Bảo vệ di sản - Chẳng lẽ cứ đến hẹn lại khóc than?

Thứ năm, 07 Tháng 11 2019 06:11 Ashui.com
In

Một hội nghị, hội thảo hay tọa đàm về bảo tồn di sản kiến trúc được tổ chức. Các nhà quản lý trình bày khó khăn, hạn chế. Các chuyên gia đưa rất nhiều kinh nghiệm bài học từ tây sang tàu. Các nhà báo đưa tin di tích bị xóa sổ, hồn vía đô thị đang biến mất. Cộng đồng mạng qua các status của vài KOLs (key opinion leaders / những người có sức ảnh hưởng) bày tỏ sự buồn bã. Một hai ngày, tất cả sẽ chìm vào yên ắng. Vài tháng sau, cũng có thể chỉ vài tuần sau, một kiến trúc cổ nào đó lại tiếp tục “rụng” xuống!

Năm 1993, TP.HCM lần đầu tiên thực hiện Chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, do TS.KTS Lê Quang Ninh làm chủ nhiệm, thực hiện ròng rã trong 5 năm đã cho ra những đánh giá, phân loại, hệ thống các cảnh quan kiến trúc tiêu biểu. Đặc biệt, Chương trình còn đề xuất danh mục 108 đối tượng bảo tồn cảnh quan kiến trúc, bên cạnh 140 công trình đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và thành phố đang được Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch quản lý. Đây là công trình nghiên cứu về cảnh quan kiến trúc có quy mô lớn đầu tiên của thành phố cũng như cả nước. Thế mà... gần 20 năm sau, ông chủ nhiệm phải cay đắng thốt lên: “Công trình của tôi đã thất bại!”. Những Nhà Đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Đường, bến Chương Dương... nay còn đâu!


Nhà đèn Chợ Quán
(nguồn: Ashui.com)

Chúng ta bàn bạc, hô hào quá nhiều về việc bảo tồn di sản, cứu lấy di tích...  Nhưng hình như ngoài than vãn, tiếc nuối, trách nhiệm bảo tồn vẫn “cha chung không ai khóc”, chưa có cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm cụ thể.

Theo cố PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa thì năm 1984, nước ta đã có Pháp lệnh 14 về Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, Nghị định 288/HĐBT và Thông tư số 206/VH-TT. Riêng với TP.HCM, từ kết quả công trình nghiên cứu của TS.KTS Lê Quang Ninh, UBND TP đã ban hành Thông báo 46/1996 về việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc.
Năm 2010, Thành phố thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch và chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc Thành phố, gồm Viện Nghiên cứu – Phát triển, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Văn hóa – thể thao – du lịch, với các nhiệm vụ: xác định các công trình và cụm công trình di sản được bảo tồn theo luật di sản và do Sở VH-TT-DL quản lý, các công trình và cụm công trình tiêu biểu nhưng không được xếp hạng theo luật di sản và cách thức bảo tồn các công trình này, nhận dạng các cụm di sản đô thị tiêu biểu cần được bảo tồn, soạn thảo quy chế chung cho công tác bảo tồn di sản kiến trúc- cảnh quan đô thị và quy chế quản lý dành riêng cho biệt thự, xây dựng cơ chế hỗ trợ bảo tồn dành cho chủ sở hữu biệt thự... Kinh phí khoảng 6 tỷ đồng.

Năm 2013, Thành phố phải tiếp tục ban hành Chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị giai đoạn 2013- 2015, để đốc thúc vì các sở ngành quá chậm trễ, yêu cầu đến năm 2015 phải hoàn thành. Nhưng rồi năm 2016, Thành phố lại ban hành Chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị giai đoạn 2016- 2020. Đến 2017- 2018 là các năm để kiện toàn nhân sự Ban chỉ đạo Chương trình hành động, rồi rút gọn thành viên và kết quả cuối cùng vẫn là Viện nghiên cứu Phát triển, Sở Quy hoạch- Kiến trúc, Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch!

Không biết bao nhiêu cuộc họp, hội nghị, hội thảo về vấn đề bảo tồn di sản đã diễn ra, tổ chức đoàn đi nước ngoài học tập, kế thừa thành quả bảo tồn của nhân loại cũng như các nước đến Việt Nam trao đổi kinh nghiệm… Đặc biệt, năm 2006, với sự tài trợ của Hội đồng Vùng Rphône – Alpes (Pháp), Thành phố đã thành lập trung tâm dự báo và nghiên cứu đô thị để đào tạo bồi dưỡng thêm về kiến thức quản lý đô thị, bao gồm lĩnh vực bảo tồn, cũng như tổ chức các khóa huấn luyện chuyên sâu, hội thảo, hội nghị, tham quan, học tập kinh nghiệm.

Ban bệ đầy đủ, nhiệm vụ cụ thể, chi phí rõ ràng là thế nhưng khi các di sản kiến trúc bị xóa sổ lại chưa thấy địa chỉ trách nhiệm! Hơn 3.000 biệt thự mới - cũ bị buộc chung, chờ tiêu chí phân loại đằng đằng 20 năm. Ở không dám, bán không xong, sửa không được, bí thế, người dân phải lén lút tháo dỡ. Đến khi phân loại được 1.300 biệt thự cổ thì thực tế chỉ còn 900, khả năng vẫn tiếp tục giảm khi Thành phố vẫn chưa có chính sách bảo tồn. Cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ ban hành tiêu chí phân loại biệt thự theo nhiệm vụ đã được giao phó?

Để công tác bảo tồn được thúc đẩy hiệu quả hơn, cần giao nhiệm vụ cụ thể. Mỗi công trình di sản nếu bị tổn hại, cần tìm ra các địa chỉ trách nhiệm và xử lý tùy mức độ, thay vì tiếc nuối, khóc than rồi lại “huề cả làng”!

Mai Phương


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: