Ai vô can với dòng sông?

Thứ tư, 29 Tháng 1 2020 08:38 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Khi cầm remote bật máy lạnh, biết đâu nguồn điện mà tôi đang sử dụng lại là kết quả từ các con đập thủy điện trên dòng chính và các nhánh phụ của sông Mêkông.

Chiếc vỏ lãi lướt trên một nhánh sông Hậu, chạy qua những cây cầu bê tông được xây từ chương trình nông thôn mới, đoạn len vào các con kinh nhỏ, nhà thưa dần. Ghe neo vào bụi dừa nước. Những vị khách lên bờ tiếp tục lội bộ qua một quãng ruộng nứt khô, rồi dừng lại trước căn nhà mái tôn, khóa cửa.

“Lại đi Bình Dương rồi”, người đàn ông kết luận mà không cần hỏi thăm ai.


Mực nước sông Mêkông đã giảm xuống khi tình trạng khô hạn tiếp diễn ở Nakhon Phanom (Thái Lan).
(Nguồn: Bangkok Post)

Ông là chủ một hiệu buôn vật tư nông nghiệp lớn nhất vùng. Chủ căn nhà nằm giữa đồng kia mua thiếu của ông hơn 200 triệu đồng từ nhiều năm nay. Vài ngày sau đó, thông tin mời hầu tòa được đăng trên báo địa phương và bảng thông tin của UBND xã. Đó chỉ là thủ tục để hoàn thành quy trình. Những cán bộ ở đây đều biết hiếm có bị đơn nào đọc được. Trong các vụ kiện đòi nợ của các cửa hàng vật tư nông nghiệp và ngân hàng suốt mấy năm qua, hầu hết bị đơn đều đã rời địa phương, tòa tiến hành xử vắng mặt.

Bạn có thể bắt gặp trên vỉa hè, hay góc phố nào đó ở TPHCM, Bình Dương các bị đơn như thế. Đó không phải là những cuộc ra đi trốn nợ. Nông dân bên dòng Hậu Giang rời quê, bước vào công xưởng ở các khu công nghiệp, tích góp gửi về trả dần.

* * *

Rất có thể tuýp kem đánh răng bạn đang dùng hàng ngày được làm nên từ tro tàn của một cánh rừng nguyên sinh ở Indonesia.

“Đôn hậu”, “rộng lượng”, “cho rất nhiều”, nhà văn Sơn Nam đã từng miêu tả như thế về sông Tiền và sông Hậu, hai nhánh của dòng Mêkông khi về tới Việt Nam. Nhưng đó là câu chuyện của thế kỷ trước.

Mùa hè vừa qua, khi Ủy ban Sông Mêkông phát đi thông báo mực nước sông Mêkông xuống mức thấp nhất trong lịch sử, ở phía cuối hạ nguồn, nông dân Nê tóc bạc, da cháy nắng đang dọn cỏ dại trên cánh đồng. Loài cỏ không sống ở nơi nước ngọt này năm nay mọc chi chít trên ruộng nhà ông. Đó cũng là chỉ dấu cho thấy nước sông vẫn còn mặn, dù trước đó vài hôm đã có mưa lớn.

Trong những chuyến đi về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) suốt một năm qua, tôi đã không ít lần bắt gặp những giọt nước mắt. Đó là một cô gái trẻ nhớ lại chuyện căn phòng tân hôn của mình bị con sông ăn đến tận giường ngủ, sóng đánh ướt cả chăn mùng. Và ở nơi tận cùng của sông Hậu, tôi bắt gặp những gương mặt lầm lũi neo giữ mái nhà của mình vào gốc đước, cây bần. Sạt lở đã ăn sâu vào xóm. Chốn dung thân cuối cùng của họ sắp bị dòng nước cuốn trôi.

Từ nhiều năm nay, các bàn tròn khoa học được dựng lên quanh năm ở những quốc gia hạ nguồn để thảo luận về số phận của Mêkông. Những kiến giải khoa học được đưa ra về chuyện nước đói phù sa dẫn đến sạt lở, đất bên sông bạc màu; về chuyện đập thủy điện ở thượng nguồn chặn đường di cư của cá, tích trữ nước khiến nước không về đồng bằng…

Các báo cáo khoa học liên quan đến số phận ĐBSCL những năm qua còn có thêm cụm từ “biến đổi khí hậu”. Biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, nước biển dâng được xem là nguyên nhân nhấn chìm đồng bằng. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan) công bố năm 2019, ĐBSCL chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8 mét, đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân vùng này sẽ phải di cư trong 50 năm tới.

Tôi có vô can với dòng sông?

Về lại dòng Mêkông, tôi đồ rằng biết đâu mình đang dùng một sản phẩm được làm nên bởi nguồn điện từ một con đập trên dòng chính của thượng nguồn.

Những con số đầy thuyết phục chứng minh các tác nhân như đập thủy điện, biến đổi khí hậu… trong các báo cáo từng khiến tôi quên rằng mình cũng không vô can với dòng sông.

Những nông dân như ông Nê hay những cư dân ở Cù Lao Dung không có câu trả lời cho nguyên nhân đẩy họ vào cảnh khốn khó. Họ không hề biết khúc sông hiền hòa chảy qua trước nhà lại có sức nặng trong ván cờ địa chính trị của đất nước đông dân nhất thế giới. Họ cũng không hề biết những món nợ chồng chất kia là hệ lụy của chính sách kinh tế - phát triển của nhiều quốc gia. Và thật khó để họ có thể nói với bạn rằng “tôi mất nhà vì biến đổi khí hậu”.

* * *

Năm 2019, Amazon không phải là rừng nhiệt đới duy nhất bị lửa tàn phá. Hàng loạt vụ cháy rừng ở Indonesia đã khiến một số quốc gia ở Đông Nam Á bị bao phủ bởi lớp khói dày đặc. Nếu rừng nhiệt đới Amazon chìm trong biển lửa với nguyên do được cho là các trang trại đốt rừng lấy đất chăn nuôi, trồng đậu nành; thì tại Indonesia, 80% vụ cháy rừng xảy ra do người dân đốt rừng làm đồn điền dầu cọ.

Dầu cọ được sử dụng rộng rãi trong nhiều mặt hàng tiêu dùng, từ sữa bột trẻ em cho đến dầu gội đầu, kem đánh răng. Dầu cọ giúp bánh quy có độ ngậy, giúp son môi có độ mượt, làm xà phòng trở nên cứng hơn… Theo The Guardian, sản lượng sản xuất dầu cọ trên thế giới đã liên tục tăng trong suốt 50 năm qua, từ 15,2 triệu tấn năm 1995 lên 62,6 triệu tấn năm 2015.

Rất có thể tuýp kem đánh răng bạn đang dùng hàng ngày được làm nên từ tro tàn của một cánh rừng nguyên sinh ở Indonesia. Rất có thể cái giá phải trả cho thỏi son có thương hiệu quốc tế trong ví của tôi đắt hơn vạn lần số tiền tôi chi trả. Năm 2018, Indonesia cung cấp hơn 50% dầu cọ cho toàn thế giới. Nơi tôi ở cách xa Indonesia ngàn dặm nhưng rõ ràng tôi đã không vô can với ngọn lửa đang thiêu cháy lá phổi xanh của trái đất.

* * *

Về lại dòng Mêkông, tôi đồ rằng biết đâu mình đang dùng một sản phẩm được làm nên bởi nguồn điện từ một con đập trên dòng chính của thượng nguồn; rằng biết đâu mình đang dùng một sản phẩm nào đó - mà để sản xuất ra nó - mức độ phát thải CO2 đã vượt mức cho phép của các quy chuẩn môi trường. Liệu tôi có không vô can với những ngôi nhà bỏ hoang bên dòng sông Hậu?

Trong chuỗi cung ứng mà quá trình biến đổi nguyên liệu thô thành sản phẩm cuối cùng diễn ra ở nhiều quốc gia khác nhau, dường như mọi hành vi tiêu dùng của tôi đều có thể liên đới tới cái chết của một con sông nào đó, không chỉ riêng Mêkông. Những bộ quần áo tôi đang mặc, liệu rằng, để dệt nhuộm nên chúng phải chăng một dòng sông nào đó ở Bangladesh đã phải qua đời?

Đó là chưa kể các sinh hoạt thường nhật, dù muốn hay không, tôi cũng là đồng thủ phạm thúc đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. Ăn nhiều thịt bò và dùng nhiều sữa, đồng nghĩa với việc tôi đang góp phần đẩy mạnh hiệu ứng nhà kính, vì bò thải ra lượng metal rất lớn. Cầm remote bật máy lạnh, sử dụng máy bay khi di chuyển… những hoạt động này đều tiêu tốn nhiên liệu hóa thạch, góp phần thải ra lượng CO2 khổng lồ.

Bạn sẽ nghĩ rằng nếu cứ mãi truy nguyên gốc rễ nguồn cơn như thế thì thật khó để sống. Nhưng chúng ta buộc phải thành thật rằng hàng loạt quyết định tiêu dùng của chúng ta, cách chúng ta mua sắm, ăn uống, di chuyển, ăn mặc… đã giết chết nhiều dòng sông, nhấn chìm nhiều đồng bằng, đốt cháy nhiều khu rừng. Gương mặt của những người dân ở hạ nguồn Mêkông đã không có trong tính toán của chủ nghĩa tiêu dùng.

Khi tôi đang viết những dòng này, nước sông Mêkông chảy qua vùng Đông Bắc Thái Lan đang chuyển màu xanh lam phản chiếu bầu trời. Con sông đang cạn dòng, đang đói phù sa. Một đợt hạn mặn nghiêm trọng được dự báo sắp kéo đến hạ nguồn. Trên cao nguyên Thanh-Tạng, nơi dòng sông bắt đầu, băng vẫn đang tan nhanh.

Liệu rằng chúng ta có vô can?

Bảo Uyên

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: