Một thập kỷ "đìu hiu" của Bảo tàng Hà Nội

Thứ ba, 19 Tháng 5 2020 10:58 Zing.vn
In

Hoàn thành vào năm 2010 để kịp chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nhưng Bảo tàng Hà Nội đến giờ vẫn chưa thể chính thức đón du khách vào tham quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội) về việc quản lý, sử dụng Bảo tàng Hà Nội. Đại biểu này đặt câu hỏi về việc Thủ tướng chuyển bảo tàng về cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý.

Trong văn bản trả lời, Thủ tướng nêu thực trạng dù khánh thành đã 10 năm (từ 2010) nhưng bảo tàng vẫn chưa thể chính thức đón khách tham quan do chưa hoàn chỉnh việc trưng bày nội thất. Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL chủ trì, cùng UBND Hà Nội nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, sử dụng hiệu quả công trình này.


Bảo tàng Hà Nội được khánh thành vào năm 2010, nhưng vẫn chưa "chính thức" mở cửa.
(Ảnh: Sơn Hà)

Theo quan sát của phóng viên sáng 18/5, khu vực bên ngoài của bảo tàng vẫn còn nhiều mô hình, khu vực trưng bày của các đơn vị sưu tầm, triển lãm tư nhân bị bỏ không. Khu vực mô hình tượng trưng phố cổ, các làng nghề thủ công của Hà Nội cũng lâu rồi không được sử dụng.

Năm 2010 mới xong "vỏ" của bảo tàng

Trao đổi với Zing, ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, cho hay suốt 10 năm qua, bảo tàng vẫn chưa thể chính thức mở cửa là do nhiều lần thay đổi đề cương và nội dung trình bày. Bên cạnh đó, việc sưu tầm các cổ vật, hiện vật gặp nhiều khó khăn.

Ông Tuấn cho hay công trình được khánh thành vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, nhưng khi đó mới là khánh thành tòa nhà, nói ví von là "cái vỏ" của Bảo tàng Hà Nội. Trưng bày gì, nội dung thế nào, cách trình bày ra sao, rồi bố cục thiết kế nội thất đều chưa được thống nhất và phê duyệt.

"Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới thủ đô, dẫn đến việc đề cương trưng bày cũ phải dừng lại và bổ sung thêm phần địa giới mở rộng như Hà Tây, Mê Linh và một số xã của Lương Sơn (Hòa Bình) chuyển về", ông nói.

Đến khi hoàn thành xong đề cương nội dung, được phê duyệt, thì bảo tàng này lại tiếp tục vướng mắc ở khâu thiết kế nội thất, trình bày. Hà Nội mời chuyên gia Nhật Bản về để tư vấn cho Bảo tàng Hà Nội. Nhưng đến năm 2015, do yêu cầu trong tình hình mới, Hà Nội lại chuyển sang tư vấn của Pháp. Toàn bộ thiết kế cũ lại phải chỉnh sửa, bổ sung.


Một số mô hình khu phố cổ và các làng nghề ở Hà Nội được trưng bày ở vườn ngoài bảo tàng.
(Ảnh: Sơn Hà)

Ông Tuấn cũng kể khi đưa công trình vào khai thác, việc sưu tầm hiện vật, cổ vật cũng gặp nhiều khó khăn. Vậy nên thành phố đã đồng ý cho bảo tàng được trưng bày trước các hiện vật đã có để kịp khánh thành vào năm 2010, dịp 1.000 năm Thăng Long.

"Đây mới chỉ là trưng bày 'tạm', chứ chưa phải chính thức. Hệ thống trưng bày gồm có hiện vật của bảo tàng và của một số nhà sưu tập tư nhân. Tinh thần là để lấp kín các không gian", nguyên Phó giám đốc Sở VHTT cho hay.

Theo ông Tuấn, việc trưng bày tạm này chưa đáp ứng được các yêu cầu về thẩm mỹ, khoa học cho một bảo tàng tầm cỡ quốc gia. Sau 10 năm khánh thành, với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ, lượng khách đến tham quan rất "èo uột".
Tháng 6/2021 mới hoàn thành

Bảo tàng Hà Nội được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 54.000 m2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng và được chỉ định cho Tổng Công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thực hiện theo hình thức BT.

Giai đoạn 1, công trình tòa nhà được hoàn thiện vào năm 2010 với giá trị khoảng 1.600 tỷ đồng. Giai đoạn 2, chủ đầu tư thiết kế nội thất, không gian trưng bày hiện vật, vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Hạng mục này dự kiến hoàn thành vào năm 2015, sau đó được điều chỉnh đến 2019 và đến nay vẫn chưa xong.

Theo đơn vị thiết kế, Bảo tàng Hà Nội được thiết kế dạng kim tự tháp ngược, cao 4 tầng và thể hiện trong 6 không gian trưng bày theo chủ đề, như chủ đề Hà Nội thời Tiền - Sơ sử; Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt; Hà Nội từ thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.


Bảo tàng Hà Nội đang được đóng cửa để sửa chữa, thi công nốt các hạng mục còn lại để đón khách vào năm 2021.
(Ảnh: Sơn Hà)

Ông cũng kể lại khi còn làm tại Sở VHTT Hà Nội, việc triển khai trưng bày, sưu tầm hiện vật cho bảo tàng rất vất vả. Nhiều hiện vật bảo tàng lên kế hoạch mua nhưng cũng không mua được, việc thỏa thuận giá cũng khó khăn khi nhiều cổ vật có giá rất cao mà điều kiện ngân sách lại không cho phép.

"Sức hút của bảo tàng không chỉ nằm ở hiện vật, giá trị của cổ vật mà còn là cách trình bày, sắp xếp, bố cục đã đẹp, bắt mắt và xứng đáng với giá trị của một bảo tàng tầm cỡ chưa. Các bảo tàng ở Pháp, Italy hay Mỹ khiến người ta trầm trồ, kinh ngạc, thì kể cả thu vé đắt người ta vẫn muốn vào", ông Trương Minh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc bảo tàng, cho biết bảo tàng đã bắt đầu công việc xây dựng, lắp đặt nội thất, không gian trưng bày từ tháng 8 năm ngoái. Dự kiến, tháng 6/2021 sẽ hoàn thành, bảo tàng sẽ chính thức đón khách vào tham quan.

"Các phương án thi công, thiết kế, chúng tôi vẫn sử dụng của đơn vị tư vấn Pháp. Thiết kế trưng bày tổng thể đã được thành phố thông qua, nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét các thiết kế ở từng hạng mục cụ thể khác", ông Đà cho hay.

Sơn Hà

(Zing.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: