Những thông tin về nguy cơ nhà thờ và tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm bị đập bỏ để nhường chỗ cho những công trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm khiến tôi tìm xem lại những hình ảnh về nhà thờ và tu viện nữ này. Xem rồi, bỗng nhận ra cái đẹp lạ lùng của tu viện.
Trong tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, ngoài hai dãy nhà một trệt một lầu dành làm nơi tu tập, khoảng sân vườn được chăm chút chu đáo, nổi bật lên là ngôi nhà nguyện với lối kiến trúc đơn giản, nhẹ nhàng mà đẹp.
Đó là một cái đẹp khiêm nhường, giản dị, hoàn toàn hài hòa với cảnh quan của một vùng mới đây vẫn còn là một vùng quê sông nước và lau lách, khi cơn lốc đô thị hóa còn chưa kéo đến. Đứng bên này sông Sài Gòn nhìn qua khu nhà thờ và tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm bên kia sông, lại càng thấy cái vẻ đẹp khiêm nhường, hiền hòa và hài hòa với môi trường xung quanh ấy trái ngược hẳn với cái hoành tráng, hào nhoáng, phô phang của một số nhà thờ, chùa chiền, tượng đài được xây dựng nơi này nơi khác trên đất nước này trong những năm gần đây. Và cái vẻ đẹp kiến trúc khiêm nhường ấy là biểu hiện của chính tính chất của hội dòng này, một hội dòng có thể nói là khiêm nhường nhất trong những dòng tu nữ Công giáo.
Nhà nguyện và hai dãy nhà tập của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. (Ảnh: Quý Hòa)
Lần giở lịch sử, Dòng Mến Thánh Giá (Congrégation des Amantes de la Croix/Congregation of the Holy Cross Lovers) là dòng nữ tu Công giáo đầu tiên có mặt tại Việt Nam kể từ khi đạo Công giáo được truyền vào Việt Nam. Được vị giám mục thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP) đầu tiên đến xứ Đông Dương là Giám mục Lambert de la Motte sáng lập (lần lượt ở Đàng Ngoài vào năm 1670, Đàng Trong năm 1671, và Xiêm La năm 1672, rồi mở rộng sang Campuchia năm 1772, Nhật Bản năm 1878, và Lào năm 1887), Mến Thánh Giá cũng là dòng nữ tu Công giáo đầu tiên được xem là mang bản sắc Á Đông, với tôn chỉ tu hành vừa chiêm niệm vừa hoạt động, sống thành cộng đoàn theo một luật dòng được gọi là Hiến chương Hội Dòng Mến Thánh Giá.
Có thể nói, khác với các dòng nữ tu khác mang tính quốc tế du nhập vào Việt Nam sau này, có trung ương hội dòng đặt ở Roma, Mến Thánh Giá là một dòng nữ tu hoàn toàn mang tính bản địa, mỗi hội dòng trực thuộc quyền giám mục sở tại. Các nữ tu vừa phụng sự Chúa bằng đời sống chiêm niệm, vừa sống với đời, phục vụ tha nhân bằng công việc từ thiện và giáo dục thanh thiếu niên, như các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trước đây và hiện nay đang làm.
Theo báo Công giáo và Dân tộc, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được thành lập năm 1840, là tu viện đầu tiên của Dòng Mến Thánh Giá tại Sài Gòn, và là thứ hai tại Nam Việt Nam, sau Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum (Bến Tre) được thành lập năm 1880. Theo các tài liệu xưa, sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi vào năm 1833, triều đình vua Minh Mạng ra chỉ dụ bắt bớ đạo Công giáo. Các nhà thờ, tu viện bị tàn phá, linh mục, tu sĩ, giáo dân ly tán khắp nơi, trong số đó có các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Trong hoàn cảnh chạy loạn, một số nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đã đến dừng chân ở Thủ Thiêm và bắt đầu lập tu viện ở đây vào năm 1840. Ban đầu, tu viện chỉ là căn chòi lá dựng gần gốc cây me. Thủ Thiêm ngày ấy là một khu rừng hoang vắng, dân cư sống rải rác, chỉ có vài ngôi chùa, miễu của người Miên và người Thổ.
Đứng bên này sông Sài Gòn nhìn qua khu nhà thờ và tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm bên kia sông, lại càng thấy cái vẻ đẹp khiêm nhường, hiền hòa và hài hòa với môi trường xung quanh ấy trái ngược hẳn với cái hoành tráng, hào nhoáng, phô phang của một số nhà thờ, chùa chiền, tượng đài được xây dựng nơi này nơi khác trên đất nước này trong những năm gần đây. |
Lo ngại thú rừng, các nữ tu tạm rời căn chòi để men theo kinh Lấp đến tá túc tại chợ Vải, Bến Thành. Trong giai đoạn này, nhà thờ Giáo xứ Thủ Thiêm được thành lập vào năm 1859 nên đến năm 1863, sau thời tạm trú tại Bến Thành, các nữ tu quay về Thủ Thiêm và dựng lại tu viện bên cạnh nhà thờ này. Nhờ sự hỗ trợ của các chủng sinh tại Xóm Chiếu, họ xây dựng được một nhà nguyện mái tranh vách ván và một dãy nhà được ngăn ra nhiều gian để ở. Họ bắt đầu sinh sống bằng nghề nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải, dệt chiếu, làm ruộng, vườn… như bao nhiêu người nông dân khác. Một tờ báo Pháp năm 1845 mô tả các nữ tu này như sau: “Các phụ nữ đạo đức này đã phải lo việc giáo dục các trẻ nữ; và ngày nay nữa, họ bận tâm lo nâng đỡ kẻ bệnh hoạn và việc trở lại cho các phụ nữ bê bối. Họ sinh sống bằng công việc tay chân của mình, chỉ dùng hai bữa ăn thanh đạm mỗi ngày. Họ ăn chay các ngày thứ Sáu và thứ Bảy mỗi tuần. Hằng ngày, họ dâng lên Thiên Chúa những lời kinh dài và sốt sắng”.
Đến thập niên 1960, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã xây dựng lên ba trường học gồm trường Nữ Thủ Thiêm, trường Nam Thủ Thiêm và trường Nữ thánh Anna với tổng diện tích 4.000m2. Sau 1975, theo thỏa thuận giữa Nhà nước và Giáo hội Công giáo, ba ngôi trường trên được Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm hiến cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích giáo dục. Đáng tiếc, kể từ cuối 2011, với dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, ba ngôi trường này đã ngưng hoạt động, không còn được sử dụng cho mục đích giáo dục nữa.
Cổng vào Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. (Ảnh: Quý Hòa)
Vẫn báo Công giáo và Dân tộc (27/5/2015) cho biết về hoạt động xã hội thiện nguyện của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm hiện tại: Ngoài công việc mục vụ tại các giáo xứ, các chị (soeur) còn mở nhiều phòng khám (điều trị kết hợp Đông y và Tây y), châm cứu, bấm huyệt và phát thuốc chữa bệnh, ưu tiên phục vụ người nghèo miễn phí. Tại Hội dòng và một số cộng đoàn có các lớp tình thương cho trẻ em nghèo thất học, không đủ điều kiện để vào trường nhà nước. Các em được giáo dục nhân bản, được trợ cấp sách vở, dụng cụ học tập, học văn hóa và được bồi dưỡng nhẹ trong các buổi học. Hằng năm, sau khi các em học một năm tại lớp tình thương của Hội dòng, nếu còn trong độ tuổi lớp 1 sẽ được chuyển ra các trường phổ thông. Còn các em học hết lớp 4 đều được chuyển ra trường ngoài học lên cao. Hội dòng cũng liên hệ làm giấy khai sinh cho nhiều em trễ hạn, để các em có hồ sơ hoàn chỉnh vào trường chính quy.
Để tiếp bước đến trường, những em này còn được cấp học bổng theo ba dạng như nhận tiền từ đầu năm, mỗi năm 200.000 - 300.000 đồng; số khác nhận học bổng mỗi tháng 200.000 - 250.000 đồng; phần còn lại nhận học bổng phát sinh, mỗi tháng 50.000 đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng gia đình các em có thể đóng tiền, duy trì việc học cho trẻ. Một số các em chuyển ra trường phổ thông cũng phải đóng hàng tháng 50.000 đồng. Hội dòng còn liên hệ với các hội từ thiện và cha mẹ đỡ đầu giúp học bổng cho một số học sinh nghèo có đủ điều kiện để theo học chính quy từ lớp 1 cho đến khi hoàn tất chương trình phổ thông. Những em có khả năng vào đại học, vẫn được tiếp tục nhận học bổng cho đến khi ra trường.
Bên cạnh đó, các chị còn mở lớp huấn nghệ miễn phí dạy tại Hội dòng với các nghề thêu, may, vi tính, đàn, Anh văn, vẽ và giới thiệu học nghề miễn phí ở nơi khác (sửa xe, điện lạnh, điện tử...). Riêng nghề thêu, sau khi mãn khóa học, tổ thêu của Hội dòng giúp các em có việc làm ổn định. Nhiều em có thể nhận hàng thêu cao cấp.
Các nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Thiêm còn lập nhà trọ di dân Lâm Bích tại Búng - Bình Dương, tạo điều kiện cho các thiếu nữ nghèo từ các nơi xa (Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Định, Nghệ An, Vinh, Bắc Kạn...) có nơi trọ an toàn. Hằng tuần, Hội dòng cho chị em đến giúp các thiếu nữ nâng cao kiến thức về nhân bản, chăm sóc sức khỏe và những vấn đề xã hội; dạy nghề, cụ thể là mở lớp huấn nghệ thêu may. Ngoài ra, các chị còn phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số tại Pleiku và Di Linh.
Với lịch sử 178 năm sống giữa và sống với dân nghèo Thủ Thiêm, giáo dục con em họ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn; với ngôi nhà nguyện nhỏ đẹp khiêm nhường, thanh thoát như vậy, tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm sao không thể được coi là một dấu ấn lịch sử trong lịch sử chỉ mới hơn 300 năm của thành phố này? Mất nó đi là thành phố mất một cột mốc trong lịch sử cuộc đời mình, người dân mất đi một dấu ấn tâm linh đã in dấu theo thời gian. Xây dựng đô thị mới, xây dựng công viên bờ sông? Giữ lại cái tu viện cổ khiêm nhường đó là giữ nét điểm xuyết chỉ có thể làm đẹp thêm cho đô thị mới, cho công viên bờ sông mà thôi.
Hỡi những đầu óc chỉ biết choáng ngợp trước cái hào nhoáng và hoành tráng, những cặp mắt nhìn đâu cũng chỉ thấy tiền, hãy nghĩ lại!
Đoàn Khắc Xuyên
(Người Đô thị)
- Chủ yếu ở khâu thực thi pháp luật
- Nói với resort
- Nhòm ngó đất công cộng
- Đà Nẵng sẽ kẹt xe, ngập nước như Hà Nội và TP.HCM trong 10 năm tới?
- Chờ đợi 'phố Gầm Cầu' Hà Nội
- Đặc khu kinh tế đang mất dần lợi thế?
- Hà Nội: Sống thấp thỏm trong những khu tập thể “chờ sập”
- Xây dựng và canh tác ruộng bậc thang
- Luật Thủ đô bị 'vô hiệu' bởi nén chung cư
- Đâu mới là di sản?