáng, phát huy giá trị trong bối cảnh hiện đại.

Đây cũng là một điển hình để cơ quan chức năng phải xem lại các dự án trùng tu di sản tùy tiện kiểu như dự án tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít do Sở Văn hóa Thông tin Bình Định thực hiện. Cái sai từ những cẩu thả dẫn đến biến dạng di sản rất cần được truy cứu tường tận nguồn gốc trách nhiệm. (Với trường hợp Tháp Bánh Ít, thật đau lòng là những phát hiện sai phạm khi công trình “trùng tu” đang dang dở và đã kịp xâm hại đến kết cấu cũng như hình thái của công trình có niên đại đến ngàn năm, là chứng tích quan trọng của một phần lịch sử văn hóa vùng và địa phương!).


Đơn vị thi công tự ý đưa máy múc vào thi công gần tháp Cổng trong quần thể di tích tháp Bánh Ít. (Ảnh: Phan Hiếu)

Trở lại câu chuyện chiếc lư hương trên công viên Mê Linh hôm nay. Chắc chắn đó không phải là một chi tiết nổi bật giữa rất nhiều công trình mới mẻ hiện đại chung quanh, càng không phải là một điểm nhấn trong kiến trúc tổng thể công viên Mê Linh và công viên Bạch Đằng vừa được chỉnh trang, nhưng đó là một điểm nhấn có hấp lực tinh thần và là không gian tín ngưỡng đặc biệt - là chốn biểu thị sự thành kính hướng về tiền nhân; nơi chốn nhắc nhớ những thị dân hôm nay biết nhìn sâu vào lịch sử đất nước, lịch sử thành phố mà mình đang sống và gắn bó để sống có trách nhiệm.

Đó là mặt tích cực không chỉ dừng lại ở giá trị vật chất của một chiếc lư hương./.

Nguyễn An Nam

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo