Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Đầu tư hạ tầng ở ĐBSCL nhìn từ việc kẹt xe dịp Tết

Đầu tư hạ tầng ở ĐBSCL nhìn từ việc kẹt xe dịp Tết

Viết email In

Mấy năm nay, cứ vào mỗi dịp trước và sau Tết đường về các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại kẹt xe kéo dài. Năm nay, trình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Hiện nay, việc di chuyển từ TPHCM về vùng ĐBSCL chủ yếu là đi bằng đường bộ với 2 tuyến đường chính là tuyến quốc lộ 1A và tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Trong khi tuyến quốc lộ 1A khá hẹp và ít được mở rộng thì đường cao tốc Trung Lương mới chỉ làm được 40 km, khi đến Tiền Giang các xe vẫn phải đi ra quốc lộ 1A để về Cần Thơ và các tỉnh khác. Còn tuyến đường N2 đi vòng qua Long An rồi Đồng Tháp… thì xa và không thuận tiện. Vì thế, lâu nay người dân chỉ chọn đi quốc lộ 1A đối với xe máy và đi cao tốc Trung Lương đối với ô tô.


Kẹt xe trên cầu Bến Lức, tỉnh Long An dịp tết Nguyên đán vừa qua.
(Ảnh: Hoàng Anh)

Đối với đường hàng không từ TPHCM đi Cần Thơ do quãng đường chỉ vào khoảng 170 km nên các hãng ít khai thác và hành khách ít chọn đi máy bay. Riêng với đường sắt thì hiện chưa có tuyến về các tỉnh vùng ĐBSCL.

Trong dịp tết Kỷ Hợi 2019, nguyên nhân gây ra kẹt xe được xác định do các sự cố giao thông xảy ra, song nguyên nhân chính nằm ở vấn đề đầu tư hạ tầng ở đây.

Đầu tiên là tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ đã có trong quy hoạch từ nhiều năm trước thì nay mới làm được 40km đoạn từ TPHCM đi Trung Lương. Phần còn lại từ Trung Lương đi Cần Thơ đã khởi công 10 năm nay và đã thay chủ đầu tư nhưng đến nay cũng chưa hoàn thành thêm được km nào.

Sau nhiều lần trì hoãn đoạn cao tốc này được khởi công lại vào tháng 2-2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2018. Thế nhưng, đến nay dự án chỉ thi công được một phần do vướng mắc nhiều thủ tục và lãi suất vay. Sau đó, tiến độ của đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được điều chỉnh hoàn thành vào quý 2-2020.

Tuy nhiên, với những gì diễn ra trên thực tế khi vướng mắc chưa được tháo gỡ thì đến quý 2-2020 đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận cũng khó hoàn thành. Còn đoạn từ Mỹ Thuận về Cần Thơ hiện cũng chưa có vốn và chưa có nhà đầu tư nên cũng chưa xác định được khi nào sẽ khởi công.

Khi đường bộ đang bị tắc nghẽn, người dân kỳ vọng vào tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ sẽ sớm được khởi công. Vào tháng 12/2013, Viện Khoa học và  Công nghệ Phương Nam cùng Tập đoàn EDES Hoa Kỳ đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Đến nay, dự án cũng chưa ấn định được thời gian khởi công.

Tín hiệu lạc quan duy nhất để người dân kỳ vọng vào dự án này là vào cuối năm 2017, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đã ký với một đối tác Canada cho khoản vốn trị giá 5 tỉ đô la Mỹ mà không cần Chính phủ phải bảo lãnh.

Để giải bài toán kẹt xe về các tỉnh ĐBSCL, Chính phủ và các bộ cần tháo gỡ các vướng mắc để thi công nhanh đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và sớm khởi công đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ. Có tuyến cao tốc từ TPHCM đi Cần Thơ thì sẽ phân luồng được ô tô đi cao tốc, xe máy đi theo quốc lộ 1A, khi đó sẽ giải quyết được kẹt xe và giảm bớt được tai nạn do xe máy đi cùng đường với ô tô.

Cùng với việc xây đường cao tốc, trước mắt có thể mở các tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy từ TPHCM đi Cần Thơ để giảm tải cho đường bộ vì vùng ĐBSCL vốn có lợi thế về giao thông thủy, song đến nay chưa được khai thác hết tiềm năng.

Chỉ khi đẩy nhanh xây dựng đường cao tốc cùng với việc tận dụng và khai thác tốt các phương thức vận tải thì người dân mới bớt nỗi lo kẹt xe mỗi khi Tết đến.

Lê Anh

(TBKTSG)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo