Cần Giờ, viên ngọc xanh giữa lòng thành phố

Thứ năm, 25 Tháng 3 2021 00:27 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đều tọa lạc gần sông, biển, hồ để khai thác lợi thế về giao thông đường thủy và khí hậu ôn hòa. Điều này càng đúng với các đô thị hàng đầu trong khu vực như Bangkok, Jakarta, Manila, Kuala Lumpur hay Singapore, nhưng một đô thị vừa có vị trí ven sông, lại có rừng ngập mặn rộng lớn ngay bên cạnh, thì chỉ duy nhất TPHCM. Vì vậy, có thể nói một trong những điểm tạo nên sự nổi bật và khác biệt của TPHCM với các đại đô thị khác chính là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, cả trong hiện tại và tương lai.

TPHCM có diện tích 2.100 km2, thì Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ chiếm hơn 30% với diện tích 757 Km2, trong đó rừng bao phủ gần một nửa, còn lại là sông rạch, bãi bồi, đồng ruộng và khu dân cư.

Theo Theo Viện Sinh thái học miền Nam, thì khu dự trữ sinh quyển (KDTSQCG) có hệ động thực vật rất phong phú, bao gồm 296 loài và nhóm thực vật ngập mặn. Còn theo nhiều chuyên gia du lịch, Cần Giờ có rừng đước và kênh rạch rất đẹp để có thể phát triển được nhiều sản phẩm du lịch cho cả khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí đánh giá tính hấp dẫn của điểm đến, là khả năng tiếp cận thị trường, thì KDTSQCG có đủ cả hai yếu tố quan trọng đó là: gần thị trường du lịch lớn nhất nước và có quảng thời gian di chuyển ngắn (dưới 2h) tính từ nơi xuất phát. Còn nếu phân tích sâu hơn thì thị trường du lịch TPHCM vừa lớn về quy mô, vừa có khả năng chi tiêu cao hàng đầu cả nước. Hiện nay khi mà nhu cầu du lịch về với thiên nhiên đang tăng trưởng nhanh, nhất là sau đại dịch Covid-19, thì KDTSQCG là nơi hội tụ được cả “thiên thời, địa lợi nhân hòa” để phát triển ngành ‘công nghiệp không khói’ này của TPHCM.

Tính từ quận 1, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ chỉ cách trung tâm thành phố 60km, nếu đi bằng xe (sau khi có cầu Bình Khánh) thì mất hơn một giờ, còn ‘lãng đãng’ trên sông Sài Gòn bằng du thuyền thì khoảng hai giờ.

Tuy lợi thế rất lớn là vậy, nhưng các hoạt động du lịch ở KDTSQCG những năm qua lại rất khiêm tốn, đó là các tour trải nghiệm bằng thuyền, vỏ lãi trong rừng đước; xem khỉ, tham quan khu di tích Đặc Công Rừng Sác; ăn uống ở Khu du lịch Vàm Sát. Các tour khởi hành hàng ngày bằng đường thủy từ bến Bạch Đằng hay bằng xe du lịch từ trung tâm thành phố là tương đối ít. Bên cạnh đó, do cơ sở lưu trú vừa ít, vừa thiếu tính đa dạng, nên khả năng giữ khách qua đêm của các cơ sở kinh doanh du lịch quanh KDTSQCG rất hạn chế.

Dù nhiều du khách phản hồi rằng đi tour Cần Giờ rất tốt, nhưng số khách chọn tour này vẫn không nhiều so với tổng lượng khách du lịch đến TPHCM và từ TPHCM đi các nơi khác. Nghịch lý này tồn tại là do hai “điểm nghẽn” chính, đó là thiếu sản phẩm du lịch và hạ tầng. Quãng đường từ Cần Giờ đến trung tâm thành phố rất gần, là lợi thế về tiêu chí tiếp cận, nhưng việc thiếu bến tàu, bến xe, cầu -đường bộ, du thuyền và xe buýt, lại là điểm yếu về tiêu chí phương tiện và trang thiết bị đón khách. Do đó, dù Cần Giờ rất gần và rất hấp dẫn, nhưng khách đi tham quan tực túc thì không thấy thuận tiện, còn khách mua tour trọn gói của các hãng lữ hành lại thấy giá cao, nên họ ít chọn lựa.

Hiện nay chính quyền đang cho phép triển khai nhiều dự án đầu tư khu dân cư ở huyện Nhà Bè, khu lấn biển Cần Thạnh, thì chẳng bao lâu nữa, KDTSQCG sẽ là một công viên nằm trong vùng đô thị trải dài từ quận 1, chạy dọc bờ sông Sài Gòn đến Biển Đông.

Theo thống kê, cư dân sống thường xuyên ở TPHCM trên 10 triệu người, nếu tính thêm cả khách vãng lai (trong đó có khách du lịch) thì Sài Gòn luôn có từ 13 đến 15 triệu người sinh sống. Như vậy thành phố cần quy hoạch một khu chức năng chuyên cung cấp “khí thở” cho khoảng 10% dân số của cả nước, có lẽ không ở nơi nào làm tốt vai trò này hơn rừng ngập mặn Cần Giờ.

Nhưng để phát triển, huyện Cần Giờ nên định hướng vào kinh tế xanh với nòng cốt là hoạt động du lịch. Trong một chuyến tham quan bằng cano khởi hành từ bến Bạch Đằng xuống rừng Sác mấy năm trước của Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Salzburg (FHS, Áo), Giáo sư Eva Brucker  từng nói rằng hiếm có nơi đâu có sông lớn như sông Sài Gòn và có rừng ngập mặn đẹp như Cần Giờ. Theo vị nữ chuyên gia du lịch này, đồng thời là giảng viên của nhiều nhân sự quản lý du lịch tại TPHCM, thì “nên phát triển các loại hình du lịch tiếp cận nhưng không xâm hại, không gây tiếng ồn ở rừng đước, đó chính xác là những gì khách du lịch cần”. Bà cũng đề cập đến việc xây dựng chuỗi giá trị du lịch dựa vào tài nguyên thiên nhiên và cộng đồng ở Cần Giờ, như là một chiến lược phát triển bền vững.

Gần đây nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát triển các loại hình du lịch ở vùng nông thôn, với các dịch vụ tham quan, trải nghiệm trên vuông tôm, ngoài đồng ruộng và lưu trú nhà dân hay trong các khu nghỉ dưỡng nhỏ ven sông rạch, vườn cây, rừng ngập mặn. Những mô hình này đang rất thành công ở Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau và gần nhất là Hậu Giang. Du lịch nông nghiệp hay còn gọi là kỳ nghỉ vùng quê chính là một trong những loại hình du lịch phổ biến nhất ở những nước phát triển, nơi có các trung tâm sản xuất công nghiệp và các đô thị lớn bên cạnh vùng nông thôn. Như vậy với dân số đô thị lớn, nên TPHCM vừa là thị trường nguồn quan trọng, còn với tài nguyên sông, rạch và rừng ngập mặn đa dạng ở huyện Cần Giờ, thì thành phố cũng là nơi có ưu thế nổi bật để phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn.

Để làm được vậy, chính quyền thành phố nên quy hoạch vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thành các điểm tham quan, học tập; vùng ven là nơi tổ chức các dịch vụ ăn uống, lưu trú và các hộ dân ở các xã lân cận thì nuôi tôm cá, gia súc, gia cầm, rau quả sạch để bán cho các cơ sở du lịch. Từ đó phát triển các điểm dịch vụ này thành chuỗi giá trị du lịch của huyện Cần Giờ.

Trong tương lai, chỉ cần có bến bãi, phương tiện để chở khách từ các quận trung tâm đến các trạm đón khách ở bìa rừng, rồi sử dụng phương tiện nhỏ, ít tiếng ồn đi sâu vào trong KDTSQCG, thì chắc chắn lượng khách đến Cần Giờ sẽ tăng lên nhanh chóng. Khi đó chuỗi giá trị du lịch sẽ đem lại lợi tức cho nhà nông cao hơn nhiều lần cách làm nông nghiệp để bán nông sản như hiện nay. Còn đối với ngành du lịch thành phố, việc phát triển KDTSQCG sẽ giúp đa dạng sản phẩm, thu hút khách đến và giữ chân họ ở lại lâu hơn.

Bên cạnh đó, để tăng thêm tính hấp dẫn cho điểm đến, thành phố cũng nên xây dựng bảo tàng lịch sử tự nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, và có thể xa hơn là bảo tàng về hệ sinh thái sông Đồng Nai – Sài Gòn, gồm khu trưng bày mẫu vật, khu tái hiện rừng ngập mặn phát triển qua nhiều giai đoạn, trong đó có thời kỳ bị tàn phá bởi chất độc màu da cam và được phục hồi bởi công sức của hàng ngàn Thanh Niên Xung Phong sau giải phóng. Chỉ riêng chuyện rừng đước đứng lên từ hoang tàn bởi số lượng khổng lồ hóa chất khai quang do quân đội Mỹ rải xuống, đã là một bài học mà chắc chắn khách quốc tế rất khâm phục. Nếu bảo tàng kết hợp hình thức trưng bày trong nhà, với các khu chủ đề trong rừng, chắc chắn đây còn là nơi học tập, nghiên cứu thực tế sinh động dành cho học sinh - sinh viên và các nhà khoa học.

Như vậy trong tương lai vai trò của KDTSQCG sẽ rất đa dạng, vừa là nơi cung cấp dưỡng khí cho hàng chục triệu cư dân đô thị, nơi học tập - nghiên cứu khoa học và trung tâm phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn của thành phố. Cần Giờ với viên ngọc xanh này, sẽ phát triển lên một tầm cao mới. Hiện nay bắt đầu có những trang trại được đầu tư để làm du lịch ở Cần Giờ, như Long Thới Farm, đang thu hút được khá đông học sinh đến trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp...

ThS. Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt
Đào Loan chắp bút / Hình ảnh: Phan Đình Huê, Dũng Nguyễn

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: