Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn TPHCM: Thí điểm xây lùi nhà tạo hành lang thương mại

TPHCM: Thí điểm xây lùi nhà tạo hành lang thương mại

Viết email In

Những căn nhà xây mới trên mặt tiền đường Lũy Bán Bích sẽ phải xây tầng trệt lui vào 3,5 m để tạo thành một hành lang kinh doanh, buôn bán hiện đại trong tương lai.

Theo yêu cầu mới nhất của UBND quận Tân Phú, khi xây mới nhà, các hộ dân có nhà mặt tiền trên đường Lũy Bán Bích (đoạn từ cầu Tân Hóa đến giao lộ Âu Cơ-Lũy Bán Bích) phải lùi tầng trệt vào 3,5 m so với lộ giới để làm hành lang thương mại. Vậy là vài tháng nay, những hộ dân có nhu cầu xây mới lại nhà đã thắc mắc xen âu lo.

  • Ảnh bên : Nhà 596A Lũy Bán Bích mới xây dựng có chừa phần cho hành lang thương mại (Ảnh: THÁI HIẾU)

Nhà xấu đi, lại mất đất?

Ông Khưu Ngọc Chơn, nhà số 513 Lũy Bán Bích, cho rằng: Nhà xây mới mà phải lùi tầng trệt, phần lầu vẫn được nhô ra thì dù đúng lộ giới, đúng quy hoạch nhà sẽ mất thẩm mỹ. Lại nữa, mặt tiền nhà ông sẽ không đồng bộ với những căn bên cạnh. “Cả trăm căn nhà thì mới có một vài căn bị thụt vô vì xây mới, số còn lại chỉ lùi vô cho đúng lộ giới mà không phải thụt lùi thêm để làm hành lang thương mại” - ông Chơn dẫn chứng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc (nhà số 519) lại than phiền: “Nhà tôi có chiều sâu ngắn, nếu chừa thêm phần diện tích làm hành lang thì diện tích còn lại quá nhỏ sẽ rất khó khăn cho sinh hoạt của gia đình”.

Ông Nguyễn Bá Đương, tổ trưởng tổ 6 (khu phố 1, phường Phú Thạnh), cũng cho biết có nhiều hộ dân trong tổ có nhà mặt tiền chưa đồng thuận với quy định của quận vì như thế người dân sẽ bị thiệt thòi vì “mất đất”.

Trục cảnh quan đẹp và văn minh

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú, giải thích theo Quyết định 135 năm 2007 của UBND TP.HCM về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu và theo quy hoạch chung của quận, đường Lũy Bán Bích được xem là trục đường thương mại chính của quận. Do đó, quận phải thực hiện từ bây giờ để có được vẻ mỹ quan đô thị trong tương lai. Những nhà không xây dựng mới thì chỉ sửa lại mặt tiền cho đúng lộ giới, không bắt buộc chừa ra khoảng không này.

Riêng những nhà xây dựng mới buộc phải chừa khoảng hành lang này và phải xây chiều cao các tầng đúng theo quy định. Một ít căn nhà có chiều dài quá ngắn sẽ được xây hợp khối với những nhà kế cận để tránh tình trạng nhà siêu mỏng.

Nhà xây dựng mới nếu làm không đúng quy định thì quận sẽ chưa cho hoàn công. Khoảng đất lùi vào sẽ được liên thông giữa các căn nhà với nhau tạo thành một hành lang. Khi các hộ có mở ra kinh doanh, dân sẽ được phép sử dụng phần hành lang thương mại để trưng bày hàng hóa, làm chỗ để xe khách...., không được lấn vỉa hè.

Cũng theo bà Khuê, các hộ không có hành lang thương mại chỉ được kinh doanh trong phạm vi căn nhà mà thôi. Và việc tạo cho cả con đường có một hành lang thương mại thông thoáng sẽ theo một lộ trình.

  • Ảnh bên : Một hành lang thương mại tại khu trung tâm TP.HCM (Ảnh: MINH HIẾU)

Tiện ích trong tương lai

Trước lo lắng của nhiều hộ dân rằng liệu có xảy ra tình trạng tụ tập tệ nạn khi hành lang thương mại chưa hình thành, bà Khuê cho biết: Trước mắt, quận sẽ cho người dân làm cửa kéo hai bên hành lang và cửa cuốn phía trước. Khi trời tối, các hộ sẽ đóng cửa lại thành không gian riêng biệt của từng nhà.

Cách làm của quận Tân Phú có thể khiến nhiều hộ dân hụt mất phần diện tích nhỏ của căn nhà. Tuy nhiên, xét về lâu dài, đây là hướng đi tốt trong việc tạo ra một đô thị vừa văn minh, vừa tiện ích cho dân.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch khu vực 2 - Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM, nhận định: “Tại TP.HCM, việc xây dựng hành lang thương mại đã được làm ở một số tuyến đường trung tâm và khu Nam Sài Gòn. Hành lang này đáp ứng nhu cầu đi bộ của khách bộ hành. Ngoài ra, ta có thể tận dụng một phần để buôn bán hay làm bãi giữ xe. Quan điểm của Sở và cá nhân tôi là ủng hộ và khuyến khích việc làm này”.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP:
Nhà của VIP cũng không ngoại lệ

Trước đây chúng ta chỉ làm theo thói quen nên không quản lý đô thị được. QĐ 135 năm 2007 của thành phố về quản lý kiến trúc có quy định về tuyến đường thương mại nhưng cũng chỉ là quy định chung. Do đó, tôi rất tán đồng cách làm của quận Tân Phú. Điều quan trọng cần hết sức lưu ý là khi đã quy định thì mọi người bắt buộc phải thực hiện nghiêm chỉnh, dù là nhà của VIP nào đi nữa.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM:
Các nước lân cận làm từ lâu

Mô hình xây dựng nhà lùi vào để chừa ra hành lang thương mại trên những trục đường chính đã được Singapore, Thái Lan... thực hiện từ lâu. Tôi góp ý thêm là khi làm cần phải có thiết kế đô thị tạo ra sự đồng bộ ở từng khu, có từng phân đoạn để tạo ra những hình ảnh kiến trúc khác nhau, tạo thành trục cảnh quan không gian đẹp. Màu sắc của từng phân đoạn cũng cần được quy định chặt chẽ sao cho thật hài hòa.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM:
Tăng giá trị nhà so với trước

Thật ra việc xây lùi nhà vào không hề làm giảm giá trị căn nhà. Về thẩm mỹ, góc nhìn nhà sẽ đẹp mắt hơn các nhà nhô sát đường. Về lợi ích, nó có một khoảng không gian để xe, cây xanh hoặc mua bán. Điều này tốt cho cả cộng đồng và chủ nhà nữa chứ!

Dĩ nhiên là sẽ xảy ra tình trạng nhà cũ thì nhô ra, nhà mới xây phải lùi vô. Đó là điều phải chấp nhận trong một thời gian nhất định.

T.HIẾU - C.TÚ 

TH.HIẾU - M.HIẾU
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo