Những kịch bản tự cứu mình trong đám cháy

Thứ bảy, 24 Tháng 3 2018 17:03 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Khi đám cháy xảy ra ở một chung cư cao tầng, gần như tất cả những người sống trong chung cư biết về đám cháy đều hối hả chạy ra thang bộ thoát hiểm – như những gì họ được học, xem, khuyên bảo. Nhưng có nhất thiết phải như vậy không?

Ngần đó người dồn vào thang bộ cùng lúc, gây tắc nghẽn, dẫm đạp lên nhau đã là nguy hiểm rồi. Khi cháy, chính lồng thang bộ đóng vai trò ống khói. Khói tràn vào đó khi người ở các tầng mở cửa chắn để vào thang bộ, khi lính cứu hỏa mở cửa để làm nhiệm vụ. Và trong các vụ cháy chung cư, thường thì người chết vì ngọn lửa thì ít, mà chết vì ngạt khói thì nhiều.  

Năm 2014, một vụ hỏa hoạn xảy ra ở tầng 20 chung cư cao 42 tầng tại khu Manhattan (New York), Daniel McClung và Michael Cohen ở tầng 38 nhanh nhảu chạy xuống qua đường thang bộ. Đến tầng 31, họ không thể chạy thêm nữa vì khói, McClung bị chết vì ngạt. Các nhà chức trách sau đó nói rằng nếu họ ở yên trong căn hộ của họ thì họ đã bình an vô sự. Ngọn lửa bốc lên ở cách họ tận 18 tầng nhà và bị cô lập ở đó. 

Từ trước đến nay, trong việc cứu hộ đám cháy, có ba kịch bản phổ biến nhất được đề xuất: sơ tán toàn bộ, sơ tán cục bộ và phòng thủ tại chỗ. Sơ tán toàn bộ áp dụng ở những tòa nhà thấp tầng như trường học, vì trong một thời gian ngắn có thể rút hết mọi người ra. Sơ tán cục bộ áp dụng ở các chung cư cao tầng, những người ở các tầng gần đám cháy nhất được sơ tán đầu tiên. Phòng thủ tại chỗ được áp dụng cho các cơ sở như bệnh viện, nhà tù. Bệnh nhân cần được máy móc hỗ trợ để duy trì sự sống không thể sơ tán đi đâu được.

Nhưng vài thập kỷ gần đây, phương pháp phòng thủ tại chỗ được ưa dùng nhất tại các chung cư cao tầng vì các tòa nhà chung cư đều được xây dựng bằng các vật liệu chống cháy. Những cánh cửa bằng kim loại được bảo vệ bằng các hóa chất chống cháy, tự đóng được có thể ngăn chặn được ngọn lửa bên ngoài căn hộ trong nhiều giờ đồng hồ. Phòng thủ tại chỗ ở các căn hộ là không để khói vào căn hộ, dùng khăn ướt bịt kín các lỗ khói có thể vào từ hành lang như khe dưới cửa, dùng khăn ướt để che mũi, mở các cửa sổ hướng về phía không có khói...

Không hoàn toàn có một tiêu chuẩn phổ quát nào cho việc phòng cháy ở các tòa nhà cao tầng. Ở những tòa nhà hiện đại, mang tính biểu tượng, công tác phòng cháy rõ ràng được đầu tư rất lớn. Ví dụ, tháp đôi Petronas cao 452m ở Kuala Lumpur có hệ thống tạo áp suất khác nhau tự động giữa các tầng để hạn chế ngọn lửa loang ra khi xảy ra cháy. Tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới ở Dubai có thang máy tốc độ cao xây dựng trong hàng lang chống cháy để sơ tán người.

Rồi kể cả với những cao ốc không mang tính biểu tượng cao cũng có những thiết kế chống cháy như: hệ thống cấp điện độc lập cho thang máy, hệ thống máy phát điện dự phòng, hệ thống thang máy chữa cháy riêng, máy thu khói tốc độ cao đặt trong khu vực thang bộ. Nhưng mức độ áp dụng rất khác nhau ở các nhà cao tầng, tất nhiên chi phí xây dựng là yếu tố tác động lớn nhất. Ở một tòa chung cư mà khi xảy ra đám cháy, hệ thống điện bị cắt hoàn toàn, khu vực thang bộ nhỏ hẹp, chuông báo cháy không hoạt động… thì còn gì để nói nữa.

Khi đám cháy xảy ra, tính mạng con người là quan trọng nhất, tất nhiên. Ở chung cư, kịch bản sơ tán cục bộ và phòng thủ tại chỗ là tối ưu nhất. Đám cháy xảy ra ở những tầng trên cùng, các tầng dưới ở yên tại chỗ, sơ tán cục bộ các tầng trên dần xuống dưới. Đám cháy bắt nguồn từ tầng giữa, người ở các tầng này được ưu tiên sơ tán trước, rồi đến các tầng dưới vốn không bị ảnh hưởng nhiều, những người ở tầng trên phòng thủ tại chỗ đợi lực lượng cứu hỏa đến sơ tán bằng các phương pháp dù khẩn cấp, tay cẩu, trực thăng… Đám cháy ở tầng dưới, những người ở phía trên phòng thủ tại chỗ, với áp lực nước đủ lớn, ngọn lửa có thể được dễ dàng khống chế bởi lực lượng cứu hỏa.

Trở lại chuyện tòa nhà chung cư 42 tầng ở khu Manhattan, tòa nhà này làm bằng vật liệu chống cháy, có các kịch bản đối phó khi xảy ra cháy (thực tế đám cháy chỉ xảy ra ở tầng 20 và bị khống chế tại đó), nhưng một số người như McClung không biết điều đó. Tức là hệ thống tốt chỉ được vận hành tốt nếu những người sống trong chung cư được giáo dục tốt với việc này. Nhưng những người không quan tâm đến các thông tin về nơi mình sống như McClung không nhiều.

Theo sở chữa cháy New York, năm 2014, trong số 67 người chết cháy ở thành phố này, chỉ có 18 người chết trong các tòa nhà chung cư, ngọn lửa đều xuất phát từ những căn hộ họ sống. Có nghĩa là những người sống trong các nhà chung cư đó đều biết cách phòng thủ tại chỗ một cách thích hợp. 

Cũng có thể cái chết của McClung là sản phẩm của sự hoảng loạn. Do vậy, sẽ tốt hơn nếu có một hệ thống thông tin nội bộ báo đến từng căn hộ rằng đang có đám cháy xảy ra và chỉ dẫn họ cần phải làm gì, lúc nào phòng thủ tại chỗ, lúc nào sơ tán và theo đường nào. Các ứng dụng di động, giải pháp nhà thông minh hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề thông tin này. 

Thái Hà 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: