Ashui.com

Wednesday
Apr 17th
Home Tương tác Góc nhìn Dấu ấn kiến trúc Pháp, những gì đọng lại?

Dấu ấn kiến trúc Pháp, những gì đọng lại?

Viết email In

300 tài liệu, hình ảnh về quá trình lịch sử hình thành vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM từ năm 1698... vừa được triển lãm là một nhắc nhở cho bất cứ ai đang hoặc sẽ sinh sống hay có trách nhiệm với thành phố 320 năm tuổi này. Triển lãm xong, cái gì còn đọng lại, cần đọng lại? Tất nhiên, tùy sự cảm thụ của mỗi người. Song trong một cộng đồng, có khi sở thích cá nhân phải nhường chỗ cho chọn lựa tập thể, mà tập thể thì không thể tùy tiện. Mặt khác, “dấu ấn kiến trúc Pháp” đó không chỉ là hình ảnh ngôi nhà này, tòa dinh thự kia như những di vật đơn lẻ, mà là cái tổng thể hình thành “Hòn ngọc Viễn Đông”, như thế nào, bằng cách nào?


Dinh Phó Soái Nam kỳ trên đường Lý Tự Trọng ngày nay. 

Tạm lấy mốc ngày 23/2/1868, ngày mà Thống đốc Nam kỳ, đề đốc De La Grandière đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Dinh Thống đốc Nam kỳ tại Sài Gòn, để nhẩm tính và nhớ rằng “dấu ấn” ấy cũng đã được 150 năm tuổi rồi. Trong số những ký ức về viên thống đốc, có lẽ đáng ghi nhớ, trong lĩnh vực quản lý, là việc ông này vào năm 1868 đã ra lệnh thu thập và phân loại các hồ sơ, giấy tờ đặng làm công tác văn thư lưu trữ cho hậu thế biết đường mà tìm về quá khứ - tỷ như muốn kiếm bản đồ, thì có đó chứ không phải tìm miết không thấy; và việc tuyển kỹ sư mỏ M.A. Petiton làm kỹ sư trưởng phụ trách thăm dò nghiên cứu địa chất. Công việc đo đạc của ông kỹ sư kéo dài hai năm, ắt hẳn có ích lợi cho việc thực hiện “đồ án thành phố 500.000 linh hồn” của trung tá công binh kiến tạo Paul Coffyn được xây dựng lần hồi sau này, mà có lẽ việc Sài Gòn xưa ít ngập lụt là do được tính toán chi tiết trên cơ sở một cốt nền nào đó dựa trên kết quả đo đạc của kỹ sư Petiton.

Tất nhiên, với thời gian và đà phát triển, Sài Gòn của Paul Coffyn đâu tồn tại y nguyên. Một số kênh rạch chẳng hạn, đã sớm bị/được lấp để biến thành đường, thành phố (đường Hàm Nghi, đường Nguyễn Huệ...). Biến đổi là một nhu cầu của cuộc sống, của từng cá nhân hay của một đô thị. Vấn đề là biến đổi trên cơ sở nào để đừng tùy tiện và từ đó đánh mất cái đặc trưng. Thành phố nào, khu phố nào, con đường nào cũng có lịch sử của nó, và chính những di vật của lịch sử tạo nên hình hài và cái hồn của thành phố, khu phố, con đường đó. Người Sài Gòn xưa, tối tối lái xe đến đường Brookhurst ở Garden Grove (California, Mỹ), dễ nhắc nhau: “Sao khúc đường này giống đường Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ) quá!”.

Trên bình diện tập thể, có muốn biến đổi cái gì cũng cần nhớ lại lý do viên thống đốc La Grandière nọ lập sở tàng thư. Một thí dụ mà giờ đây chỉ chép miệng tiếc: học sử, đọc đến chi tiết Lăng cha Cả, ngày ngày đi qua Lăng cha Cả, mà lăng đâu rồi? Hoặc Sài Gòn xưa không kẹt xe, ngập lụt kinh khủng như bây giờ là do phân bố đô thị hợp lý. Từ khu trung tâm buôn bán-hành chính trên các trục Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi cùng với chợ Bến Thành, có muốn tan sở, ra về, thì cứ thế mà đi qua những vi la lớn nhỏ, Hàn Thuyên, Trần Cao Vân, Phùng Khắc Khoan... đất rộng, người thưa, mà về. Ngay cả khu Tân Định, có muốn buôn bán thì mua nhà trên các đường Hai Bà Trưng, Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu), Trần Quang Khải; còn lại thì miễn buôn bán, chỉ để ở thôi như Trần Nhật Duật, Trần Quý Khoách, Trần Khánh Dư...

Khi cấp giấy phép để biến các biệt thự mà nguyên nghĩa là sống riêng biệt, thành các quán xá, mới mở mắt ra đã nghẹt xe đậu và người ngồi “đồng”, thì hỏi làm sao mà không kẹt! Còn đâu nữa “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”? Khi muốn khu trung tâm thành phố trở thành một góc nào đó của Singapore với nhà cao tầng thì chính là biến thành bất cứ con đường vô danh nào ở bất cứ thành phố vô danh nào khác.

Ngược lại là những bổ sung theo “kiến trúc Pháp”. Nếu dừng ở vài nét chủ đạo là khống chế chiều cao và cùng kiểu vẽ cho cả khu phố, thì đó là xu thế chung trên thế giới. Còn nếu nhất định trong từng chi tiết các biệt thự theo ý thích của gia chủ, e rằng cũng nên đọc khảo luận của Tiến sĩ Caroline Herbelin của Đại học Toulouse II, “Thế nào là phong cách Pháp? Đặt câu hỏi về phả hệ của các kiến trúc kiểu Tây ở Việt Nam”. Sau vô số quan sát từ Hà Nội vào đến Sài Gòn, Herbelin viết: “Người Việt có giáo dục ưu tú hầu hết đến từ một nền tảng gia đình ưu tú lâu đời... tự xác định vị trí của mình trong xã hội nhờ vào một vốn văn hóa nhất định mà họ sở hữu. Còn các tầng lớp thấp hơn hoặc người giàu mới thì sử dụng các yếu tố có vẻ Tây trong nhà họ như một cách để chứng tỏ một đồng vốn kinh tế nào đó và để khẳng định sở thích riêng của mình”. Đúng/sai, tùy mỗi người.

Danh Đức

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo