Sự tàn phá của du lịch bầy đàn

Thứ năm, 31 Tháng 10 2019 00:51 Người Đô Thị
In

Công trình Mã Pì Lèng Panorama đốt nóng dư luận vì sự ngang ngược chiếm lĩnh cảnh quan. Bỏ qua khía cạnh pháp lý, quản lý, chỉ thử tìm kiếm một lý do để giải thích cho loại hình thái công trình thế này được có mặt ở thời điểm này, sẽ thấy ra nhiều điều.

Công năng công trình là một trạm dừng chân ở vị trí lý tưởng trên đỉnh đèo, nơi bạn có một tầm nhìn đắc địa về cảnh vực dòng Nho Quế xanh lơ bên dưới và một hẻm núi ngoạn mục. Thử nghĩ, một buổi chiều, lúc sương xuống, ngồi ở một bàn cà phê với cái view thiên nhiên bát ngát này, điện thoại bạn có thể sẽ cháy pin vì sự khó cưỡng của những góc selfie và check in.

Khi ấy, nhu cầu du lịch check in của thời buổi ve vuốt hình ảnh cá nhân được đáp ứng quá tốt.


Công trình Mã Pì Lèng Panorama đã tạm dừng hoạt động kinh doanh vào sáng 14/10, theo yêu cầu của UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, công trình vẫn mở cửa cho khách du lịch vào ngắm cảnh, chụp ảnh.
(Ảnh: Ngọc Tân)

Đường tàu Hà Nội cũng vậy. Người ta đến các quán cà phê đâu có vì cà phê ở đó ngon, nhạc hay, không gian dịch vụ ổn, mà vì cái “view độc” khi mỗi chuyến tàu đi qua, những chiếc bàn rung lên, ly cà phê rung lên, màu sắc lòe loẹt theo lối vintage rung lên và những chiếc máy điện thoại rung lên vì các góc ảnh lạ.

Nếu một lúc nào đó, bạn trở lại cà phê Tùng ở Đà Lạt và thực sự ngỡ ngàng khi sự tĩnh tại và chiều sâu ngôi quán đã bị đánh mất. Từ sáng tới chiều, có lúc nào yên thân được đâu, vì ngồi ở góc nào bây giờ bạn cũng sẽ có nguy cơ bị lọt vào những khung hình của người khác. Cà phê với công thức pha chế gia truyền, âm nhạc gợi nhắc một Đà Lạt lãng mạn tao nhã trong quá khứ và cả những bức tranh đang thở ra màu thời gian ở trên tường..., tất thảy những gì thú vị nhất đã trở thành thứ yếu, thậm chí vô nghĩa với số đông đang vồ vập những góc nhìn và tranh nhau những chiếc bàn có “view đẹp”.

Và số đông giống nhau một điểm: đến đó để tìm một bộ ảnh, thay vì trải nghiệm một không gian ký ức đặc thù Đà Lạt.

Tạo ra giá trị bền vững trong phát triển du lịch, có khi phải tìm cách từ chối, gạn lọc thứ du lịch bầy đàn trước mắt, quyết liệt trong chọn lựa mục tiêu và định hướng lại nhu cầu.

Góc cửa kính rẽ quạt, nơi Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng đã ngồi làm thơ và viết tùy bút vào thập niên 1960 trở thành cái bàn lý tưởng để mọi người xúm xít tìm view. Người trong chụp ra, người ngoài chụp vào. Bức tường vàng “Cối Xay Gió” ở phía đối diện trở thành một chỗ trội về check in cho các thể loại “thanh xuân hoang hoải”, đến độ các quan chức thành phố Đà Lạt muốn nhân rộng nó, đã tạo ra các hình khối hết bông dã quỳ đến búp atisô rồi tới đây là những chiếc tô, những củ hành củ tỏi trong bản quy hoạch mới... Lý lẽ tưởng chừng “thức thời” rằng phải tạo ra nhiều, nhiều nữa những nơi có thể check in sẽ đẩy thành phố đến tương lai của một xứ sở vô hồn, lòe loẹt, phù phiếm không hơn không kém.

Cuộc ngoi lên không ngừng để tranh giành các cao điểm check in, các view để bán cho nhu cầu du lịch đại chúng đang từng ngày từng giờ bức tử thiên nhiên, can thiệp vào các không gian di sản từ những vùng núi non hoang vắng cho đến những đô thị có cơ tầng văn hóa riêng.

Lỗi tại du khách hay tại phía cung cấp dịch vụ? Câu trả lời khó ngã ngũ; sớm muộn gì cũng sẽ đi đến chuyện con gà - cái trứng.

Nhưng hãy nhìn ra bên ngoài. Hãy xem, một số thành phố lớn của châu Âu gần đây đã có động thái đánh thuế du khách và gỡ bỏ các thông điệp truyền thông “điểm đến lý tưởng” để mà giữ lại cốt cách thành phố. Tiêu biểu, mới đây thành phố Amsterdam (Hà Lan) ra thông cáo sẽ đánh thuế trực tiếp 7% giá tiền phòng cộng thêm 3 euro đối với du khách lưu trú, kể từ 2020, chỉ với hy vọng sẽ giảm bớt lượng khách du lịch đoàn và khách bình dân đến với thành phố này.

Không chỉ các thành phố châu Âu như Venice, Amsterdam mà đến các thành phố di sản ở Bhutan, Nhật Bản hay Tanzania... đều có xu hướng áp thuế lên du khách (giới du lịch gọi là “thuế chia tay”) để “sàng lọc” du khách đến với thành phố. Tiền thuế thu được, các thành phố theo khuynh hướng này sẽ dùng cho việc xây dựng hệ thống cơ sở văn hóa, giáo dục và nhất là bảo tồn di sản, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.

Các thành phố có công nghiệp không khói phát triển này hiểu rằng, việc chạy theo báo cáo số đầu người, lượt khách check in chỉ nói lên một trình độ mông muội, không dẫn đến một đẳng cấp nào đáng kể.


Từ ngày 10/10, cơ quan chức năng đã lập rào, đặt chốt cấm du khách đến cà phê phố đường tàu Phùng Hưng (Hà Nội), nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND Hà Nội về việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt.
(Ảnh: Tô Thế)

Tạo ra giá trị bền vững trong phát triển du lịch, có khi phải tìm cách từ chối, gạn lọc thứ du lịch bầy đàn trước mắt, quyết liệt trong chọn lựa mục tiêu và định hướng lại nhu cầu. Bởi xét về tính hiệu quả, việc hy sinh di sản cho cơ sở vật chất đáp ứng số đông sẽ chỉ mang lại một nguồn doanh số thấp, đoản hạn và gây ra rắc rối trong quản lý - đó là những hệ lụy mà kiểu phát triển du lịch thiếu tự vấn phải đối diện.

Từ điểm nhìn là du khách, chúng ta sẽ từ chối check in, thậm chí là tẩy chay những thứ như Mã Pì Lèng Panorama hay một view từ khách sạn 10 tầng theo lối kiến trúc củ hành trên đồi Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt ở thì tương lai? Chọn lựa dịch vụ có trách nhiệm của chúng ta, dù ít ỏi, nhưng cũng sẽ ít nhiều góp phần cải thiện dòng chảy nhu cầu, để những di sản thiên nhiên và văn hóa không tiếp tục bị bức tử một cách oan uổng.

Đến đây thì có thể hiểu một khía cạnh sâu xa trong câu nói nổi tiếng của Claude Lévi-Strauss ngay đầu cuốn Nhiệt đới buồn: “Tôi thù ghét những chuyến du lịch và những du khách”. Từ rất sớm, nhà nhân học người Pháp đã nhìn thấy trước một điều: cái vòi bạch tuộc của khai thác dịch vụ du lịch và nhu cầu thực dụng của các du khách đã gây ra những nguy cơ đối với tính đặc thù của những vùng văn hóa bản địa đến thế nào.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: