Ashui.com

Monday
Oct 07th
Home Tương tác Góc nhìn Diện mạo Thủ Đức sau một năm lên thành phố

Diện mạo Thủ Đức sau một năm lên thành phố

Viết email In

Trong năm đầu tiên thành lập, TP Thủ Đức chỉ khởi công, hoàn thiện một số công trình nhỏ. Các dự án trọng điểm vẫn trong quá trình quy hoạch hoặc giải phóng mặt bằng.


Về hạ tầng, điểm sáng có ý nghĩa quan trọng nhất với TP Thủ Đức trong năm 2021 là việc hợp long cầu Thủ Thiêm 2, nối hai bờ sông giữa quận 1 và TP Thủ Đức. Công trình dự kiến được đưa vào sử dụng vào quý II/2022, giúp rút ngắn đáng kể thời gian đi từ TP Thủ Đức đến trung tâm TP.HCM.


Cầu Thủ Thiêm 2 là công trình thứ 2 được hoàn thành (sau cầu Thủ Thiêm 1) trong tổng số 5 cây cầu được kỳ vọng nối bán đảo Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) đi các hướng của TP.HCM. Dự án do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh thực hiện.


Cầu Mỹ Thủy 3 thuộc nút giao thông Mỹ Thủy được hoàn thành tháng 2/2021 cũng là điểm sáng về hạ tầng với TP Thủ Đức. Công trình được kỳ vọng kết nối giao thông với cầu Mỹ Thủy 1 và 2 để giảm ùn tắc xe vào cảng Cát Lái.


Ngay cạnh đó, dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) dự kiến hoàn thành trong năm 2020 nhưng sau đó trễ hẹn tới 2022. Cùng với cầu Mỹ Thủy 3, việc mở rộng đường Đồng Văn Cống lên 10 làn ôtô và 2 làn xe máy được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc, tai nạn, tăng khả năng chuyên chở cho cửa ngõ cảng Cát Lái.


TP Thủ Đức được quy hoạch với 8 trung tâm đổi mới sáng tạo để trở thành cực phát triển mới của TP.HCM, phát triển ngang tầm khu trung tâm. Cụ thể: Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc; Khu Công nghệ cao; Khu Đại học Quốc gia TP.HCM; Khu Linh Trung kết nối Đại học Quốc gia và Khu Công nghệ cao; Trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa - Long Phước; Khu đô thị tương lai Trường Thọ; và Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam.


Từ khi được phê duyệt đến nay, 8 trung tâm kể trên hiện vẫn chỉ là ý tưởng. TP Thủ Đức đang hoàn thiện quy hoạch chung để trình Thủ tướng phê duyệt để thu hút đầu tư và triển khai. Dự kiến, quy hoạch chung TP Thủ Đức được hoàn thành trong năm 2022. Trong ảnh là bán đảo Thủ Thiêm, nơi được kỳ vọng là trung tâm tài chính của TP.HCM.


Cuối năm 2021, TP.HCM đã tổ chức đấu giá các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm để thu hút nhà đầu tư, có thêm nguồn lực phát triển trung tâm tài chính này. Trong ảnh là các lô đất tại Thủ Thiêm vừa được đưa ra đấu giá vào tháng 12/2021 với mức giá kỷ lục.


Một trung tâm khác là Khu đô thị tương lai Trường Thọ hiện vẫn chưa có gì thay đổi so với trước khi TP Thủ Đức thành lập. Nơi đây có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi cho cả 3 loại hình giao thông là đường thủy, đường bộ và đường sắt đô thị. Khu vực được định hướng xây dựng thành một khu đô thị mới nằm dọc theo tuyến đường Xa Lộ Hà Nội và tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.


Với Khu đô thị Trường Thọ, TP Thủ Đức sẽ tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị” tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật và sẽ là nơi áp dụng công nghệ mới nhất của đô thị sáng tạo TP Thủ Đức.


Khu Công nghệ cao TP.HCM được kỳ vọng trở thành Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học.


Theo kế hoạch, nơi đây sẽ tiếp tục được nâng cấp mở rộng với hoạt động nghiên cứu phát triển, tự động hóa sản xuất, thiết kế đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mang tính đột phá, trở thành nền tảng cho kinh tế địa phương phát triển.


Một năm qua, Khu công nghệ này chưa có gì đổi mới về hạ tầng. Dù Khu Công nghệ cao TP.HCM được hình thành và đi vào hoạt động gần 20 năm, nơi đây vẫn còn nhiều khu đất trống, chưa xây dựng.


Trong công tác quản lý giao thông, năm 2021, UBND TP Thủ Đức chủ yếu hoàn thành các dự án nhỏ về bê tông hóa mặt đường, hẻm; trồng cây xanh; xây dựng chương trình về giảm ngập nước... Trong ảnh là đường số 42 (phường Linh Đông) sau khi được sửa chữa.


Sau đại dịch Covid-19, xây dựng nhà ở xã hội là vấn đề được TP Thủ Đức đặc biệt quan tâm. Tháng 12/2021, một dự án với 726 căn nhà ở xã hội đã được khởi công tại phường Long Trường.


Hiện, TP Thủ Đức có 19 dự án thương mại mà chủ đầu tư phải xây dựng nhà ở xã hội và 15/19 dự án này đã hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng. TP Thủ Đức dự kiến phát triển nhà ở xã hội 5 năm (2021-2025) theo 3 giai đoạn để đáp ứng nhu cầu của 5.593 người dân trên địa bàn.


Năm 2021, TP Thủ Đức tập trung xây dựng đề án quy hoạch chung và các dự án quy hoạch tổng thể. Dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến hạ tầng nơi đây chưa có gì khác biệt so với trước. Điều này đặt ra áp lực lớn cho TP Thủ Đức trong năm 2022 và những năm sau đó để nhanh chóng thay đổi diện mạo thành phố mới như kỳ vọng của người dân.

Quỳnh Danh - Thu Hằng

(Zing.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo