Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Quy hoạch đô thị và hội chứng “hiện đại hóa” di sản

Quy hoạch đô thị và hội chứng “hiện đại hóa” di sản

Viết email In

Từ một đất nước nông nghiệp lạc hậu, người Việt khát khao được hiện đại hóa, đó là mong muốn chính đáng, nói to tát - hiện đại hóa là con đường chung của mọi quốc gia để đi tới tiện nghi, tiến bộ.

Tuy vậy, có một thực tế, não trạng người Việt luôn xem hiện đại hóa là chiếc đũa thần, mà không phải ai cũng đủ sức giải quyết nội hàm của nó bằng cách trả lời mấy câu hỏi: Hiện đại hóa cái gì? Hiện đại hóa như thế nào? Mang lại hiệu quả như thế nào và cho ai?...

Hạ tầng, cơ sở vật chất, cung cách quản lý… dĩ nhiên luôn luôn cần hiện đại hóa, không thể phản biện gì thêm. Nhưng, các yếu tố văn hóa lịch sử, truyền thống có thể hiện đại hóa hay không?

Một nước Ý cực kỳ phát triển, họ đã đi tới cung trăng, vũ trụ, nhưng vì sao tháp nghiêng Pisa không thể thẳng lại; hoặc đấu trường Colosseum lỗ chỗ, hoen ố vết tích thời gian mà không cần sơn son thiếp vàng?

Ai Cập là cường quốc du lịch, ho không phải nổi bật nhờ “quảng bá, tiếp thị” mà nhờ giá trị vật chất lịch sử đồ sộ, trong đó ẩn chứa giá trị tinh thần, khoa học vô giá.

Vâng! Nếu đến Ý, Ai Cập chỉ để nhìn ngắm các công trình hiện đại bóng loáng thì du khách không cần phải đi xa như thế. Cớ gì phải đến Đà Lạt để ngắm nhìn một tổ hợp có vẻ hiện đại khi những thứ đó quá tân tiến và rất phổ biến ở châu Âu?

Ở Việt Nam, cách mà người Hà Nội, TPHCM… chọn đến Đà Lạt là để hưởng bầu không khí trong lành khoáng đạt, được một “ngày trải nghiệm bốn mùa” đặc sắc mà gần 100 năm trước người Pháp chọn chỉ để nghỉ dưỡng.


"Khoác áo mới" cho khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt

Thông tin chính quyền thành phố Đà Lạt quyết định di dời, đập bỏ Dinh tỉnh trưởng và nhà hát Hòa Bình thay bằng tổ hợp nghỉ dưỡng sang trọng khiến dư luận xôn xao.

Thực tế, nhiều năm nay du lịch Đà Lạt thành thương hiệu không phải vì hiện đại, tiện nghi sang trọng; giá trị được tạo ra bằng nét cổ kính đặc trưng cộng hưởng với địa lý đặc biệt hiếm nơi nào có được.

Chưa nói đến các công trình này có ý nghĩa lịch sử như thế nào, song đó là hai trong số hàng trăm công trình cổ góp phần tạo ra đặc trưng riêng có của Đà Lạt. Người Pháp không chọn nơi này làm công nghiệp là có lý do.

Nhìn tổng thể bản quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng công bố - hao hao giống rất nhiều bản quy hoạch đô thị ở nước ta, “chất liệu” chủ đạo là bêtông cốt thép, các khối nhà chiếm phần lớn không gian; rất bắt mắt về mặt hình ảnh, nhưng thực tế khi hoàn thành chưa biết ra sao.

Nếu tiêu chí biến Đà Lạt thành du lịch hiện đại bởi những công trình mới toanh, đa chức năng, liệu có sánh được với Nha Trang, Đà Nẵng? Trong khi đó, kiểu làm bắt chước có nguy cơ giết chết tính chất đặc trưng của thành phố này.

Đã quy hoạch là phải khoác lên sự hiện đại, bất chấp đặc điểm vốn có! - đó dường như là tâm lý chung của nhiều địa phương, rõ ràng, sự hiện đại bên ngoài trong trường hợp này không bao giờ phản ánh tư duy tiến bộ.

Singapore từng mắc sai lầm tương tự vào những năm 70, khi họ chủ trương đập phá các dãy phố có kiến trúc của người Hoa nhằm hiện đại hóa đô thị, sau đó không lâu ngành du lịch nước này bắt đầu hứng chịu hậu quả do tình trạng giảm du khách.

Ông Lý Quang Diệu chỉ đạo thành lập Ban đặc biệt nghiên cứu vấn đề, cuối cùng họ phát hiện ra do chính sách “đập phá và xây mới” khiến nơi này trở nên bớt hấp dẫn. Từ đó đảo quốc Sư tử gấp rút ban hành chính sách bảo tồn và tôn tạo và xem đó là nòng cốt trong quy hoạch đô thị.

Trên thế giới, những nơi chứa đựng nhiều giá trị văn minh nhất là nơi không có nhiều nhà cao tầng, thay vào đó là mật độ xây dựng vừa phải như Paris, London, Milan, Kyoto…

Đáng nói tư duy “khoác áo mới cho di sản” khá phổ biến ở nước ta, như quét sơn mới cho Văn Miếu; bêtông hóa thành cổ Sơn Tây…

Hãy tôn trọng di tích lịch sử giống như chúng ta tôn trọng sự thật, chân lý, “hiện đại hóa” di tích lịch sử chính là giết chết lịch sử, thiếu tôn trọng cổ nhân và phần nào đó nó cho thấy cái thô bạo, mông muội đến đáng trách của con người.

Sẽ như thế nào nếu đến một lúc nào đó, chúng ta không còn những di sản minh chứng cho trí tuệ, tài năng của cha ông mình?

Trương Khắc Trà

(Diễn đàn Doanh nghiệp)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo