Đà Nẵng muốn làm làng du lịch cộng đồng gắn với nghề chài lưới

Thứ ba, 21 Tháng 5 2019 12:54 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái, quận Sơn Trà, kết nối hoạt động du lịch với các loại hình kinh tế khác tại khu vực, chủ yếu là chài lưới và đánh bắt cá.

Bãi biển tại hai phường Thọ Quang và Mân Thái có chiều dài khoảng 1,2 km, từ phía Bắc dự án Fusion Suites Danang Beach đến giáp Nhà trưng bày Hoàng Sa và khu dân cư dọc tuyến phía Tây đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp.


Khu vực Thọ Quang-Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng được dự kiến sẽ trở thành làng du lịch cộng đồng.
(Ảnh: Nhân Tâm)

Theo đề án, khu vực này sẽ phát triển các cụm dịch vụ du lịch du lịch chuyên nghiệp nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia trải nghiệm cuộc sống ngư dân, đồng thời tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ như du khách tham gia đan lưới, thu hoạch hải sản cùng ngư dân… Đồng thời, tại khu vực phía tây đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp sẽ kêu gọi người dân cùng tham gia đầu tư dịch vụ homestay, trang trí làng nghề, khu phố bích họa.

Ở góc nhìn của một doanh nghiệp làm du lịch, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours, cho biết đây là ý tưởng tốt, giúp phát triển du lịch làng nghề kết hợp văn hoá, lịch sử và thân thiện môi trường. Làm du lịch cộng đồng, người dân làm homestay, bán các đồ lưu niệm... sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc đầu tư của thành phố cần cẩn trọng vì khu này hiện nay ngư dân thưa thớt, khó hình thành một làng du lịch cộng đồng liên quan đến nghề đánh bắt cá. “Theo tôi, thành phố nên nghiên cứu thực hiện mô hình này tại vùng Kim Liên-Nam Ô, nơi có hoạt động chài lưới tấp nập hơn, dễ hình thành làng du lịch cộng đồng. Hơn nữa, về mặt địa lý cũng thuận tiện cho khách tham quan nhiều điểm”, ông Anh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó chủ tịch Hội Khách sạn và là một chuyên gia trong ngành du lịch ở Đà Nẵng, chia sẻ rằng làng chài ở khu vực này vẫn còn đó nhưng đã bị đô thị hóa. Vì vậy, thành phố cần tìm cách để ủng hộ người dân tiếp tục với nghề. “Đề án này nếu được quảng bá rộng khắp sẽ rất thành công”, ông Quỳnh nói. “Có nhiều ví dụ ở các điểm đến trên thế giới, làng nghề, chợ làng, chợ hải sản bao giờ cũng là điểm thu hút du khách. Sự khác lạ của điểm đến chính là văn hoá bản sắc của cư dân và lịch sử nơi đó.”

Nhưng điều mà ông Quỳnh quan ngại nếu làm nửa vời thì lại thành một sản phẩm nửa vời, không bổ sung một sản phẩm du lịch hiệu quả cho thành phố biển miền Trung.

Theo đại diện Sở Du lịch, đề án đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ dân tại khu vực thực hiện chuyển đổi ngành nghề phù hợp với hoạt động kinh doanh du lịch, sản xuất kinh doanh hàng lưu niệm cũng như đề xuất kiến nghị thành phố đầu tư về cơ sở hạ tầng, tiện ích công cộng như: cầu/hầm băng qua đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp, hệ thống các lối lên xuống biển, quầy thông tin; quy hoạch khu vực khu vực dịch vụ thể thao mặt nước, khai thác loại hình tham quan bán đảo Sơn Trà bằng đường biển phục vụ du khách… Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp khắc phục tính mùa vụ bằng cách tổ chức các hoạt động phong phú như trải nghiệm đánh bắt hải sản mùa đông, chung tay phòng chống thiên tai cùng cộng đồng, du lịch thiện nguyện…

Ngoài ra, để giãn bớt lượng du khách vào mùa cao điểm và thu hút du khách vào mùa thấp điểm, thành phố cần có chính sách liên kết giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu vực để đưa ra các sản phẩm đặc thù, có chính sách giá và chất lượng dịch vụ tốt... thu hút khách vào các ngày trong tuần thay vì chỉ tập trung vào cuối tuần. Theo đề án, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch tiến hành kêu gọi các hộ kinh doanh tham gia đầu tư, tổ chức hoạt động; UBND quận Sơn Trà phối hợp cùng hai phường Thọ Quang và Mân Thái quản lý các hoạt động du lịch tại đây, vận động người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, tô chức thực hiện tốt các quy định bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa khả năng phát sinh các tệ nạn xã hội, tạo cảm giác an tâm an toàn cho du khách.

Tại buổi làm việc với Sở Du lịch về đề án này cuối tuần trước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, nhận định bãi biển Thọ Quang-Mân Thái có địa điểm đẹp, có sức thu hút du khách trên tuyến du lịch tham quan bán đảo Sơn Trà. Tại đây có làng nghề thủy sản truyền thống và một số công trình đình làng, tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mang giá trị kiến trúc và bản sắc địa phương, phù hợp với mục đích phát triển du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, đây cũng là khu vực neo đậu, tập kết thuyền thúng của ngư dân khai thác hải sản ven bờ tại các phường Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ; người dân địa phương chưa được đào tạo nghiệp vụ du lịch, kỹ năng phục vụ du khách… Do đó, để tạo sự đồng bộ, kết nối hài hòa với các hoạt động hiện có tại các khu vực dọc bãi biển, cần khai thác du lịch kết hợp bảo tồn làng nghề thủy sản truyền thống, giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chài đến với du khách, hình thành khu vực để du khách khám phá trải nghiệm khi đến với biển Đà Nẵng.

Nhân Tâm

(TBKTSG)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: