Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Tương tác Góc nhìn Để bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày

Để bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày

Viết email In

Những con số chứng minh, ở Pháp, năm 2018 có 19,2/89,4 triệu du khách ghé thăm chỉ ở 4 bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới (ở Pháp có đến 537 bảo tàng) chiếm (21%), ở Mỹ là 64% trong tổng số 217 triệu du khách, còn thủ phủ của di tích của Ý là 78/122 triệu du khách đến với các công trình bảo tàng, triển lãm…(1)

Bên cạnh các giá trị to lớn, bảo tàng cũng tiềm ẩn vấn đề nan giải: việc giữ gìn và khai thác, phát triển bảo tàng sao cho đúng mức, hài hòa và hợp xu thế thời đại, ít ra là dưới góc độ văn hóa kiến trúc?


Tổng thể khu Marina Bay (Singapore) với điểm nhấn là bảo tàng ArtScience vươn xòe như bông hoa trên mặt nước

Bảo tàng hiện nay đã thoát khỏi ý nghĩa ban đầu, để không chỉ lưu giữ, tái hiện, trình bày… một góc lịch sử của một nơi chốn, hay kể những câu chuyện hấp dẫn trong khuôn viên của mình, mà còn mang hơi thở thời đại của đô thị, nơi thể hiện cái hồn văn hóa của người dân sở tại. Từ chiếc ban công đường Capello, nơi Romeo tỏ tình với Juliette ở Verona nước Ý, hay bộ sưu tập máy ảnh cá nhân ở phố Jalan Kledek (Singapore) dù nhỏ xíu đều có thể gợi cảm hứng cho bao câu chuyện thú vị… Song, việc “định hướng” cho bảo tàng phải “minh họa” theo những nội dung chủ quan nào đó, từ chính trị đến tôn giáo, thuộc nghệ thuật hay kỹ thuật… sẽ mang tính hai mặt: vừa là khởi đầu cho nội dung của bảo tàng, nhưng đồng thời cũng cắt đứt sự sáng tạo và gắn kết, tương tác với đối tượng sử dụng. Do đó, bên cạnh tìm hiểu các xu hướng phát triển, người làm thiết kế không gian bảo tàng cũng cần nghiên cứu những cách thức kết nối hiện đại, nhân văn và phong phú hơn để giúp khách tham quan hiểu và cảm được câu chuyện “trưng bày” trước mắt họ.


Lối tiếp cận sảnh của Branly từ khu vườn hoang dã. Khu sảnh được bỏ trống tầng trệt và sử dụng hệ thống chiếu đèn Led dẫn dắt lối đi

Từ giá trị lịch sử đến vị trí

Nếu quan sát bảng xếp hạng 100 bảo tàng hấp dẫn nhất thế giới(2), ta có thể thấy Paris chiếm hẳn 3 vị trí trong top 10. Điều này không khó để lý giải, vì Paris luôn là chiếc nôi nghệ thuật và kiến trúc song hành cùng lịch sử, với không ít kinh nghiệm về kiến trúc bảo tàng. Hiện nay, ở Paris song hành 2 xu hướng chính trong hình thành và phát triển bảo tàng: cải tạo các kiến trúc cổ để hòa hợp với thời hiện đại và tạo ra các bảo tàng mang tính tương tác hoàn toàn mới.

Cải tạo kiến trúc cổ thành bảo tàng là xu hướng phổ biến ở các quốc gia có lịch sử lâu đời. Xu hướng này chia làm 2 nhánh: chỉ cải tạo lại các không gian nội thất bên trong, đồng thời bảo tồn kiến trúc cổ bên ngoài. Hai là can thiệp cả khối kiến trúc bên ngoài lẫn không gian trưng bày bên trong. Điển hình của xu hướng thứ nhất là bảo tàng Louvre ở Paris.

Sự đắt giá của Louvre, không chỉ ở mặt hình khối kiến trúc mà nằm ở điểm đắc địa về cảnh quan, tầm nhìn, trong đó sự xen cài tài tình giữa yếu tố lịch sử và đương đại bằng tổ hợp công trình - quảng trường, tiếp nối nhau trên sân Napoleon trong lịch sử vốn khép kín bao quanh bởi 4 mặt công trình, nay trở thành quảng trường mở để đối thoại trực tiếp với công viên Tuileries, thành nơi trưng bày điêu khắc ngoài trời, dạo bộ, vui chơi… cho dân chúng Paris. Yếu tố lịch sử và vị trí ở đây trở thành “át chủ bài” quyết định thành công của bảo tàng không chỉ về mặt dịch vụ, thương mại, mà là điểm giao thoa lịch sử quá khứ kéo dài đến hiện tại. Điều này đa số các công trình bảo tàng hiện nay của chúng ta không làm được, nhất là các bảo tàng thuần túy nghệ thuật hoặc chuyên ngành hẹp, ít thuộc trục tham quan du lịch, ví dụ như bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, bảo tàng Địa chất, bảo tàng Phụ nữ Nam bộ… Thậm chí, có những bảo tàng ở Việt Nam chỉ cần vừa bước ra khỏi cổng là du khách đã cảm thấy… bơ vơ, không biết đi đâu về đâu tiếp theo, khi vị trí của bảo tàng thiếu kết nối với hoạt động văn hóa, xã hội của khu vực lân cận, bản thân công trình bảo tàng đối với người dân địa phương như một địa điểm xa lạ, chỉ dành cho khách nước ngoài! 


Top 20 các bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới 2018 cho thấy Paris với những với Louvre, Centre Pompidou, Musee d’Orsay và Cite Sciences et l’Industrie… lừng danh kim cổ, đạt số lượng khách tham quan đứng thứ 2 thế giới chỉ sau London, Anh Quốc


Vị trí lâu đài Tuileries ngày xưa so với vườn Tuileries, quảng trường Napoleon và kim tự tháp kính nối vườn Tuileries và quảng trường Concorde (2 ảnh sơ đồ được chụp lại từ bản vẽ tư liệu)

Và không chỉ sống nhờ vị trí…

Khi khảo sát bảo tàng tại Paris ở xu hướng thứ hai, cũng dễ dàng nhận ra yếu tố vị trí tuy giữ vai trò then chốt đến thành bại của một điểm tham quan, nhưng cách làm mới là điều quyết định. Bảo tàng Quai Branly (thiết kế bởi kiến trúc sư bậc thầy hiện đại Jean Nouvel) cách không xa tháp Eiffel hiện đang trở thành điểm thu hút khách du lịch và dân bản địa sau Louvre, gây ấn tượng với vẻ ngoài gần như trong suốt nhìn từ bờ kè sông Seine, với một công viên theo trường phái tự nhiên hoang dã bao bọc chung quanh, còn bản thân bảo tàng có hình dáng mơ hồ đến nỗi không gọi được tên hình thù cụ thể. Thế mà Branly lại cực kỳ thu hút, gợi trí tò mò và gia tăng tiếp cận, dịch vụ, khám phá, trở thành nơi trao đổi nghệ thuật và giáo dục thẩm mỹ cho lớp trẻ… Tất cả những hiệu quả trên không phải là “nhiệm vụ đề ra” một cách chủ quan ban đầu, mà là chiến lược tổng thể có sự tham gia của người đứng đầu nước Pháp thời bấy giờ - tổng thống Jacques Chirac - khiến Branly hình thành trên quan niệm thoát ly khỏi kiểu bảo tàng đóng kín chuyên biệt thời trước. Khi Branly xuất hiện theo dạng “trung tâm văn hóa - công cộng” với hình khối hiện đại, nó đã khiến các du khách phải tò mò men theo các ngõ ngách trong lau sậy và cỏ dại, với bờ ao và bậc đá để “lên bờ xuống ruộng” rồi mới tiếp cận sảnh theo kiểu bỏ trống tầng trệt để tạo sự xuyên suốt. Với những người yêu thiên nhiên, đến Branly là cuộc trở về hoang sơ, hiếm hoi giữa lòng thành thị, là một trải nghiệm thú vị mà không phải bảo tàng nào trên thế giới cũng làm được.


Bảo tàng Quai Branly (nguồn: Wikipedia / Ashui.com)

Cách xử lý Branly cho thấy, vị trí đẹp cần cách tiếp cận mới và chiến lược khác biệt, để không lãng phí giá trị không gian đô thị, không bị các bài toán về thương mại chèn ép khi so sánh với các dạng công trình khác. Chính Louvre đã gặp nhiều khó khăn khi có vị trí đắc địa, khối lượng tác phẩm khổng lồ, mà hoạt động thiếu hiệu quả, dù rất cố gắng chia tiến trình tham quan thành 3 cánh, vẫn rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”. Trừ một số tác phẩm chủ chốt được đầu tư chăm chút, phần còn lại trong bộ sưu tập của Louvre hầu như bố trí lộn xộn, tranh chấp chính phụ, tầng tầng lớp lớp khiến khách tham quan rối trí, ngao ngán và chọn điếm đến khác vào đầu thập niên 80.

Câu chuyện của Louvre là những bất cập khó tránh của xu hướng cải tạo lại kiến trúc cổ thành không gian trưng bày. Khi I. M. Pei thiết kế xong Kim tự tháp kính nổi tiếng, bản chất Louvre vẫn vậy, nhưng bảo tàng đã phải chấp nhận làm cuộc cải tổ chọn lựa, sắp xếp và khai thác những gì tinh túy nhất, chứ không phải là “ăn dần ăn mòn” hoặc “ăn tạp ăn dày” trên nền di sản.

Quay trở lại Branly hiện đại bên bờ sông Seine với những chiếc hộp của Jean Nouvel, lối vào bảo tàng này gây ấn tượng mạnh nhờ ý tưởng “dòng chảy lịch sử”. Cách dẫn dắt phi truyền thống giúp khởi đầu một chuyến phiêu lưu về quá khứ thật tự nhiên nhẹ nhàng như đi vào một trung tâm nghệ thuật thoáng đãng, phá cách. Khách tham quan cảm nhận rõ sự chuyển tiếp mạnh mẽ các nội dung bên trong theo biến đổi hình thức kiến trúc bên ngoài mà không thấy gò bó, khó chịu. Với chủ đề chính là lịch sử - văn hóa dân gian các châu lục ngoài châu Âu, nội thất trưng bày của Branly tạo nên một bối cảnh vừa ấn tượng lại vừa đơn giản từ màu sắc, chất liệu đến bố cục. Đa số vật phẩm có tông vàng - đen - đỏ chủ đạo, và không gian bên trong cũng được thiết kế cùng tông màu “thổ dân” này, nhưng chuyển đổi sắc độ khiến vật phẩm vừa nổi bật lên trên nền màu phía sau theo nguyên tắc trưng bày, nhưng vừa gắn kết vào bối cảnh như ở chính miền đất khởi nguồn của chúng. Cách làm này rất nghệ thuật - khoa học và tinh tế, bởi ranh giới giữa thực và ảo, giữa đồ thật và “đồ giả” là rất mong manh. Việc tạo hình các lối đi, chỗ ngồi nghỉ được thiết kế theo các dãy địa hình đồi núi giúp giữ mạch câu chuyện về văn hóa bản địa, nhưng người xem không nhầm lẫn phông nền với hiện vật.

Thử liên hệ với các bảo tàng cùng loại ở Việt Nam sẽ thấy chúng ta mới chỉ làm được ở mức sơ khai cách trưng bày theo kiểu tái hiện, như mấy khẩu súng đặt trước tấm tranh vẽ trận chiến thời xưa (trong Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) hay làm giả một nếp nhà với tượng sáp của một văn hào ở nông thôn (Bảo tàng Văn học Việt Nam). Bối cảnh chung quanh khu trưng bày thường lộn xộn nào cột nào dầm, rồi sàn và tường, cửa gỗ cửa nhôm… làm “phá điểm nhìn” trong nội thất bảo tàng ở Việt Nam. Cho dù có biện minh bằng lý do kinh tế hay văn hóa đặc thù đi chăng nữa, thì cách “làm một cái nhà không liên quan đến nội dung, rồi bỏ đồ vào” như hiện nay chắc chắn sẽ gây khó cho tất cả, từ người làm chuyên môn, quản lý bảo tàng, thiết kế trưng bày, chiếu sáng, cho đến đối tượng quyết định giá trị bảo tàng là khách tham quan.


Tượng nhà mồ Tây Nguyên được trưng bày độc đáo, sự thô ráp tương phản sự nhẵn bóng của phông nền phía sau, mảng bệ kết hợp chỗ ngồi nghỉ chân trong bảo tàng


Nhà trưng bày Louis Vutton với lối đi ngầm qua trung tâm thương mại, một cách làm “bảo tàng” hiện đại, ấn tượng


Tham quan bằng xe lửa tại Luxembourg, nơi cả thành phố đều là bảo tàng

Nhìn lại để hiểu giá trị cốt lõi

Thông qua khảo sát hai bảo tàng nêu trên, có thể thấy giá trị cốt lõi của bảo tàng không chỉ nằm ở hình khối kiến trúc bên ngoài, hay ý nghĩa văn hóa, lịch sử, chính trị của nội dung lưu giữ bên trong, mà còn nằm ở mối liên hệ giữa bảo tàng với không gian công cộng trong đô thị, để bài toán cần xử lý vượt ra khỏi các bức tường, hàng rào, khuôn khổ, và giúp bảo tàng gắn kết tốt hơn với bối cảnh đô thị, xã hội. Kiến trúc bảo tàng thời nay phải chịu sự chi phối và cần hợp tác chặt chẽ với cảnh quan, nội thất, mỹ thuật đô thị… để nội dung bên trong được khai thác hiệu quả nhất, mà lại không được cường điệu thái quá, làm giả hoặc xa rời thực tế của bối cảnh.

Câu chuyện của Louvre và Branly cũng chứng minh rằng, bảo tàng đóng vai trò như một con tàu chở các giá trị lịch sử - văn hóa của cả một vùng đất, của cả một dân tộc đến cho chúng ta chiêm nghiệm và học hỏi. Do đó, phải chăng chúng ta, giới chuyên môn, nên nghiên cứu các cách tiếp cận đa dạng, chuyên sâu, tiên tiến hơn nữa. Để thiết kế bảo tàng không phải là bài toán lấp đầy không gian, mà được trở về đúng với bản chất của tương tác kiến trúc trong không gian đô thị. Khi đó, văn hóa hòa cùng bảo tàng thành một thực thể ngày càng gần gũi hơn với đời sống văn hóa người dân bản xứ, cũng như làm tốt nhiệm vụ “đại sứ thương hiệu” cho cả một vùng đất, một dân tộc, một thời kỳ.
 
KTS Lê Khánh Vân - Thạc sĩ 2 của trường Kiến trúc Quốc gia (ENSA), Paris - Ảnh: Vân Lê, Huân Tú và tư liệu

Tài liệu tham khảo:
(1) Fréquentation des musées du monde en 2018, lấy số liệu và hình ảnh thống kê từ trang TEA - Tổ chức Quốc tế phi chính phủ về hoạt động sáng tạo, phát triển, tổ chức các địa điểm và trải nghiệm trên thế giới
(2) Top 100 bảo tàng thu hút nhất thế giới, đăng ngày 9/7/2014, Wikipedia

(Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 172)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo