Sức sáng tạo là nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển thành phố

Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 11:08 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Bài học của nhiều nước phát triển trên thế giới cho thấy muốn phát triển kinh tế bền vững thì cần phải tập trung phát triển nguồn lực con người. TPHCM cũng vậy, sức sáng tạo con người được cho là một nguồn lực giúp tạo sự phát triển đột phá trong các năm tới.

Trên đây là nội dung quan trọng được ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh tại hội thảo khoa học “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo” do Thành ủy TPHCM tổ chức sáng nay 26/7.  


Một góc TPHCM tại Quận 7.
(Ảnh: Quốc Thanh /hcmcpv.org.vn)

Đối với TPHCM, thực tế cho thấy vài năm gần đây thì cần nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội mà trong đó cái thiếu trước mắt dễ thấy nhất là nguồn lực về vốn. 

Tuy nhiên, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn đóng góp 22% GDP cả nước, đóng góp 27% ngân sách cả nước và để tạo sự phát triển mạnh hơn, có tính đột phá hơn nữa thì thành phố cần phải xem xét một nguồn tài nguyên lớn nhất vốn sẵn có ngay trong lòng thành phố và sẽ quyết định cho sự phát triển bền vững lâu dài: đó là nguồn lực con người, sức sáng tạo con người. 

Ông Nhân nêu trường hợp như Israel là một quốc gia phát triển khoa học công nghệ cao nhất thế giới bởi họ xác định chiến lược phát huy năng lực con người để phát triển khoa học công nghệ, một xứ thiếu nước nhưng họ thừa sáng tạo. Singapore cũng vậy, từ một nước nhập khẩu nước uống từ Malaysia cũng trở thành nước xuất khẩu nước uống nhờ khơi dậy sức sáng tạo con người phát triển khoa học công nghệ hiện đại.

Như vậy, con người là quan trọng nhất bởi giá trị không ngừng gia tăng. TPHCM cũng xác định nguồn lực con người là quan trọng nhất và sẽ tạo sức sáng tạo lớn để có thể giúp phát triển đột phá TPHCM cho các năm tới, ông Nhân nhấn mạnh.

Hiện nay thành phố đối diện với các áp lực như: biến đổi khí hậu nước biển dâng hàng năm, mưa nhiều hơn, ngập nước; chưa kể dân số ngày càng tăng, rác thải đô thị, ùn tắc giao thông… Vậy làm thế nào để khởi động lại cho phát triển có chiều sâu hơn, khắc phục được các hạn chế như kẹt xe, ngập nước… nói trên cũng là điều cần nhìn nhận.

Tại hội thảo, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM đặt vấn đề: “Có đường lối đổi mới rồi, có luật pháp rồi, còn năng động sáng tạo được không?” trong bối cảnh nhiều năm qua vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý điều hành nhà nước, những khe hở của quy định pháp luật, những kỷ cương kỷ luật lỏng lẻo do tự phát triển kinh tế thị trường, tích cực là chủ đạo nhưng tiêu cực không phải là ít, quan điểm phát triển bền vững đã có nhưng sao hàng năm có đến hàng chục triệu tấn hóa chất đổ vào đồng ruộng làm cho đất đai cằn cỗi, ô nhiễm môi trường…

Riêng TPHCM tuy đã đạt GDP bình quân đầu người năm 2017 gần 6.000 đô la Mỹ nhưng nếu so với các nước xung quanh như Hàn Quốc, Singapore ở mức 50-70 ngàn đô la/năm thì thành phố còn ở khoảng cách quá xa. Và với nguồn lực khiêm tốn thì cũng phải tính tới sự phân phối nguồn lực sao cho người dân cảm thấy “không sợ nghèo, chỉ sợ không công bằng” để có động lực xây dựng thành phố. Chỉ khi nào con người thành phố có động lực hành động mạnh mẽ vì nước vì dân thì thành phố mới duy trì và phát triển được tính năng động sáng tạo.

Còn tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Hội đồng Khoa học TPHCM thì gợi ý các nhiệm vụ mà chính quyền thành phố cần tập trung để phát huy tính năng động sáng tạo con người thành phố gồm: giữ gìn bản sắc, bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, hòa nhập thế giới với bảo tồn bản sắc của mình. Song song đó, thành phố cần khai thác (thông qua lắng nghe và trao đổi) tài nguyên trí thức rất phong phú trực tiếp trên địa bàn thành phố lẫn bên ngoài và tài nguyên này vẫn mang đậm tính cách “Người Sài Gòn”.

Tiến sĩ Giao nhấn mạnh đến giải pháp quan trọng nhất chính là chính quyền thành phố cần sớm tạo chính sách, cơ chế thông thoáng, phù hợp để thu hút nhân tài khắp nơi đến thành phố theo xu hướng đất lành chim đậu, cùng đóng góp xây dựng thành phố.

Ông Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đề xuất chính sách phát triển TPHCM dựa vào truyền thống năng động sáng tạo vốn có của thành phố thì cần chú ý chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tạo cơ chế chính sách thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với cuộc sống; không ngừng nâng cao tính hiệu lực hiệu quả của bộ máy công quyền, xây dựng một nền quản trị năng động; quy hoạch hạ tầng đô thị gắn với liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Sở dĩ có các đề xuất trên tại hội thảo sáng nay, ông Sen lấy bài học tham khảo từ Singapore nơi đã “hóa rồng” nhanh chóng, là thiên đường khởi nghiệp ở Châu Á, mạnh tay chi cho đổi mới khoa học công nghệ, khởi động cho các chương trình đầu tư mạo hiểm cho dự án khởi nghiệp, nơi có hệ thống công quyền minh bạch và trong sạch… đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các nước nên bản thân TPHCM cũng cần học hỏi để trở thành “thành phố thông minh” như mong muốn. 

Văn Nam 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: