Những thách thức với cơ chế đặc thù của TPHCM

Thứ ba, 06 Tháng 3 2018 08:06 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Được trung ương trao cho cơ chế đặc thù là một điều rất đáng khích lệ đối với TPHCM. Tuy nhiên, bây giờ thành phố đối mặt với áp lực phải tạo ra những kết quả tích cực mà hiểu một cách đơn giản là GRDP, nguồn thu ngân sách và việc làm chất lượng cao sẽ có tốc độ tăng cao hơn những năm gần đây. Để có được kết quả như mong đợi, thành phố cần cân nhắc áp dụng các chính sách hợp lý để tránh những kết quả không như kỳ vọng trong bốn vấn đề sau.  


Cần khai thác tốt công cụ khai thác giá trị từ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng.
(Ảnh: Thành Hoa) 

Thứ nhất, tránh tình trạng biến thành “gò cao” hay doanh nghiệp cùng với các hoạt động kinh doanh chuyển đi nơi khác. 

Thành phố được trao quyền tự chủ trong việc quyết định mức thuế. Kỳ vọng là khi tăng thuế suất thì thành phố sẽ có thêm nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế mà thành phố được phép điều chỉnh thuế suất “có chân” nên nếu mức thuế cao hơn các địa phương khác thì khả năng các doanh nghiệp hay các hoạt động này sẽ dời đi là rất cao.

Thêm vào đó dịch vụ (một số dạng thành phố được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt) là một ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thành phố và xăng dầu (đối tượng thành phố được tăng thuế môi trường) chiếm một tỷ phần đáng kể trong chi phí kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân. Do vậy, khi tăng thuế thì gánh nặng chi phí kinh doanh sẽ tăng cao hơn và đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Trái lại, với vị trí đầu tàu của mình, rất khó để thành phố có thể xem xét giảm thuế suất thấp hơn các địa phương khác nhằm hút các hoạt động kinh doanh từ nơi khác.

Thứ hai, tránh tình trạng đô thị phát triển ngổn ngang với mật độ thấp tạo ra gánh nặng cơ sở hạ tầng.

Thành phố có quyền tự chủ trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị sẽ tăng không gian ra quyết định. Tuy nhiên, thành phố cần tránh cám dỗ chuyển đổi nhiều đất, trong khi còn rất nhiều đất đã có hạ tầng vẫn chưa được đưa vào khai thác.

Trên thực tế đất có hạ tầng ở thành phố đang rất nhiều, nếu được đưa vào sử dụng sẽ tạo ra giá trị lớn. Trái lại, nếu đất này tiếp tục nằm yên và thành phố lại tiếp tục cho chuyển đổi đất đai thì những hệ lụy về sau là rất lớn vì khi đó thành phố sẽ phát triển manh mún với mật độ thấp tạo gánh nặng rất lớn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ đô thị.

Kinh nghiệm phát triển của các đô thị châu Á thành công khác cho thấy việc phát triển tập trung với mật độ cao đi đôi với các hạ tầng đồng bộ đóng vai trò quyết định chứ không phải là phát triển phân tán với mật độ thấp trên diện rộng.

Thứ ba, khó khăn trong việc tạo động cơ khuyến khích cho cán bộ công chức làm việc với hệ số lương 1,8 lần.

Việc có quyền được quyết định mức lương cho cán bộ công chức lên 1,8 lần so với cả nước là có thêm quyền tự chủ. Tuy nhiên làm thế nào để tạo động cơ cho cán bộ làm việc mẫn cán, hạn chế tiêu cực là điều không hề đơn giản vì vấn đề thường nằm ở những vị trí có thể đem lại những lợi ích rất lớn cho cán bộ công chức. Ở những vị trí này, mức lương chính thức dường như không đáng kể so với các “lợi ích” mà cán bộ thực thi có được. Do vậy, làm thế nào để tăng lương để tạo được động cơ làm việc tích cực hơn là điều không hề đơn giản.

Cũng có thể công cụ này giúp lãnh đạo thành phố tạo áp lực cho cán bộ và việc đổ lỗi cho lương thấp không còn nữa. Tuy nhiên, tác dụng cụ thể như thế nào thì cần phải xem chính sách và tác dụng trong thực tế.

Vấn đề nan giải nhất đối với công tác cán bộ, tạo động cơ làm việc cho cán bộ công chức hiện nay ở Việt Nam là cơ chế khuyến khích ngược. Người làm nhiều việc có lợi cho cái chung khi xảy ra sai sót thì phải gánh chịu hậu quả rất lớn, trong khi việc lợi dụng cơ chế ở vùng xám thì lại rất có lợi cho người thực thi nhưng gây tác động tiêu cực cho cái chung. 

Thứ tư, tác động của các không gian chính sách khác có thể chỉ ở một mức độ nào đó.

Kinh nghiệm phát triển của các đô thị châu Á thành công khác cho thấy việc phát triển tập trung với mật độ cao đi đôi với các hạ tầng đồng bộ đóng vai trò quyết định chứ không phải là phát triển phân tán với mật độ thấp trên diện rộng. 

Thành phố được quyền vay nợ đến 90% nguồn thu ngân sách địa phương nhưng nếu không có các cách thức hợp lý để tăng cường vay nợ thì còn rất lâu nữa thành phố mới đụng trần này vì hiện tại dư nợ mới chưa đến 30%.

Bốn vấn đề cần xem xét:

Để tận dụng không gian đã được trao, cùng với cơ chế đặc thù và những định hướng chính sách hiện hữu, thành phố có thể xem xét một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để trở thành “vùng trũng” thu hút doanh nghiệp, người giỏi, người khá giả đến kinh doanh, làm việc và sinh sống.

Hiện tại, thành phố đã chọn việc xây dựng thành phố thông minh làm trọng tâm. Đây là một cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển như vũ bão và cách tiếp cận này có thể tạo ra cái nhìn lạc quan hướng về phía trước thay vì “tù túng” trong kẹt xe, ngập nước và ô nhiễm như đang xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi liên quan đến việc thực thi thành phố thông minh thành công là các vấn đề thể chế chứ không phải là các yếu tố kỹ thuật.

Thứ hai, có định hướng phát triển đô thị theo hướng dựa vào các trục giao thông công cộng và thành phố phát triển theo các hành lang này chứ không phải phát triển tràn lan lệ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân. Với định hướng này, việc phát triển mật độ cao ở những khu hiện hữu có tiềm năng và đưa đất đã có hạ tầng vào khai thác là hết sức quan trọng.

Thứ ba, khai thác tốt công cụ khai thác giá trị từ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Để có thể làm việc này, thành phố cần xem xét sử dụng các cơ chế linh hoạt của mô hình công ty phát triển đô thị gắn với mô hình đối tác công tư để triển khai mô hình có thu hồi đất. Nghiên cứu áp dụng một số hình thức khai thác giá trị từ đất mà không cần thu hồi như phí phát triển, thuế cải thiện... Thuế bất động sản là một công cụ cần xem xét trong tương lai.

Thứ tư, xem xét áp dụng các cơ chế để tạo động cơ khuyến khích cho cán bộ làm việc. Cần áp dụng các chính sách để tạo áp lực cho cán bộ công chức buộc phải làm việc bằng cách có thể bị “giành ghế” bất kỳ lúc nào. Trái lại cán bộ công chức cũng có thể “giành” được ghế tốt hơn khi có những thành tích tốt. Cơ chế cạnh tranh minh bạch là hết sức quan trọng. Nếu dựa vào cơ chế đặc thù và các điều kiện hiện hữu mà thành phố giải được bài toán này thì tác dụng sẽ rất lớn không chỉ cho thành phố mà là cả nước. 

Huỳnh Thế Du 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: