Hội An, quay lại những ngày tháng cũ

Thứ năm, 11 Tháng 6 2020 21:49 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Khách đường xa giờ thấy Phố Hội quá buồn, nhưng đối với tôi, phố vắng không hề là cảnh lạ. Bởi đó chính là cảnh của những ngày tháng cũ, khi đô thị cổ chưa hề có khách nhàn du.

Sau 14 ngày sống cách ly ở ngoại ô Đà Nẵng do từ Kuala Lumpur trở về, Võ Thi cùng vợ đã đi thăm thú Hội An.

Theo ông, Hội An vào thời hậu Covid-19 khá vắng vẻ và buồn tẻ vì thưa khách du lịch, khác hẳn với sự đông đảo, náo nhiệt ông từng chừng kiến cách đó hai năm, trong những ngày nắng nóng của tháng 6 mùa hè.

“Giờ chỉ lác đác một số khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc, thỏa sức mà selfie, chụp ảnh, không lo bị chen ngang. Khoảng 90% hàng quán vẫn còn đóng cửa”, ông cho biết. Và thêm: “Cuối buổi chiều, con đường dọc sông Thu Bồn có lẽ là nơi nhộn nhịp nhất của Faifo - Phố Cổ”.


Chùa Cầu cũng chỉ lác đác vài khách du lịch từ các tỉnh.
(Ảnh: Võ Thi)

Lạ nhưng quen

Giọng nhẹ nhàng như tiếng thở dài, ông nói: “Quả thật khác lạ”. Nhưng, đối với tôi, lại không phải vậy. Đấy là khung cảnh quen thuộc của ngày xưa, khi Phố Hội lúc nào cũng như ngái ngủ, nhất là trong những tháng ngày hè.

Tôi sinh ra ở Hội An, lớn lên ở Đà Nẵng, rồi vào Sài Gòn. Thời niên thiếu, hầu như ba tháng hè nóng bức nào cũng trở về Hội An, nằm cách Đà Nẵng chừng 30 cây số về hướng Nam. Thế là đã hơn 50 năm rồi...

Đó là một thị xã gần biển, nằm xa quốc lộ, xa những khu vực giao tranh, không có cảnh lính tráng hay người tị nạn đông đúc từ những vùng ven đổ về như Đà Nẵng. Do đó mà may mắn không bị tàn phá; thoát khỏi cả việc bị đô thị hóa theo kiểu hiện đại.

Những ngôi nhà thấp, với mái ngói âm dương cho mát, tường mặt tiền nhà thường gồm nhiều tấm ván gỗ ráp ngang để tiện mở ra buôn bán, phía trên là các chấn song gỗ nằm dọc - đều ngả màu thời gian - để gió và ánh sáng vào nhà. Y như thời hàng trăm năm trước. Nhờ vậy, con cháu sau này mới có cái để tự hào giới thiệu cho khách thập phương.

Những con người sống trong đó thì như thế nào? Chỉ nhớ, trong gia đình, phần lớn đều là những con người phần nào cam chịu an phận.

Có phải do họ xuôi tay, đầu hàng hoàn cảnh? Không phải, mà vì cuộc sống thị xã lúc ấy chỉ như thế, không còn giữ được nền kinh doanh sôi động của hàng trăm năm trước. Rồi mọi người đều thích ứng với nếp sống yên bình đó. Dưới lăng kính người bây giờ, sống như thế quả quá buồn tẻ.

Hội An hình thành cảng thị rất sớm, ngay từ thế kỷ thứ 17. Thời ấy, nó đã là một thương cảng quốc tế sầm uất, tấp nập thuyền bè từ các nước châu Á như Nhật, Trung Quốc, và những nước châu Âu như Hà Lan, Bồ Đào Nha... Trước thời này, nơi đây cũng đã là một thương cảng thuộc vương quốc Chăm Pa, nằm trên con đường tơ lụa trên biển.

Đến thế kỷ 19, mọi thứ lụi tàn dần. Người Pháp, sau khi xâm chiếm Việt Nam, đã phát triển Đà Nẵng thành một cảng thị do giao thông thủy thuận tiện hơn. Sông Thu Bồn chảy qua Hội An - gọi là sông Hoài, ra Cửa Đại, ngõ vào ra biển của thị xã này, dần dần bị phù sa và lụt lội bồi đắp, tàu lớn không chạy được.

Còn lại của thị xã chỉ là một bến sông nhỏ, đón tiếp những ghe thuyền cũng cỡ nhỏ mà thôi. Lâu lâu mới thấy một chiếc ghe bầu to lớn, bụng phình ra; trước mũi, người ta “điểm tô” thêm hai con mắt xếch mở thao láo, trông khá dữ dằn.

Hồi ấy, đường phố Hội An đã nhỏ hẹp. Có lẽ do sớm trở thành nơi đô hội ngay từ thủa chưa xuất hiện xe cơ giới. Cũng may, những chính quyền nối tiếp nhau sau này đã không cho mở rộng đường - những con đường ngang dọc kiểu bàn cờ, đi lối nào rồi người ta cũng gặp nhau. Hẳn họ hiểu, nếu sửa sang thì đụng ngay đến những di tích đẹp đẽ của đô thị cổ này?


Do đại dịch Covid-19, đường phố Hội An lại vắng lặng như xưa.
(Ảnh: Võ Thi)

Mở cửa từ xưa

Ấn tượng nhất trong số các di tích đó hẳn phải là Chùa Cầu, có thể được xem như một biểu tượng của đền chùa miếu mạo nơi đây. Nó nằm vắt qua một con rạch chạy ra sông Hoài, nối hai con đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ lại với nhau.

Theo những ghi chép còn lưu giữ, vào thời kỳ đầu, cầu này được gọi là Nhật Bổn Kiều vì do khách buôn Nhật góp tiền xây dựng những năm đầu thế kỷ 17, sau khi được phép của Chúa Nguyễn. Đương nhiên, theo kiểu Nhật. Chân cầu bằng đá, sàn lát ván, mái lợp ngói âm dương, chiều dài khoảng 18 mét; hai đầu cầu có chó đá và khỉ đá. Theo một số học giả Nhật, đấy là hai linh thú trong tín ngưỡng thờ vật tổ của người xứ Phù Tang.

Theo truyền thuyết, khách buôn Nhật xây cầu nhằm giữ cho nước Nhật được bình yên. Bởi cầu được xem như thanh kiếm đâm xuống lưng một con thủy quái để nó không thể quẫy đuôi được nữa; mỗi khi nó quẫy thì nước Nhật bị động đất.

Thật ra, đến giữa thế kỷ 17, cầu mới có thêm chùa do người Minh Hương, tức người Hoa chạy sang Việt Nam tránh họa sát thân dưới triều đại Mãn Thanh, xây dựng. Xây để thờ Bắc đế Trấn võ, một vị thủy thần chuyên trừ tà, ma quỷ, cả những tai họa do nước, lửa gây ra.

Đến năm 1719, Chúa Nguyễn Phúc Chu, trong một lần thăm cảng thị, đã cho đổi tên nó thành Lai Viễn Kiều - cầu của người từ phương xa. Qua đó, có thể thấy hàm ý của Chúa: với đường lối mở cửa giao thương, thương nhân từ các nước tới đây đều được xem như bạn bè và được đón tiếp ân cần.

Hơn nửa thế kỷ trước, nơi nhộn nhịp nhất Hội An là khu chợ, nơi bà ngoại thứ của tôi (bà ngoại chính, người Phúc Kiến lai, đã mất sớm) mở cửa hàng gạo ở hiên nhà. Trong những tháng hè năm xưa, thỉnh thoảng, tôi lại ngồi bên bà, cạnh những thúng gạo, nhìn cảnh người qua kẻ lại, mua bán, nói cười huyên náo.

Thỉnh thoảng, bà lại bảo người làm ra đầu khu chợ, mua cao lầu về cho cả nhà ăn.

Nhớ món cao lầu

Ở TPHCM, thỉnh thoảng lại nhớ món cao lầu. Vậy nên, cứ vài tuần, vợ tôi lại nấu món quê hương đó. Món mì này, thiệt ra, không khó làm cho lắm. Thịt heo làm xá xíu dễ rồi, rau rợ mua cũng không khó; chỉ sợi mì rõ phải chính gốc Phố Hội. Vậy phải nhờ đến em tôi ở Đà Nẵng gửi mua từ chợ Hội An, đóng thùng chuyển vào. Đó là loại mì đã được phơi rất khô, mà trong một lần hỏi chuyện một người bán ở chợ này, được nghe: “Tui đóng, gửi qua tới Mỹ luôn đó!”

Thỉnh thoảng, những ngày ở Hội An, còn được ăn món phở ở nhà một người em bà ngoại chính của tôi, do nhà đó liền kề với quán phở nổi tiếng nhất Hội An thời bấy giờ. Nó không giống phở trong Nam; cũng khác với nơi xuất phát.

Bánh phở gồm nhưng sợi mỏng để khô; mỗi lần khách kêu, người nấu sẽ trụng chúng - giống như với cao lầu - trong nồi nước lèo nấu với xương bò thanh ngọt, không mỡ màng. Rồi cho vào tô, múc nước lèo đổ vào cũng như bỏ thêm thịt bò tái cùng gầu, gân hoặc nạm. Đầy ú hụ.

Ăn kèm với nó là rau ngò, húng quế, hành lá thái dài cùng chanh, giá (có thể trụng) cũng như đu đủ xắt lát ngâm chua ngọt. Và nước mắm cùng ớt sa tế chế biến kiểu Hội An cho người thích mặn, cay.

Nhưng đặc biệt hơn cả nơi phở Phố Hội là có thêm đậu phụng rang, giống như cao lầu, nhưng giã mịn. Những ai muốn ăn trứng gà chần thì gọi riêng.

Giờ đây, đã tới thời hậu Covid-19 ở Việt Nam, nhưng như ông Võ Thi cho biết, Hội An chưa quay lại với những tháng ngày náo nhiệt. Và như thế, cho nên một vài mảng màu ký ức thời niên thiếu của tôi mới hiện về.

Ngày qua tháng lại, nơi đất khách, mỗi lần nhớ Phố Hội xưa là một lần bùi ngùi, bâng khuâng, nhận thấy mình đã đánh mất một khung trời niên thiếu - chao ôi! - thiệt đẹp đẽ...

Mấy năm gần đây, mỗi khi quay về Phố Hội, lại mang tâm trạng không khác gì Hạ Tri Chương. Nhà thơ nổi tiếng đời Đường này từng cảm khái, khi về quê, qua bài Hồi hương ngẫu thư (phỏng dịch ra lục bát):

Ra đi trẻ, về đã già
Chất giọng không đổi, tóc đà khác xưa
Trẻ em thấy, không cúi chào
Chỉ hỏi: “Khách của chốn nào ghé đây?”

Ngọc Trân

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: