Sau Dinh Thượng Thơ, cần giữ cả khu phố Chợ Bến Thành

Thứ hai, 09 Tháng 7 2018 12:35 Người Đô thị
In

Tháng Sáu, thành phố và cả nước bận bịu cho những vấn đề nóng bỏng về đất đai, lãnh thổ. Tuy vậy, việc giữ lại tòa nhà cổ 59 - 61 Lý Tự Trọng quận 1 (Dinh Thượng Thơ) vẫn là “món nợ” công chúng không thể quên. Huống chi, việc phá bỏ để lấy đất xây lên một tòa cao ốc tráng lệ đòi hỏi một kinh phí lên đến hàng chục triệu USD. Chưa rõ đối với dự án này, chính quyền thành phố có sử dụng công thức “đổi đất lấy hạ tầng” hay không, nếu “đổi” thì “đổi” bằng gì? Có tin một số nhà đầu tư đang lăm le “chào mời” ý tưởng lấy đất khu phố Chợ Bến Thành để đổi!  

Người ta nhắm đến việc giải tỏa khu chợ (hơn 10.000m2) và các dãy phố sầm uất chung quanh để xây một phức hợp trung tâm thương mại cao tầng đồ sộ nào đấy. Nếu như có một đề nghị như thế, thì lại thêm một lần nữa, vì thiếu hiểu biết lịch sử hoặc vì lợi ích kim tiền, một nhóm lợi ích nào đó lại vô tình hay cố ý xâm phạm một không gian công cộng thiêng liêng của đất Sài Gòn, người Sài Gòn! 


Toàn cảnh khu phố Chợ Bến Thành những năm 1920 - 1930 cho thấy một quy hoạch và xây dựng kiến trúc hảo hạng.
Ảnh: TL 

Cột mốc phát triển thứ hai của Sài Gòn hiện đại

Kiến trúc Chợ Bến Thành hoàn thành năm 1914, sắp sang tuổi 105, qua bao cơn binh lửa và thay đổi, may mắn vẫn giữ hình dáng xưa. Tòa tháp đồng hồ bốn mặt và bốn cửa chính uy nghi như một tòa thành độc đáo, đã ở trong tâm khảm bao thế hệ. Bản thân khu phố chợ bao gồm chợ nằm ở trung tâm, viền quanh là ba dãy phố và con đường lớn, xếp thành hình chữ U vững chãi. Thêm nữa đối diện chợ là một quảng trường rộng lớn, tiếp giáp nhiều đại lộ. Đây là một thiết kế không gian quy hoạch rất đẹp và hiệu quả. Toàn bộ công trình tuyệt hảo đó không chỉ xây trong một vài ngày hay một vài năm. 

Khu phố Chợ Bến Thành ra đời trên nền một khu đất đầm lầy hoang hóa, nối với bờ sông Sài Gòn, qua con rạch lớn có tên Cầu Sấu (nay là đại lộ Hàm Nghi). Đầm lầy ấy người Pháp đặt tên là Boresse, nối với khu vực Chợ Lớn bằng những con đường đất thô (nay là Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo), tiếp giáp khu vực Chợ Đũi nối vào con đường cái quan chạy giữa những cánh đồng tha ma lên Tây Ninh (đường Cách Mạng Tháng Tám hiện giờ). Trong bản quy hoạch 1880 và 1900, đầm Boresse được dự trữ làm khu đất mở rộng Sài Gòn. Chính quyền Nam Kỳ và thành phố lúc ấy đã chuẩn bị phương án xây dựng nhà ga xe lửa trung tâm (khu công viên 23.9 hiện thời) tỏa đi cả miền Tây và miền Đông, đồng thời dời Chợ Bến Thành (nguyên thủy nằm ở vị trí kho bạc - đại lộ Nguyễn Huệ) về đây. Đó là hai công trình chính tạo ra một khu dân cư - thương mại mới nối tiếp khu dân cư thương mại Catinat-Charner (Đồng Khởi - Nguyễn Huệ). 

Phải mất hơn 30 năm, chính quyền và người dân Sài Gòn mới xây dựng hoàn chỉnh khu phố Chợ Bến Thành. Bắt đầu từ việc xây dựng rất kiên trì và khó nhọc những con đường mới và san lấp khu đầm lầy. Đầu tiên là san lấp rạch Cầu Sấu làm đường lớn (1870-1897). Cùng thời gian ấy, san lấp con rạch hiện giờ là đường Pasteur, để kéo dài đường Bonard (Lê Lợi) và đường Espagne (Lê Thánh Tôn) xuyên qua khu đầm Boresse (ròng rã từ 1865-1914). Kế đến, đưa đất đá và vật liệu đổ vào khu đầm lầy, xây nền vững chắc để xây dựng nhà ga xe lửa, tòa nhà hỏa xa cùng lúc với Chợ Bến Thành và ba con phố vây quanh (1910 - 1914). Vào tháng 3.1914, một lễ hội lớn được tổ chức nhiều ngày khi Chợ Bến Thành - một công trình có nhà lồng khung thép đồ sộ được khai trương. Toàn khu đầm lầy xấu xí đã biến mất, thay vào đó là một khu thương mại và dân cư diễm lệ, nhộn nhịp. Có thể coi sự ra đời của khu phố Chợ Bến Thành năm 1914 là cột mốc phát triển thứ hai của Sài Gòn hiện đại, sau cột mốc 1862 khi cảng Sài Gòn được hoàn thành!

Từ đó đến năm 1975, nơi đây không chỉ là trung tâm thương mại mới của Sài Gòn mà còn là đầu mối thương mại và giao thông cho cả Nam bộ. Ngoài đường xe lửa và đường thủy (ngã ba Khánh Hội - kênh Tàu Hũ), hai bên hông chợ Bến Thành là hai bến xe ngựa và xe đò - thủy tổ cùng lúc của Xa cảng miền Tây và Xa cảng miền Đông (tên gọi từ thập niên 1970). Nhìn trên bản đồ đầu thế kỷ XX, các thế hệ sau thấy rõ thành phố Sài Gòn (không tính Chợ Lớn và Gia Định) được quy hoạch thành năm khu vực chính có chức năng riêng biệt. Đó là khu hành chính - quân sự cấp Đông Dương và cấp Nam Kỳ (dọc đại lộ Norodom - nay là Lê Duẩn); khu bờ sông bao gồm thương cảng và quân cảng, xưởng Ba Son; khu hàng hải - tài chính - ngân hàng (quanh đường Hàm Nghi và Bến Chương Dương hiện nay); khu thương mại - giải trí cao cấp (Catinat - Charner) và khu thương mại - giải trí bình dân (Bonard - Chợ Bến Thành). Hình ảnh Chợ Bến Thành với tháp đồng hồ trở thành biểu tượng kinh tế của Sài Gòn suốt từ đầu thế kỷ XX cho đến tận bây giờ. 


Tượng đài Trần Nguyên Hãn trước khi bị di dời.
 (Ảnh: Zing.vn) 

Kho báu vô giá không chỉ về thương mại

"Các nhà quy hoạch, các nhà đầu tư thay vì đập bỏ ký ức vàng của quá khứ, thay vì “sáng tạo” những khối nhà bê tông và sắt thép nặng nề hay hào nhoáng, hãy dành con tim và khối óc cho việc khám phá, giữ gìn và phát huy di sản hay đẹp của tiền nhân ngay trên vùng đất xưa thiêng liêng này"

-Phúc Tiến 

Chỉ xét về kiến trúc và hoạt động mua bán nhộn nhịp, muôn hồng nghìn tía của ngôi chợ không thôi, đã thấy đây là đặc sản quý hiếm. Chợ Bến Thành xứng đáng sánh vai cùng những ngôi chợ cổ nổi tiếng trên thế giới như Leaden Hall (London), Central Market (Budapest), Grand Bazaar (Istanbul), Pike place Market (Seattle) hay Central Market (Kuala Lumpur). Chung quanh chợ là các dãy phố Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), nổi tiếng là “Hàng Bạc, Hàng Đào” của Sài Gòn, phố Viénot (Phan Bội Châu), Schroeder (Phan Chu Trinh), Sabourain (Lưu Văn Lang) và Courbet (Nguyễn An Ninh) có một loạt tiệm vải, tiệm trà, tiệm tạp hóa, bách hóa, quán xá, khách sạn, nhà trọ, nhà in, tòa báo v.v.. Nơi đây ghi dấu sự ra đời của các hãng buôn, công ty và nhiều hoạt động kinh doanh phong phú của người Việt để đua tranh với người Pháp, người Hoa, người Ấn, người Nhật.

Khu phố Chợ Bến Thành không chỉ náo nhiệt về đời sống kinh doanh mà còn sôi động về đời sống văn hóa và chính trị. Khách sạn Cửu Long Giang ở góc phố Aviateur Gaross (Thủ Khoa Huân) - Espagne là nơi trình diển đầu tiên đờn ca tài tử theo dạng “phòng trà”. Từ đờn ca tài tử đã ra đời một loại hình nghệ thuật mới là cải lương mà Sài Gòn là “bà đỡ” chính khi đem đến một lượng khán giả đông đúc với những tuồng tích được viết và dàn dựng bởi những trí thức Tây học (*). Vào những năm 1930, ký ức Sài Gòn vẫn lưu giữ hình ảnh nhà trí thức Nguyễn An Ninh đi xe đạp vừa bán dầu cù là, vừa bán báo và diễn thuyết “quốc sự” ngay bên hông chợ. Nhiều hội kín, đảng phái bí mật cũng lấy nơi chợ búa, bến xe này làm nơi qua lại, liên lạc, tuyên truyền.

Công viên quảng trường trước cửa Bắc của Chợ Bến Thành vào những năm 1940-1950 là chợ hoa Tết của Sài Gòn, trước khi dời về đường Nguyễn Huệ. Quảng trường thời Pháp mang tên Cuniac - một thị trưởng của Sài Gòn, sau năm 1955 đổi tên Diên Hồng. Vào tháng 3.1950, một cuộc biểu tình lớn chống thực dân đế quốc đã diễn ra trước cổng Chợ. Vào cuối năm 1963, sau khi xảy ra sự kiện cô Quách Thị Trang bị bắn chết trong một cuộc biểu tình chống độc tài diễn ra tại đây, quảng trường được mang tên nữ sinh này. Từ năm 1966, công viên quảng trường có thêm tượng đài tướng Trần Nguyên Hãn - anh hùng chống quân Minh, tô điểm thêm nét lịch sử, hài hòa với khung cảnh thương mại. 

Từng mét đường, từng viên gạch, từng cửa hàng trong chợ và các dãy phố chung quanh đều thấm đượm nhiều câu chuyện thân phận con người và đất nước. Thực sự, giá trị của khu phố Chợ Bến Thành bao gồm cả không gian và kiến trúc, hợp cùng những câu chuyện lịch sử hình thành xuyên hai thế kỷ, là một kho báu vô giá nếu biết cách gìn giữ và khai thác! 

Giữ gìn bằng cách nào?

Những năm 1970 và 1990 đã có một số đề án đập bỏ Chợ Bến Thành cũ để xây chợ mới theo kiểu cao ốc thương mại - văn phòng. Song các đề án này đều không được xã hội đồng thuận và đã phải lùi bước trước dư luận. Năm 1985, Chợ được sửa chữa lớn, làm lại mặt tiền nhưng may mắn những người thiết kế hiểu được giá trị lịch sử của kiến trúc nên đã không làm bộ mặt Chợ Bến Thành biến dạng. Giờ đây, bên trong Chợ đã được sắp xếp lại, trật tự hơn, sạch sẽ hơn, trở thành một ngôi chợ không chỉ cho đời sống hàng ngày mà còn là chợ của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các dãy phố chung quanh đã biến đổi khá nhiều. Các nhà phố liên kế không còn giữ được kiểu kiến trúc Pháp - Việt đầu thế kỷ XX. Nhiều cao ốc đã chen vào, đủ màu, “đủ thể loại” tạo ra một bức tranh lô xô đáng tiếc. Song kỳ diệu, đây đó vẫn còn nhiều căn nhà, nhất là các nhà góc phố, giữ được đường nét xưa, kể cả những bảng hiệu trước 1975.

Theo chúng tôi, giữ lại hình ảnh xưa và hồn xưa của khu phố Chợ Bến Thành, trước nhất là phải giữ lấy kiến trúc Chợ. Tòa tháp đồng hồ và các dãy nhà lồng cùng bốn cổng Đông Tây Nam Bắc nhất thiết không thể phá ra hay tân trang, thêm thắt những gì làm tổn hại đến đường nét và kết cấu xưa. Cần tránh bài học sai lầm khi phá Chợ Đông Xuân cũ - chỉ để lại mặt tiền, còn lại thì phá hết để xây dựng bên trong một tổ hợp kiến trúc quái dị và nhếch nhác, đã xảy ra hỏa hoạn mấy lần! Trong Chợ, nên chọn một góc nào đó, tốt nhất là dưới tháp đồng hồ, làm một bảo tàng mini về ngôi chợ hơn 100 tuổi. Những bức tường trong và chung quanh chợ có thể là nơi mời gọi các họa sĩ trẻ đến làm những bức bích họa đầy sáng tạo về đời sống Sài Gòn xưa. Một số nơi có thể đặt làm bảng kỷ niệm vinh danh các tiểu thương tiêu biểu của Chợ Bến Thành, các doanh nhân Việt Nam tiên phong, các mặt hàng nông sản và công nghệ “made in Vietnam”, nổi tiếng từ nhiều thế kỷ.


Khách sạn Cửu Long Giang - nơi trình diễn đờn ca tài tử đầu tiên theo kiểu phòng trà ở Sài Gòn những năm 1910 - vẫn nguyên dáng xưa ở góc phố Thủ Khoa Huân - Lê Thánh Tôn (tòa nhà ngói đỏ).
(Ảnh: Phúc Tiến) 

Tại các dãy phố chung quanh, khá nhiều nhà thuộc sở hữu nhà nước (trước đây là sở hữu của Công ty Hui Bon Hoa), nên tính toán không cho phá ra xây lại nếu không giữ được dáng xưa. Mặt khác, Nhà nước có thể chọn vài ngôi nhà còn nguyên nét cổ để phục dựng và tái hiện sinh hoạt gia đình và thương mại người Sài Gòn đầu thế kỷ trước. Đặc biệt, tại tòa nhà khách sạn Cửu Long Giang xưa cần gắn bảng kỷ niệm nơi hình thành đờn ca tài tử và cải lương. Các ngành văn hóa, du lịch và thương mại cần làm cho từng hộ dân và từng cửa hàng chung quanh chợ thấy rằng việc quảng bá giá trị lịch sử của khu phố chợ chỉ làm tăng sức sống nhân văn và giá trị thương mại nơi này. Trong khi ấy, sau khi hoàn tất nhà ga metro, ở khu vực quảng trường phía trước Chợ Bến Thành, cần kiên quyết dựng lại tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang. Trong đường hầm metro nên dành ra một số không gian phù hợp để triển lãm thường xuyên hình ảnh của khu phố Chợ Bến Thành qua các thời kỳ. Tòa nhà Công ty Đường sắt cùng tuổi đời với Chợ Bến Thành cần được coi là di tích quốc gia phải được tôn tạo, không được phá và tốt nhất chuyển thành bảo tàng đường sắt Việt Nam. 

Sẽ có nhiều cách gia tăng giá trị của khu phố Chợ Bến Thành khi biết nhận diện và trân trọng khu phố này. Chúng tôi khẩn đề nghị Nhà nước công nhận không chỉ Chợ Bến Thành mà toàn bộ các khu phố chung quanh và quảng trường Quách Thị Trang là khu phố di sản văn hóa-lịch sử! Các nhà quy hoạch, các nhà đầu tư thay vì đập bỏ ký ức vàng của quá khứ, thay vì “sáng tạo” những khối nhà bê tông và sắt thép nặng nề hay hào nhoáng, hãy dành con tim và khối óc cho việc khám phá, giữ gìn và phát huy di sản hay đẹp của tiền nhân ngay trên vùng đất xưa thiêng liêng này. Chúng tôi tin rằng thông qua việc giữ lại và sử dụng hiệu quả Dinh Thượng Thơ và khu phố Chợ Bến Thành, lãnh đạo thành phố sẽ gởi đến thông điệp đồng thuận một đô thị văn minh và hiện đại không thể thiếu nền móng văn hóa - lịch sử của các thế hệ trước! 

(*) Theo nghiên cứu lịch sử đờn ca tài tử và cải lương của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp (Sydney - Úc) 

Phúc Tiến 

(Người Đô thị) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: