Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Góc nhìn Một góc nhìn về quy hoạch

Một góc nhìn về quy hoạch

Viết email In

Sự phồn vinh của đô thị, nếu nhiều người còn nghĩ vậy, chỉ là những hình ảnh rực rỡ trên các đường phố lớn - phần rộng hơn nhiều thuộc về nông thôn và sự nghèo nàn vẫn ngự trị ngay trong các trung tâm đô thị, đằng sau những tuyến phố lộng lẫy.

Thực tế cho thấy, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang đòi hỏi phải có sự nhìn nhận lại công tác quy hoạch. Nói một cách sòng phẳng, công tác quy hoạch theo cách làm hiện nay, hầu như không đáp ứng được, nếu không nói là hoàn toàn thất bại. Những bức xúc của các vấn đề đô thị hóa ngày càng căng thẳng hơn.


(ảnh minh họa: Ashui.com)

Dù đã phát triển với hơn 800 đô thị lớn nhỏ, nhưng bên rìa nhiều đô thị ở Việt Nam, chỉ cần ra ngoại thành một chút thôi, sẽ thấy vẫn hiện hữu những làng quê với lối sống thôn dã rõ nét. Đó cũng là nơi cư ngụ của hầu hết cư dân làm nông hoặc bán nông nghiệp. Và ở đây, không khó bắt gặp những con đường đất, đường lát gạch, cấp phối nhỏ hẹp quanh co… đặc điểm nông thôn khá rõ.

Thêm nữa, sự phân bố các nguồn lực đầu tư trong quá trình đô thị hóa cũng không tương xứng với vai trò và sự đóng góp của nó trong quá trình phát triển chung của cả đô thị. Người dân khu vực bị đô thị hóa khi mất ruộng được quá ít quyền lợi. Đáng lẽ họ phải được sống trong một mô hình tổ chức cuộc sống mới tốt hơn những gì đang có hiện nay. Nhưng điều này chưa nơi nào làm được.

Nhà ở được xem là tiêu chí đánh giá chất lượng đô thị Việt Nam. Tình trạng hộ không có nhà ở đang dần được cải thiện trong hai thập kỷ qua, nhưng trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư, còn 4.800 hộ không có nhà ở; trung bình cứ 10 nghìn hộ dân cư thì có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở.

Ngay với Thủ đô Hà Nội, đến nay mới có hơn một nửa số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong khi đó, trên địa bàn có 32 trạm cấp nước sạch nông thôn không hoạt động do công trình đầu tư dang dở hoặc bị xuống cấp. Hiện, có 87 trạm đang hoạt động với tổng công suất khoảng 70 nghìn m3/ngđ, cấp nước ổn định cho khoảng 100 nghìn hộ dân, chiếm 10% số dân sử dụng nước sạch trên toàn thành phố.

Phần lớn người dân đô thị hiện nay đều cho rằng, mở vòi nước trong nhà là có nước dùng, cho nên có thể bất ngờ, nếu bạn biết mình may mắn thuộc số 2/3 cư dân đô thị được dùng nước máy cá thể. Còn lại dân số đô thị Việt Nam đang dùng nước từ các vòi công cộng, phải mua nước từ xe téc, lấy nước giếng khoan, giếng đào và từ ao, hồ… Nghĩa là, dù công cuộc đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh (trên 34%), nhưng phương cách sinh hoạt (chất lượng sống) vẫn một nửa là nông thôn. Thậm chí, về môi trường sống tự nhiên, còn tệ hơn nông thôn cũ vì tầng nước mặt hiện nay (khai thác từ giếng khoan, giếng đào, ao hồ…) đã bị ô nhiễm nặng do rác thải, phân bón, thuốc trừ sâu…

Rõ ràng, đây là một thách thức không nhỏ trong tương lai gần đối với các nhà hoạch định chính sách. Đô thị hóa, người dân được thêm gì? Người dân cũng hỏi: Bao giờ con cái tôi có được việc làm tốt? Bây giờ tôi sẽ làm nghề gì khi không có ruộng? Bao giờ làng tôi có nước sạch? Bao giờ đình làng được tu sửa lại? Bao giờ làng hết tắc đường? Bao giờ ao làng hết bẩn? Bao giờ hết nghiện hút trong làng? Bao giờ làng có được sự yên bình như xưa?... Tất cả các câu trả lời đang ở phía trước.

Ngọc Lý

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo