Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Lý nào với Lý Sơn?

Lý nào với Lý Sơn?

Viết email In

LTS: Dự kiến trong tháng 4 UNESCO sẽ trả lời chính thức hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh “vết tích còn lại của núi lửa với các miệng phun trào cách đây khoảng 25 - 30 triệu năm…” được UBND tỉnh Quảng Ngãi trình từ cuối năm 2019. Không chỉ có giá trị thiên nhiên, Lý Sơn còn có thể là một minh chứng thành công cho sự tiến biển của người Việt xưa. Và giá trị di sản định cư ấy rất cần được kế thừa để giải quyết các vấn đề hôm nay của hòn đảo này.

Trong bảng tiêu chuẩn văn hóa của UNESCO, mục số V xác định giá trị di sản một tổ chức quần cư: “Là một ví dụ tiêu biểu về sự định cư của con người hoặc một sự chiếm giữ lãnh thổ mang tính truyền thống và tiêu biểu cho một hoặc nhiều nền văn hóa, nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được”. Còn khái niệm “Định cư con người” (xác lập 1976 tại hội nghị “Tổ chức không gian sống của con người trên hành tinh” ở Canada do Liên Hiệp Quốc tổ chức) chứa hai nội dung chính: môi trường xã hội và môi trường tự nhiên của một quần thể con người cư trú.

Đại để, người ta sẽ nghiên cứu mối quan hệ trong lịch sử của con người với nơi chốn thiên nhiên cụ thể và với nhau, để biết tổ chức quần cư ấy đã đạt được những giá trị nổi bật nào (có xứng là di sản định cư) mà con người hôm nay có thể kế thừa trong hoạch định phát triển.

Vậy nói đến di sản định cư Lý Sơn xin được tạm hiểu là các di sản ở khoảng thời gian năm 1945 trở về trước, khi các tài nguyên  tự nhiên chưa bị phá hủy và chế độ quản lý cổ truyền (chủ yếu tự quản) vẫn được duy trì. Đã có những công trình nghiên cứu rất công phu về đảo Lý Sơn trên nhiều phương diện, nên người viết bài này chỉ sắp xếp chúng theo cách nhìn về một tổ chức định cư truyền thống và sơ lược về “tấn kịch của sự quá tải” hiện nay.


“Du lịch đại trà” ở Lý Sơn.
(Ảnh: baoquangngai.vn)

Gông cổ và phạt tiền

Chúng ta đều biết các vùng núi cao và hải đảo thường khó sống hơn các vùng đồng bằng màu mỡ, do ít nhất con người phải đối mặt với hai trở ngại chính: thiếu đất canh tác và thiếu nước ngọt.

Hiện đã có nhiều tài liệu nghiên cứu sâu về môi trường khẳng định chính rừng tự nhiên, trong cách vận hành của nó, đã giữ lại nước, giảm chảy trôi trên bề mặt và đưa nước xuống sâu lòng đất qua các bộ rễ (cùng rất nhiều nguồn lợi thiết yếu khác cho sự sinh tồn của con người). Rừng - đất- nước là ba trụ cột của hệ sinh thái.

Tất nhiên dân đảo Lý Sơn đã hiểu điều sống còn đó trước các nhà khoa học. Bằng chứng là trong hương ước của hai làng An Vĩnh, An Hải xưa quy định phạt vạ bằng tiền và đóng gông những kẻ tự ý chặt phá rừng cây ở các núi Hòn Sỏi, Giếng Tiên, Thái Lới… Và chỉ có thể giải thích rằng sở dĩ những giếng cổ của người Chăm xưa nằm rải rác trên đảo, thậm chí sát bờ biển mặn mòi mà vẫn luôn ăm ắp nước ngọt, là nhờ rừng. Nói giữ rừng không có nghĩa tuyệt  đối không đụng đến, bởi cũng như các hệ sinh thái khác, chúng cần được loại bỏ các thành phần già cỗi, được khai thác có kiểm soát để lấy không gian cho các cây non sinh trưởng. Chính vì thế mà cư dân đảo xưa có gỗ, chất lợp để làm nhà, có vật liệu để đan lưới, cây dược liệu để chữa bệnh...

Đã ở trên biển thì từ  thời văn hóa Sa Huỳnh, đến Chăm Pa, sang tới Việt, hẳn các thế hệ cư dân đảo đều lấy thức ăn từ  biển ở vị trí gần nhất so với nơi cư trú. Đó là vùng rạn san hô bao quanh đảo Ré (lớn) và đảo Bé, có diện tích ước xấp xỉ bằng diện tích đất đảo, là  tầng nhiều thủy sinh cấp thức ăn cho cá. Vậy người ta phải bảo vệ vùng rạn san hô nơi cá sinh sống (cũng là nền móng của hòn đảo) và chọn thời gian đánh bắt cá không ảnh hưởng đến  kỳ sinh trưởng của chúng. Theo hương ước làng, thời gian này từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, khi  hàng đàn các trích dạt vào các gò phía nam đảo và việc khai thác cá phải do làng quản lý.

Còn nhiều ví dụ nữa diễn đạt mối quan hệ nhờ cậy của con người vào thiên nhiên trên hòn đảo hữu hạn tài nguyên, mà cao trào là các nghi thức long trọng nhất (cả Chăm và Việt) bày tỏ sự sùng kính tuyệt đối của họ trong những dịp tế lễ. Nói có vẻ triết lý, con người khi ấy không dám coi nó là chủ, mà chỉ là một thành phần thuộc thế giới tự nhiên, của hệ sinh thái biển đảo. Nên, không chỉ nộp tiền thì hết tội, mà hình phạt gông cùm hà khắc với kẻ phá rừng đã tiết lộ tính thiêng của tín ngưỡng cộng đồng.


Tác giả nghe cụ Võ Hiển Đạt (mất 2/2017) kể chuyện Lý Sơn, cụ từng 60 năm gác miếu thờ Hoàng Sa và được coi là “pho sử  sống” của đảo.

Mô hình làng Việt được thử thách

Các lớp di dân tự do hay theo tổ chức nhà nước (thời Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông, chúa Nguyễn Hoàng) của những người nông dân đồng bằng Bắc Bộ vào Trung Bộ, thì ở mỗi điểm đến, nơi bắt đầu sự định cư, là việc lập những cái làng. Đương nhiên, vì họ chẳng có mô hình định cư nào khác  được tổ tiên trao lại, bởi thế, nó (làng ở Bắc Bộ) được mang theo.

Công cuộc khẩn hoang trong đất liền Quảng Ngãi ổn định thì sang đầu thế kỷ 17 “buổi bình minh của hai làng An Vĩnh và An Hải mới ló rạng” sau nhiều đợt ra đảo của 15 ông tiền hiền thuộc 15 dòng họ còn dấu tích nguyên vẹn ở Lý Sơn.

Vậy làng Việt, vốn là mô hình định cư con người đồng bằng sông Hồng đã chuyển ra giữa biển, với những cấu trúc căn bản không biến đổi nhiều. Các thiết chế chính vẫn được giữ: 1. Tự lập hương ước (tựa như pháp luật riêng của làng, gồm các điều khoản bao quát toàn bộ hoạt động tổ chức quản lý xã hội, hành chính, kinh tế,  an ninh, tín ngưỡng...); 2. Tự cử người đứng đầu (là ông Cả làng, do dại diện những dòng họ tiền hiền bầu theo các tiêu chuẩn rất cao: tri thức, đạo đức, tài sản, thành tích - nhiệm kỳ 3 năm, dân làng trả công bằng  lễ vật các kỳ tế lễ) và các vị trí quản lý dưới quyền ông Cả. Tóm lại bộ máy do dân cử tinh gọn và không có lương; 3. Quyền có tài sản công không thuộc nhà nước (ruộng chung, đất tín ngưỡng, đất thưởng cho các vị tiền hiền) tổng ba loại đất này được ghi nhận sớm nhất năm 1618 khi đất canh tác chưa được khai phá nhiều là 180 sào/ 917 sào 7 thước. Lưu ý, loại ruộng chung “công điền bản thổ” là tài sản của cả cộng đồng dân đảo, tương tự như ruộng công thuộc các làng ở Bắc Bộ xưa chia định kỳ cho các thành viên theo suất đinh, và còn hơn thế, không phải chịu bất kỳ loại thuế nào.

Sở dĩ cần nhấn mạnh đến đất canh tác chung có từ rất sớm trên đảo, cùng thảy các loại tài sản, không gian chung (rừng, biển, nguồn nước ngọt, giao thông, các công trình tín ngưỡng...) vì đó chính là “các cấu kiện truyền thống” liên kết các nhóm người cùng huyết thống và không cùng huyết thống trong một định chế tự quản, dân chủ. Nó đảm bảo cho cộng đồng quyền được tự chăm lo đến đời sống từng thành viên.

Vì thế, Lý Sơn có thể thêm một minh chứng về sức sống dẻo dai của mô hình tổ chức làng Việt Bắc Bộ tiến biển, trong quá trình thu xếp không gian sống tương đối ổn thỏa với người Chămpa trên đảo, trong việc phân định các không gian cư trú cho các dòng tộc, không gian tín ngưỡng chung, riêng, không gian sản xuất cho các nghề khác nhau:  nông nghiệp, ngư nghiệp, đóng tàu, vận tải biển và cả sáng tạo ra một kho tàng văn, thơ, ca dân gian phong phú.

Quá trình củng cố bộ máy hành chính tự chủ hoàn toàn trên đảo là dần dần và được hoàn thiện vào năm 1804, với tư cách là hai đơn vị cấp xã: An Vĩnh và An Hải thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa.

Một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng một tổ chức định cư là khả năng sinh kế tốt, giúp các tộc người tăng năng suất, tăng dân số, mở rộng lãnh thổ (bằng chiến tranh, hoặc  cộng sinh rộng) do những công cụ và kỹ năng ưu trội, như: cưỡi ngựa sử dụng cung tên cứng, dùng “cây lúa đi tiên phong mở đất”, công nghệ chế tạo thuyền vượt biển…

Có thể áp dụng cách đánh giá này với cuộc  sinh kế  của cư dân đảo được thể hiện bằng những tiến bộ của kỹ năng khai thác tự nhiên ở cả 3 khu vực kinh tế: nông - ngư - dịch vụ vận tải và đóng thuyền. Nhưng đó sẽ là câu chuyện dài hơn một bài báo, nên chỉ xin lướt qua nghề đóng tàu và vận tải biển.

Căn cứ Lý Sơn được đánh giá là một trong các “xưởng đóng ghe bầu nổi tiếng nhất miền Trung, tại Bến Đá - An Vĩnh (nơi thờ tổ nghề) có kích thước ghe riêng, loại lớn dài 16m, rộng ngang 4m”, đến 1945 mới bị Pháp giải thể.


Những nhà có cửa mở ra lối đi thường cùng một dòng họ.

Rất nhiều nhà hàng hải, học giả lớn trong, ngoài nước nhất loạt ca tụng loại thuyền đi biển độc đáo này, theo Francoise Aubaile Sallenave và John White (1819) ghe bầu có cấu tạo khác biệt so với những phương tiện hàng hải của thế giới cùng thời kỳ: “Kỹ thuật phương Tây cố gắng cải tiến cho sườn và vỏ tàu  cứng cáp thì người Việt Nam vẫn giữ truyền thống đóng tàu cho mềm dẻo. Cứng cáp thì vật liệu đóng thuyền phải nặng, quán tính do đó cũng tăng theo, nên dễ bị bể vỡ vì sóng gió lớn. Còn thuyền nhẹ và mềm dẻo thì lực tác dụng của sóng đánh được phân phối đều trên toàn thể thân thuyền (không vào một diện, điểm) nên sức chịu đựng gia tăng và thuyền được bền bỉ hơn.”

Đại để họ bảo ghe bầu là một phương tiện hàng hải duy nhất trên thế giới khắc phục được nguy cơ đó bằng cách chia thân vỏ thuyền thành hai phần: 1. Phần nổi trên nước làm bằng các loại gỗ tốt cứng để chịu va đập; 2. Phần chìm dưới nước là vỏ thuyền đan bằng tre (mê) có tính co dãn nên chịu đựng sóng gió tốt hơn. Mê tre ba năm thay một lần, được xảm bằng xơ dừa, phân trâu (dùng xơ cellulose  phân trâu nhét kín các kẽ hở), sau đó  phủ kín bằng một lớp dầu rái.

Từ đây ta có quyền nghĩ rằng, nhà Nguyễn ngoài đánh giá cao khả năng tự tác chiến (chống giặc Tầu Ô cướp phá đảo khi không có quân triều đình trợ giúp), thì đã dựa  cả vào công nghệ chế tác và năng lực điều khiển ghe bầu của họ (khó, vì vỏ thuyền mềm khi chịu sóng liên tục về một phía, sẽ phải chạy nghiêng) nên đã huy động họ vào đội Hoàng Sa sớm nhất (năm 1614). Thử hình dung những chiếc thuyền “chạy nghiêng” đó mang 6 tháng lương ăn, hàng năm từ tháng 2 dời Lý Sơn (sau Lễ Khao thề tế sống những người đi chiếm cứ và canh phòng các đảo cách đất liền gần 300 km), đến tháng  8 mới về đến  Phú Xuân “báo cáo triều đình”.

Cũng với năng lực đó, người Lý Sơn đã từng làm dịch vụ chở hàng hóa trên khắp tuyến vận tải biển Việt Nam và vùng biển Đông Nam Á. Có thể mạnh dạn nói rằng, tổ chức định cư này vốn có khả năng cộng sinh cao (nghề vận tải biển, sinh kế với bên ngoài đảo) chứ không phải mạnh sinh kế bằng nông nghiệp tại chỗ (trồng bắp, khoai mỳ, đậu phộng...).


Những ngôi mộ cát trên đảo.

Tìm lời giải từ quá khứ?

Như đã nêu, những gì trình bày trên đây ở Lý Sơn đều thuộc về thời gian trước 1945. Cũng như mọi tổ chức định cư có mức độ phát triển/tiến hóa khác nhau do chịu những biến cố khác nhau tác động, phạm vi bài này xin chỉ đề cập đến một biến cố gần nhất với dân đảo, đó là năng lượng điện (ngày 28/9/2014 Lý Sơn được cấp điện lưới quốc gia).

Đã có một số nhận định chính năng lượng điện tạo nên sự tăng trưởng đột biến về năng suất nông nghiệp và dịch vụ du lịch. Kéo theo đó là sự giàu có nhanh chóng của cư dân trên hòn đảo. Điều đó là hiển nhiên, cho dù còn thiếu những thống kê chi tiết về mức tăng trưởng theo thời gian ở mỗi khu vực kinh tế. Hoặc sử dụng cách khác là xem năng lượng điện như “phương tiện/công cụ sản xuất”  tạo ra của cải nhiều hơn, cũng chính là phải khai thác nhiều hơn nguồn tài nguyên (luôn cần nhấn mạnh) là hữu hạn trên đảo.

Nói gọn, nếu một ưu điểm nổi bật trong di sản định cư Lý Sơn từng đạt được là đảm bảo sự cân bằng về sự hoạt động của con người với thế giới tự nhiên, thì đến hôm nay họ còn giữ được sự cân bằng đó không, thông qua cách khai thác nước và đất?                      

Về nước: Nếu 5 năm (2012 – 2017) túi nước ngọt trên đảo tụt xuống 5m, thì từ 2017 đến nay (2019) tụt gần bằng 5 năm trước. Ranh giới nhiễm mặn đã lấn sâu vào đảo Lớn khoảng 2,61km2, tầng chứa nước khe nứt trên Đảo Bé bị nhiễm mặn toàn bộ. Hơn 2.000 giếng trên đảo Lớn cạn kiệt. Giá mua nước qua máy lọc R.O ở đảo Lớn 6.000đ/ 30 lít, sang đảo Bé là 120.000 - 200.000đ/100 lít.  3.500 hộ dân (chiếm 2/3 số hộ) hai xã An Hải và An Vĩnh phải dùng nước nhiễm mặn. Nông dân chỉ xuống giống 201/710ha canh tác, còn lại bỏ hoang (báo Quảng Ngãi 14/8/2019). Chưa kể rừng đã mất, thêm  tốc độ  “bê tông hóa”  quá nhanh đã làm phần lớn lượng nước mưa chảy ra biển.

Về đất: Trước 1975 diện tích đảo là 1.400ha, đến 2011 chỉ còn 997ha (báo Quảng Ngãi 20/7/2011). Có tài liệu cho rằng ngoài nguyên nhân thiên tai, diện tích đảo bị thu hẹp còn do tác động của việc hút cát ồ ạt cận bờ (thuộc tầng địa chất đảo, cũng là tầng thủy sinh) để trồng tỏi (cây có sau 1950) vốn không phải cây trồng bản địa, như: khoai mỳ, bắp (cung cấp lương thực tại chỗ) và đậu phộng (lấy dầu thắp sáng) .

Việc làm này mỗi năm còn cần tới 1.800-2.400m3 cát san để thay lớp bề mặt, khối lượng  khai thác từ các rạn san hô quanh đảo là 200-300m3/ngày (giá 140.000-150.000 đồng/m3, chưa tính chi phí vận chuyển). “Để cải tạo hơn 300 ha đất trồng hành, tỏi, cần khoảng 1 triệu m3 cát trắng. Nguồn cát dưới đáy biển ngày càng cạn kiệt, giá cát liên tục tăng cao. Việc khai thác gây ra nguy cơ sạt lở bờ biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái” (VOV 28/7/2018).


Giếng nước ngọt xưa kề sát biển mặn.

“Đất đảo Lý Sơn thổi giá tăng gấp 30 lần” (VietNamNet 10/8/2019) phản ánh tham vọng tăng hơn nữa diện tích cho số người lưu trú, có nguyên nhân trực tiếp từ “lượng du khách tăng đột biến 37,5 lần chỉ trong vòng 6 năm từ 2010-2016. Việc xây dựng các công trình dân dụng, dân sinh, dịch vụ (bất động sản các loại) thiếu quy hoạch, làm cho di sản địa chất trên đảo Lý Sơn bị biến dạng...” (Thanh Niên 2/9/2017)...

Về dân số: Hiện đảo có 22.174 người, mật độ 2.134 người/1km2 (xấp xỉ mật độ dân số Hà Nội 2.398/người/km2) nhưng  thực tế phải cao hơn, vì đảo  đã mất hơn 400ha đất?  Thêm chừng 240.000 lượt khách du lịch/năm (hơn gấp 10 lần dân số tại chỗ) lưu ý mức tiêu thụ nước của 1 du khách thường gấp đôi người địa phương, chưa nói tới 23.000 tấn rác/ngày đang vượt khả năng tự xử lý.

Lướt qua các các con số dễ thấy chúng phản ánh  mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa mức tăng sản lượng tỏi (khoảng 2000 tấn/năm và đang sụt giá) cùng thành tích và “du lịch đại trà” (kiếm lãi bằng đông khách) với sự sụt giảm nghiêm trọng (một đi không trở lại) của hai nguồn tài nguyên duy trì sự sống cho cư dân ý Sơn là: đất và nước.

Hẳn sẽ có  gợi ý xây nhà máy khử mặn cho nước ngọt? Thưa, từ 2012 một nhà máy có công năng này trị giá 2 triệu USD đã được xây ở đảo Bé, nhưng với công suất khống chế chỉ cho 2m3/tháng/người với giá 8.400 đồng/lít (khối người trong số chúng ta giật mình về mức tiêu thụ). Còn nếu đưa nước ngọt theo đường ống vượt biển ra đảo cần vốn đầu tư rất lớn, nếu tính hết vào giá thành, thì có lẽ cả người mua tỏi Lý Sơn lẫn khách mua tour  du lịch đều chẳng chịu nổi? Ngay như Singapore cũng phải dành tới 2/3 diện tích đất đảo  (vốn rất ít ỏi) để làm các khu vực thu nước thiên nhiên, với 15 hồ chứa nước ngọt, hệ thống sông ngòi, 7.000 km mương máng, ống dẫn nước ngọt vào các hồ. Họ chọn chiến lược giữ bằng được nước tự nhiên tại chỗ, các lựa chọn khác chỉ  thứ yếu, dù Singapore rất giàu.

Nghĩ về nguồn nhân lực đầu tiên và chủ yếu của đội  thủy binh Hoàng Sa, có thể hỏi  trên thế giới liệu có một cộng đồng nhỏ bé, xa chính quyền trung ương như cư dân đảo Lý Sơn, lại nhận nhiều nghĩa vụ đến thế, đối với tổ quốc?

Không khí- đất- nước, ba tài nguyên lập nên sự sống cho con người từ lâu không còn bị coi  “sử dụng miễn phí”. Bằng chứng là thị trường mua bán phát thải carbon hình thành năm 2000 (hiệp định Kyoto) đến 2020 đã buộc  các nước phát triển “xả nhiều carbon”  cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển  “xả ít carbon”, trong nhiều phương thức có việc bên mua  trả tiền trồng rừng (để hấp thụ carbon) cho bên bán. Cũng từ đây các phương pháp “lượng giá dịch vụ hệ sinh thái” ra đời nhằm đánh giá cụ thể (quy ra tiền) các loại tài nguyên thiên nhiên: rừng, sông, biển... theo những nhóm giá trị  của chúng đối với con người, nhằm buộc các chủ đầu tư phải trả lại những loại  giá trị ấy khi sử dụng các tài nguyên thiên nhiên để kinh doanh.

Nếu có thể áp dụng phương pháp lượng giá đó cho những công trình gây tác động nhiều đến thiên nhiên ở Việt Nam, phá rừng xây thủy điện chẳng hạn, thì mức mức bồi hoàn hẳn sẽ lớn hơn nhiều (vì rừng có nhiều hệ giá trị chứ không chỉ  chủ yếu là gỗ) và khi phải chịu mức bồi hoàn sinh thái  đầy đủ hơn (được luật hóa) sẽ buộc nhà đầu tư sẽ phải chùn tay nếu phá rừng? Với đảo Lý Sơn cũng thế, giả định lượng nước tự nhiên cạn kiệt không thể hồi phục, con người phải “tự sản xuất nước” , thì không khó để  đoán rằng chỉ riêng tài nguyên nước, nếu quy giá trị có thể còn lớn tổng lợi nhuận sản suất tỏi và kinh doanh du lịch của họ từ khi có điện?

Sở dĩ mạnh dạn nói vậy vì ở hoàn cảnh địa lý đặc biệt, rủi ro nào với dân đảo nếu lâm vào, sẽ khó khắc phục hơn nhiều so với một đơn vị định cư trên đất liền. Một ví dụ nhỏ, nếu một lao động mất việc tại một nơi cư trú  trên đất liền, họ có thể  chạy  xe máy sang địa phương liền kề khác làm việc và đi về trong ngày. Nhưng với dân đảo Lý Sơn thì dường như không thể, số phận họ đã  gắn chặt  với một  chốn định cư khắc nghiệt do vị trí địa lý.


Thu hoạch tỏi Lý Sơn.
(Ảnh tư liệu: Báo Thanh Niên)

Huyện đảo Lý Sơn có hơn 50 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 17 di tích lịch sử cấp tỉnh, 4 di tích văn hóa cấp quốc gia và  2 di sản văn hóa phi vật thể. Tự các con số này đã nói lên sự giàu có hiếm thấy so với  số dân, kích thước hòn đảo. Và nghĩ về nguồn nhân lực đầu tiên và chủ yếu của đội thủy binh Hoàng Sa, có thể hỏi  trên thế giới liệu có một cộng đồng nhỏ bé, xa chính quyền trung ương như cư dân đảo Lý Sơn, lại nhận nhiều nghĩa vụ đến thế, đối với tổ quốc?

Bởi vậy, câu trả lời cho tương lai Lý Sơn sẽ phải do chính các thế hệ của15 dòng họ tiền hiền trên hòn đảo quyết định, chỉ họ mới có khả năng tìm lối ra trong cuộc sinh kế hiện nay đã đến giới hạn của nó. Đó là những hậu duệ được kế thừa trực tiếp truyền thống quả cảm, kho tàng tri thức bản địa thông thái, trong sự lựa chọn phương cách phát triển riêng, mà có lẽ trước hết, cần tái lập sự cân bằng các hoạt động của con người với nguồn tài nguyên hữu hạn tại chỗ, trong hệ sinh thái biển đảo.

Trần Trung ChínhẢnh: Khuất Tân Hưng

Tài liệu sử dụng và tham khảo chính:
- “Nghiên cứu, bảo tồn và định hướng phát triển văn hóa vật thể và phi vật thể ở huyện đảo Lý Sơn” (Nguyễn Thanh Tùng và các cộng sự)
- “Cù lao Ré - quê hương của đội Hoàng Sa” (luận án tiến sĩ lịch sử của Dương Hà Hiếu)
- “Ghe bầu và hải trình xưa” (Vũ Hữu San).

Quảng Ngãi xem xét dừng đề án Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh


Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
(Ảnh: Facebook)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định kết thúc Đề án xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đã thực hiện đến hết năm 2020 và dừng hẳn trong thời gian tới.

Ông Minh nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn tới việc dừng đề án là do qua nghiên cứu, rà soát, Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh không đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ ràng. Đề án Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh được thành lập vào tháng 12/2015 với tên gọi ban đầu là Công viên địa chất Lý Sơn theo Quyết định số 493/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

Nghị quyết Đảng bộ và Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2015 từng xác định việc thực hiện đề án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là du lịch. Đến năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh (trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh).

Từ đó đến nay, Ban quản lý đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các chuyên gia quốc tế tiến hành hàng chục đợt khảo sát, với khoảng 160 hành trình khảo sát địa chất, địa mạo - cảnh quan và đại văn hóa nhằm xác định tổng thể các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất, làm cơ sở để xác định ranh giới Công viên địa chất.

Tháng 6/2019, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đồng chủ trì tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh thu hút hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tham gia. Ngoài ra, Ban quản lý còn tích cực tham gia các hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và Việt Nam.

Tháng 11/2019, hồ sư dự thảo về Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đã được gửi cho UNESCO đúng thời hạn quy định và đã được UNESCO thông qua vòng sơ loại.

Theo quy định, UNESCO sẽ biểu quyết bằng phiếu bầu đối với hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh tại Hội nghị thường niên của Đại hội đồng UNESCO, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 11.2020 tại Jeju (Hàn Quốc). Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới làm thay đổi mọi kế hoạch, lịch trình của UNESCO cũng như dự kiến của tỉnh.

Năm 2020, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban quản lý đã tạm dừng nhiều hoạt động hoàn thiện Công viên trên thực địa, tập trung vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; quản lý, bảo tồn các di sản địa chất; tham gia các hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học…

Được biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đã chi khoảng 20 tỷ đồng để đầu tư cho Đề án xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh.

Lê Ngọc Phước (Nguồn: TTXVN/Vietnam+)

(Người Đô Thị)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo