Đô thị và không gian ký ức

Chủ nhật, 07 Tháng 4 2019 16:20 Báo Quảng Nam
In

Thời gian qua, giới kiến trúc, quy hoạch, những nhà nghiên cứu văn hóa, báo giới sôi nổi bàn luận về bản quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình của TP.Đà Lạt. Bản quy hoạch chính thức xóa sổ khu vực rạp Hòa Bình - một trong những “trung tâm bản địa đầu tiên” của Đà Lạt và “xóa sổ” luôn cả ngọn đồi và Dinh Tỉnh trưởng - một di sản kiến trúc - cảnh quan điển hình nhất theo phong cách quy hoạch Hébrard (Ernest Hébrard, đồ án quy hoạch năm 1923).


Đà Lạt xưa

Từ đô thị Đà Lạt

Giới kiến trúc yêu Đà Lạt than vãn rằng bản quy hoạch này đã biến một thành phố - “một tiểu Paris” của Đông Dương những năm 30 thế kỷ 20 vốn được định dạng là “thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố”, một Đà Lạt “mê hoặc lòng người trở thành một thành phố phi danh tính - không thể nhận dạng” (PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục). 

Quy hoạch Đà Lạt đã được kiến trúc sư trưởng Đông Dương E. Hébrard thiết kế năm 1923 với sự tôn vinh thiên nhiên, tạo nên một cấu trúc khác biệt “vườn trong phố, phố trong vườn”. Năm 1943 kiến trúc sư Lagisquet quy hoạch chỉnh trang và phát triển, nhấn mạnh những trung tâm bản địa mới của thành phố dựa trên nền tảng quy hoạch 1923. Khu vực thị dân bản địa người Việt được bố trí ngay trong bản quy hoạch đầu tiên nằm ở phía đông khu trung tâm chính, quay ra quảng trường Marché - Chợ Cây Đà Lạt (nay là rạp Hòa Bình). Thập niên 1950 - 1970 tuy khu cư dân bản địa phát triển các kiến trúc dân dụng (nhà ở, cửa hiệu) nhưng vẫn dành chỗ cho các thiết chế văn hóa, y tế, không gian công cộng như rạp Hòa Bình, chợ mới, trường học, bệnh viện, công viên, chùa chiền… Những kiến trúc “đã đi vào hoài niệm đẹp của thị dân lẫn du khách” (nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên).


Đà Lạt xưa (nguồn: Ashui.com)

Thành phố và bản sắc văn hóa

Trong tâm thức thị dân điều đáng nhớ nhất, tự hào nhất về đô thị quê hương mình mãi là “sự khác biệt thị giác”, chỉ dấu đặc thù, đặc trưng của đô thị. Bản sắc đô thị chính là những tính chất phân biệt đô thị đó với đô thị khác. Một đô thị không có đặc điểm riêng, chỉ có những điểm chung giống nhiều đô thị khác, nói như những nhà đô thị học là “giống như con người không có giấy căn cước”. Trong ký ức mỗi một học sinh Việt Nam (dù chỉ qua sách vở, bài giảng ở trường) khi nói đến nước Pháp hẳn mọi người đều nghĩ đến Paris - “kinh đô ánh sáng”. Paris sẽ chẳng ai nhớ nếu không có tháp Eiffel - tháp 300m được xây bởi nhà thầu chính Gustave Eiffel năm 1889. Công trình thu phí tham quan thu hút nhất thế giới này (năm 2007 đã đạt 7 triệu lượt khách tham quan) là “biểu tượng” của Paris, biểu tượng của nước Pháp.

Chẳng nói đâu xa, Chùa Cầu là biểu tượng của Hội An, Cầu Vàng là “biểu tượng mới” của Bà Nà (và của cả Đà Nẵng). Chính sự độc đáo trong kiến trúc của một di tích, một nơi chốn góp phần làm nên bản sắc của một vùng đất, một đô thị. Trong sự phát triển như vũ bão của diễn trình đô thị hóa, các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư thực sự “chính danh” thảy đều lo âu cho sự thiếu vắng bản sắc địa phương, mà những giá trị của văn hóa kiến trúc được tích lũy suốt trường kỳ lịch sử  đã góp phần định dạng bản sắc văn hóa của địa phương đó. Trong tranh luận để giải quyết bài toán bảo tồn và phát triển Đà Lạt đã có những ý kiến khá “lạc lõng” và “cực đoan” như một mặt, coi sự bảo tồn “di sản ký ức” là bảo thủ, là kìm hãm sự phát triển, rồi nhân danh phát triển, lấy sự phát triển theo xu hướng “thô bạo” là “xóa sổ”, xây mới làm trọng; mặt khác, lại có cái nhìn “phi thực tế”, “phi thị dân” khi có người nói “không cần thỏa mãn nhu cầu của một nhóm du khách nào hết”.


Đô thị cổ Hội An.
(Ảnh minh họa: Thanh Trà)

Đô thị vị nhân sinh

Thực thú vị khi cuốn sách “Đô thị vị nhân sinh” (Cities for people) của GS.KTS. Jan Gehl - vị kiến trúc sư nổi tiếng người Đan Mạch ra mắt tại Việt Nam trong tháng 3/2019. Cuốn sách tìm kiếm đáp án cho câu hỏi: thành phố có chức năng gì nếu không phải để phục vụ con người? (Theo Ashui.com - đơn vị xuất bản cuốn sách tại Việt Nam). KTS. Jan Gehl suy tư về những phương án đưa các đô thị phát triển theo cách sinh động, an toàn, bền vững và lành mạnh hơn với câu nói đáng để các thành phố đang hoạt động du lịch, những đô thị đang tìm kiếm danh hiệu “đô thị đáng sống” quan tâm: “Một thành phố tốt cần giống như một bữa tiệc vui. Khách khứa nán lại bởi họ cảm thấy thích thú”. Cũng để trả lời cho câu hỏi thế nào là đô thị vị nhân sinh, nhiều nhà văn hóa học cho đó là “nơi chốn nhân văn”, nơi chốn không chỉ có những khối kiến trúc vật chất đơn thuần chỉ thỏa mãn công năng ích dụng (trung tâm mua sắm, các dịch vụ du lịch, các rersort, khách sạn, nhà băng, bệnh viện…) mà nơi ấy còn lưu giữ và “trưng bày” các di sản ký ức, không gian có chức năng giáo dục thẩm mỹ, nơi thị dân trở về với không gian lịch sử và du khách trải nghiệm sự “khác biệt” về thẩm mỹ thị giác, đồng cảm với thị dân bản địa về ký ức đô thị.

Nhiều bài học về sự phung phí di sản ký ức nhân danh phát triển như việc phá bỏ gần như toàn bộ nhà tù Hỏa Lò, chỉ giữ một phần nhỏ làm “chỉ dấu di tích” (một di tích lịch sử); phá bỏ công trình Thủy Ba Son (phá ụ tàu và nhà xưởng Ba Son - Sài Gòn); phá bỏ các kiến trúc phong cách Pháp ở Huế (còn gọi là kiến trúc thuộc địa hay kiến trúc phong cách Đông Dương)… hay phá vỡ cảnh quan truyền thống “cây đa, bến nước, sân đình” ở các làng xã cổ truyền trong cơn lốc đô thị hóa chắc chắn sẽ làm nghèo di sản kiến trúc, di sản cảnh quan của các địa phương.

Giáo sư kiến trúc William Lim có một nhận định: “Kiến trúc luôn liên kết với những vấn đề bản sắc thị giác và bản sắc văn hóa”. Hiện nay trên thực tế có nhiều địa phương hướng đến phát triển kinh tế du lịch nhưng chưa kiến tạo được những nơi chốn có “văn hóa thị giác”, chưa tìm được “biểu tượng” (cái biểu đạt - cái hiển thị) của cái bản sắc (cái được biểu đạt - cái ẩn mật, mặt nội dung văn hóa của biểu tượng), vì thế thật đáng tiếc ở những nơi chốn có bản sắc nhưng không biết trân quý “cầm vàng lại để vàng rơi”…

Phùng Tấn Đông

(Báo Quảng Nam)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: