Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Cải tạo và phát triển đô thị, thực tế và thực dụng

Cải tạo và phát triển đô thị, thực tế và thực dụng

Viết email In

Những ngày đầu Đổi mới, trong cuộc họp tìm địa điểm cho một công ty nước ngoài xin xây khách sạn cao tầng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (TP.HCM), một số bô lão đã cực lực phản đối: “Xây khách sạn cao tầng ở đấy, lỡ người nước ngoài chĩa ống nhòm quan sát dinh Thống Nhất thì còn gì là bí mật quốc gia. Ai dám đảm bảo trong những người nghỉ lại không có gián điệp cài vào!?”. Địa điểm không được duyệt.

Các cụ không biết rằng, để dòm vào dinh Thống Nhất, gián điệp đâu cần tốn tiền xây khách sạn cao tầng! Gián điệp ngồi nhà, ngự phòng lạnh, mở Google Earth đếm xem trong dinh Thống Nhất hiện có bao nhiêu cây, bao nhiêu xe. Đấy mới chỉ là một phần mềm thông dụng, miễn phí, các cụ buồn có thể vào đấy xem.

Sau nhiều gian nan, vất vả, phát hiện ra cảng biển nước sâu Dung Quất, tiếng cồng đánh thức cả một dải miền Trung, mở cửa lớn cho nước ta ra với thế giới. Từ Quảng Ngãi về, tác giả dự án phàn nàn với bạn bè rằng: “Các cụ ở địa phương cực lực phản đối! Quảng Ngãi là địa chỉ đỏ của cách mạng. Xây cảng biển quốc tế để con gái Quảng Ngãi đi làm đ… hết à!?”.

Giai đoạn bước vào kinh tế thị trường với nhiều vụng dại rồi cũng nhanh chóng đi qua. Và theo quy luật của dao động con lắc, cường độ càng cao - biên độ càng rộng, hình như hiện đang diễn ra tình trạng ngược lại: “Muốn xây gì cũng được, muốn xây đâu thì xây, miễn là nhiều tiền!”.

  • Ảnh bên : Bệnh viện Nhi Đồng II được xem là một trong những công trình kiến trúc đẹp và lâu đời nhất của thành phố. Ảnh A.K

Đề xuất của Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa xin xây mới Bệnh viện Nhi Đồng II buộc người ta phải suy nghĩ.

Ở đây, người viết không bàn về “quan điểm phát triển ngành y tế phải theo hướng hiện đại, đáp ứng các yêu cầu hội nhập…” của Sở Y tế trong văn bản gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư, như thông tin đăng tải trên Tuổi Trẻ số ra ngày 25/9/2009, vì đấy chỉ mới là một trích dẫn. Người viết bài này muốn góp đôi lời về cải tạo và phát triển đô thị, một lĩnh vực cũng không phải ít người quan tâm. 

Trong gần hai thập niên qua, việc cải tạo - xây dựng và phát triển đô thị dẫu chỉ mới tấu khúc dạo đầu, nhưng rõ ràng đã tác động mạnh đến bộ mặt kiến trúc đô thị vốn có và đời sống người dân.

Từ khu trung tâm một đô thị đầy ắp dấu ấn lịch sử mà dường như mỗi hòn gạch, mỗi gốc cây đều hằn lên dấu vết của thời gian và lưu giữ trong mình một sự tích, một câu chuyện, một kỷ niệm, “…Con đường Duy Tân cây dày, bóng mát / Buổi chiều công viên, mây trời xanh ngắt…” vẫn gợi nhớ một thời, dù con đường nay đã đổi tên là vậy. Người ta nói không ngoa rằng: “Thành phố là cuốn sử biên niên bằng gạch đá, ghi chép trung thực nhất những gì mà cộng đồng dân cư đô thị đã trải qua”.

Khu trung tâm Sài Gòn - nay là TP. Hồ Chí Minh - may mắn còn giữ được khá nhiều báu vật ấy. Góc vườn hoa trên đường Lý Tự Trọng thì thầm cho ta nghe câu chuyện “trò Ơn” đã ngã xuống trong một cuộc biểu tình. Quảng trường trước chợ Bến Thành vẫn kể với khách phương xa chuyện người thiếu nữ anh hùng đã hy sinh trong một cuộc đấu tranh đã đi vào lịch sử. Quảng trường xưa, nay mang tên người con gái ấy: Quách Thị Trang.

Nhiều người Mỹ đọc “Phạm Xuân Ẩn - người điệp viên hoàn hảo” của Larry Berman, đến Sài Gòn, nghỉ ở Khách sạn Continental, có thể sang bên kia đường, ghé Café Givral nổi tiếng để hình dung khung cảnh nhà tình báo huyền thoại của thành phố này, mỗi buổi sáng ghé đây cùng với con chó của ông, cũng nổi tiếng không kém, để săn tin gửi vào căn cứ. Café Givral vẫn ở góc phố xưa, cảnh vật dù có đổi thay nhưng chưa đến nỗi biến mất.

Chưa hết, dưới gốc me góc đường Pasteur - Lê Thánh Tôn, một cụ bà, người di cư, gần 80 tuổi, vẫn kiên trì thúng xôi bắp truyền thống đến nay đã 55 năm, trải bao biển dâu, chứng kiến bao thăng trầm thời cuộc, vẫn kiên trì ngồi đấy, hương vị và chất lượng không hề giảm sút, thay đổi. Nhiều thế hệ dân cư thành phố này, đủ mọi tầng lớp đã thành khách quen của cụ. Còn nhiều nữa…

Thành phố là thế đấy. Giấu sau bộ áo khoác ngoài vật chất, vẫn luôn lưu giữ trong lòng một đời sống nhân sinh sâu thẳm.


Một góc Sài Gòn xưa 

Cuộc Đổi mới không phải không đưa đến cho thành phố những bài học. Cao ốc Diamond Plaza, kính xanh màu nõn chuối, phá hỏng bản hòa tấu không gian kiến trúc của quảng trường Công xã Paris. Khách sạn Caravelle biến Nhà hát Thành phố thành một mô hình kiến trúc bé bỏng đến tội nghiệp. Những kiến trúc cao tầng mỗi nhà một kiểu, chen vai thích cánh, biến đường Đồng Khởi - vốn là một trong những con đường nổi tiếng của Sài Gòn xưa, đường Catinat - trở thành con hẻm tối tăm.

Xen cấy các “kiến trúc tân kỳ” vào một không gian kiến trúc đã định hình, bám vào hệ trục giao thông sẵn có, bất chấp tỷ lệ không gian, bất chấp mật độ xây dựng, bất chấp sức chịu của hệ thống kỹ thuật hạ tầng đã quá tải, các nhà đầu tư hợp tác với các nhà quản lý đang làm biến dạng những không gian đô thị truyền thống đã định hình. Không đếm xỉa gì đến quy hoạch, kể cả những quy hoạch được duyệt, như trục Tân Sơn Nhất - Bình Triệu - Đường vành đai, mà báo chí đề cập thời gian qua, dường như đang trở thành cố tật. Dư luận xì xào, người ta đã vượt ngưỡng thực tế, tiến tới thực dụng.

Bệnh viện Nhi Đồng II xây từ 1867, nay đã hơn 142 năm. Nhiều người dân đã được bệnh viện này cứu chữa. Không ít người Việt hiện đang sinh sống ở góc biển chân trời nhớ về bệnh viện này như nhớ về nhà mình. Nhiều bệnh nhi qua đây đã được chữa trị, cứu sống, lớn lên, trở thành công dân hữu ích. Có thể trong họ, một số đã trở thành nhân tài. Trong ca mổ nổi tiếng tách cặp song sinh Việt - Đức hồi năm 1978, trưởng kíp mổ là bác sĩ Trần Đông A, khi ấy là trưởng khoa ngoại của Bệnh viện Nhi Đồng II.

Thầy thuốc Trần Đông A, một tên tuổi gắn liền với những hào quang của bệnh viện, là một trong những mẫu mực đáng kính cho nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam noi theo. Nhiều thầy thuốc ở đây bằng tài năng và y đức đã mang lại vinh quang cho nền y học còn non trẻ nước nhà. Bệnh viện Grall, nay là Bệnh viện Nhi Đồng II là một trong những công trình kiến trúc gắn bó cụ thể theo nghĩa máu xương với nhiều thế hệ cư dân thành phố.

Việc Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa đánh giá rằng kiến trúc bệnh viện lâu ngày đã xuống cấp, trong khi các bác sĩ ở bệnh viện nhận định: “nhà cổ - người giỏi - máy tốt”. Không ai kỹ lưỡng bằng bác sĩ. Mọi sự tùy tiện, qua loa đều phải đánh đổi bằng sinh mạng người bệnh. Y đức dạy thế. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi thế. Chúng ta tin các bác sĩ.

Nếu Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa có đủ thiện tâm và năng lực, có lẽ cần cộng thêm… một chút thông minh.

Với 3.200 tỉ đồng, đủ để xin thành phố cho phép “đền bù - giải tỏa” một khu đất đang cần đền bù giải tỏa. Cần thiết có thể 10 đến 12 hecta cho rộng rãi, chứ không phải chỉ 86.168m2 như ở đây. Có thể xây một bệnh viện Nhi mới, hiện đại, ở Bình Chánh, Củ Chi hay một vùng ngoại thành nào đó mà dân đang cần. Như vậy thành phố sẽ có thêm một bệnh viện nhi khoa nữa, chia sẻ gánh nặng với Bệnh viện Nhi Đồng I và II hiện cũng đang quá tải.

Chúng ta chưa đủ giàu để muốn xây cái mới thì cứ nhất thiết phải đập cái cũ như Nhà Quốc hội.

Bài toán thu hồi lợi nhuận vốn dĩ là chức năng và nghề nghiệp của tổng công ty. Tính toán khéo chắc là không thể lỗ.

Không riêng gì TP. Hồ chí Minh, Hà Nội và các thành phố khác tình hình cũng diễn ra tương tự. Một siêu thị cao tầng ở Hà Nội, khăng khăng đòi xây cho bằng được trên chính nghĩa trang 19/12, nơi năm 1946, biết bao nhiêu đồng bào và chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ thủ đô! Chính một công ty du lịch của thủ đô liên doanh với một công ty nước ngoài, khai quật một hợp đồng đã hết hạn “từ đời tám hoánh” để nhét cho bằng được một khách sạn lỗi thời vào một góc công viên Thống Nhất! Bạo gan hơn, một “trọc phú” về từ Liên Xô cũ còn đòi xóa sổ công viên Thống Nhất để cho ông ta thay vào đấy một Disneyland hiện đại để kinh doanh một số trò chơi tân kỳ!

Ở Huế, “bài thơ kiến trúc đô thị” được UNESCO phong tặng danh hiệu Di sản kiến trúc thế giới, một “trọc phú” khác, với sự ủng hộ của chính quyền địa phương đã dựng lên bên bờ Nam sông Hương một quái thai như một dấu than đen ngòm hằn trên nền trời. Cũng ở Huế, cuộc đấu tranh không mệt mỏi của báo giới và những người tâm huyết chặn đứng một “mưu toan” biến danh thắng Đồi Vọng Cảnh thành resort con con khi định liên doanh với nước ngoài có tổng vốn đầu tư chưa tới 5 triệu USD.

Người ta đồn rằng, mười mấy cây số bờ biển một tỉnh miền Trung, các khu đất cho nuớc ngoài thuê làm resort ken dày đến mức ngư dân hết còn đường xuống biển! Một sân golf ở Hòa Bình chắn ngay đường lên rẫy của bà con địa phương, đẩy các ông chủ đất xưa kia vào tình trạng chết dở.

Công cuộc đô thị hóa - niềm hy vọng, nỗi khát khao về một đất nước nghìn năm sánh vai cùng bốn bể năm châu - đang đặt ra trước mắt chúng ta quá nhiều điều phải suy nghĩ. 

KTS. Nguyễn Trọng Huấn 

>> Vì sao phải bảo tồn Bệnh viện Nhi Đồng 2?
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo