Công trình bủa vây sông Sài Gòn, người dân loay hoay tìm lối đi ra ven bờ

Thứ tư, 09 Tháng 3 2022 10:13 Dân Trí
In

Nhiều công trình, biệt thự, nhà hàng... đã bịt kín các lối ra bờ sông Sài Gòn khiến người dân rất khó khăn trong việc tìm lối đi ra ven bờ hóng mát, tập thể dục hay tự do vãn cảnh dọc hai bờ sông.

Một trong những biểu tượng thầm lặng của TPHCM là sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 80km chảy dài qua nhiều quận, huyện cùng với hệ thống kênh, rạch chằng chịt.

Sông Sài Gòn mang lại cho thành phố lợi thế và tiềm năng lớn để phát triển du lịch, giao thông đường thủy, kinh tế sông nước hay tạo ra các công trình, khuôn viên công cộng cho người dân. Tuy nhiên, hiện trạng dọc 2 bên bờ sông Sài Gòn đang trái ngược với những kỳ vọng ấy.


Tại khu vực bờ sông Sài Gòn thuộc các quận trung tâm TPHCM, nhiều nhà hàng, quán ăn vươn ra sát mép bờ sông. Để được tận hưởng cảnh quan sông, người dân cần trở thành thực khách của nhà hàng. Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực đường Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh), không gian xanh, không gian công cộng để người dân tiếp cận bờ sông còn rất ít, diện tích bờ sông người dân có thể tiếp cận là vô cùng ít ỏi so với các hàng, quán mọc lên ven bờ.


Theo Quyết định 150/2004 của TPHCM về quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch, khu vực bờ sông Sài Gòn tại phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức) có hành lang bảo vệ là 50m. Tuy nhiên, hiện tại, những khu vực hành lang gần như bị các nhà hàng, quán cà phê phủ kín.


Các quán cà phê tại khu vực này chủ yếu bao gồm công trình tạm, kê bàn, ghế, không tồn tại các công trình kiên cố. Tuy nhiên, những cánh cổng, hàng rào của các nhà hàng, quán cà phê đã ngăn cản việc người dân có thể tản bộ, dạo mát tại khu vực vốn dĩ là không gian công cộng.


Khu vực phường Thảo Điền (thành phố Thủ Đức) cũng là một trong những địa điểm nóng có tình trạng các công trình lấn chiếm bờ sông Sài Gòn. Phần lớn khu vực bờ sông đoạn qua đường Nguyễn Văn Hưởng bị các công trình, dự án, nhà hàng lấn chiếm, người dân rất khó tiếp cận mặt sông, nhiều con hẻm dẫn ra bờ sông bị dựng barie và có người trông giữ. Có công trình xây dựng thêm bến du thuyền để phục vụ riêng cho khách hàng.


Ngay thời điểm hiện tại, khu vực này vẫn có công trình đang xây dựng mới sát mép sông mặc dù vấn nạn biệt thự, dự án chiếm bờ sông khu vực Thảo Điền đã được nhiều báo, đài lên tiếng phản ánh nhiều năm trước đó.


Tại một số đường hành lang sông hiếm hoi còn lại tại khu vực Thảo Điền, người dân vẫn không thể đi lại tự do. Chủ công trình đã dựng lên cửa sắt, khóa lại như một lối đi riêng.


Một số con hẻm tại đường Nguyễn Văn Hưởng dù đã được cấp số, dựng biển nhưng chủ đầu tư vẫn dựng barie cùng phòng bảo vệ kiên cố. Người dân không thể tự do ra vào những nơi này.


Hình ảnh được ghi nhận tại một con hẻm kéo ra bờ sông Sài Gòn trên đường Nguyễn Văn Hưởng. Cả 2 bên hẻm đều là những nhà hàng, quán cà phê sát bờ sông, đường ở giữa được tận dụng làm bãi đậu xe cho du khách.


Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho biết, năm 2004, UBND TPHCM ban hành Quyết định 150 về ban hành quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn. Tuy nhiên, trước khi quyết định trên có hiệu lực, nhiều dự án đã được cấp phép xây dựng. Ông Tuấn cho biết thêm, thời điểm hiện tại, để quy hoạch, định hướng lại hệ thống cơ sở hạ tầng xanh, công viên cây xanh, tiện ích xã hội dọc hành lang sông cần cả chiến lược dài hơi.


Anh Lực (21 tuổi) sinh sống ở khu vực phường Thảo Điền 3 năm cho rằng, vấn đề lấn chiếm bờ sông tại đây ngày càng tăng chứ chưa có dấu hiệu cải thiện. Hiện tại, để ra được bờ sông Sài Gòn khu vực này một cách thoải mái thì người dân chỉ còn một con hẻm nhỏ giữa đường Nguyễn Văn Hưởng hoặc bờ kè phía đầu đường, những nơi khác được bao vây bởi các công trình hoặc nơi đổ rác sinh hoạt, phế liệu. "Vấn đề lấn chiếm bờ sông đến từ 2 phía, cả từ cơ quan quản lý và người kinh doanh nhận thấy lợi ích về mặt kinh tế. Tuy nhiên, nếu chính quyền xử phạt quyết liệt, vấn đề này có thể cải thiện", anh Lực chia sẻ.


Đường hành lang sông không còn, vỉa hè một số khu vực cũng chưa được đảm bảo, nhiều người dân sinh sống tại Thảo Điền, bao gồm cả những người ngoại quốc lựa chọn lòng đường là nơi tập thể dục mỗi buổi chiều.


Một công trình đang được rào kín để thi công tại khu vực bờ sông Sài Gòn trên đường Nguyễn Văn Hưởng.


Trái ngược với tình trạng lấn chiếm bờ sông Sài Gòn diễn ra phổ biến, một số khu vực bờ sông tại khu vực trung tâm TPHCM được quy hoạch bài bản với đường đi bộ cho người dân, không gian cây xanh xen kẽ. Tuy nhiên, khu vực đường đi bộ đã xuống cấp, chưa được trùng tu, sửa chữa thời gian dài.


Hiện tượng bờ sông Sài Gòn xuống cấp cũng được ghi nhận tại khu vực vùng ven ở phường Linh Đông (thành phố Thủ Đức). Cỏ dại đã phủ kín lối đi bộ, nhiều nơi sụt lún, gây nguy hiểm cho người dân.

Cuối tháng 12 năm 2019, Sở Xây dựng TPHCM có kế hoạch kiểm tra các dự án nằm tiếp giáp bờ sông Sài Gòn. Theo kế hoạch, cho đến ngày 3/1/2020, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ rà soát lại việc sử dụng hành lang bờ sông, các loại giấy tờ pháp lý của 88 dự án đầu tư xây dựng tại 9 quận, huyện.

Sau khi rà soát, đơn vị đã ghi nhận 56 dự án phát triển nhà tiếp xúc sông Sài Gòn. Trong đó, 40 dự án hình thành trước khi quyết định 150 có hiệu lực và 16 dự án hình thành sau thời điểm trên.

Tuy nhiên, TPHCM vẫn chưa có phương án xử lý chính thức đối với các dự án hình thành trước thời điểm quyết định 150 có hiệu lực. Đối với các dự án ra đời sau đó, Sở Xây dựng đã kiến nghị thành phố giao cho đơn vị này chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, xác định lại phạm vi, diện tích vi phạm để đưa ra hướng xử lý.

Ip Thiên - Q.Huy

(Dân Trí)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: