Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn “Thuận thiên” với bốn “miệt” đồng bằng

“Thuận thiên” với bốn “miệt” đồng bằng

Viết email In

Kết luận Hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Cần Thơ tuần rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng ĐBSCL phải phát triển “thuận thiên” là chính. 

Phát triển “thuận thiên” là phát triển hài hòa với đất - nước - con người ĐBSCL. Hài hòa với các giá trị văn hóa riêng của ĐBSCL đã hình thành từ hàng trăm năm nay trong tiến trình khai khẩn vùng đất non trẻ đầy tiềm năng và nhiều thử thách này, không phải đến thời BĐKH thì mình mới kể ra. Đó là giá trị văn hóa cốt lõi về bốn “miệt” - theo cách nói dân dã của người dân miền Tây Nam bộ: miệt đồng, miệt vườn, miệt bưng, miệt biển. Từ xưa, bốn miệt này đã rất hài hòa về đất - nước - con người theo lợi thế của năm tiểu vùng sinh thái.  


(Ảnh: Lê Hoàng Vũ) 

Phát triển “thuận thiên” là phát triển hài hòa với đất - nước - con người ĐBSCL. Hài hòa với các giá trị văn hóa riêng của ĐBSCL đã hình thành từ hàng trăm năm nay trong tiến trình khai khẩn vùng đất non trẻ đầy tiềm năng và nhiều thử thách này. 

Miệt bưng

Miệt bưng mang ý nghĩa là “túi chứa nước” hay còn gọi là “má khỉ” của ĐBSCL, do 10% lượng nước sông Mê Kông chảy vào sông Tiền, sông Hậu cùng với lượng nước mưa hàng năm, sau khi san sẻ với hệ thống kênh rạch chằng chịt, đã đổ vào hai túi nước khổng lồ là vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Trước năm 1980, Đồng Tháp Mười chứa khoảng 9,5 triệu mét khối/năm và Tứ Giác Long Xuyên chứa khoảng 9 triệu mét khối/năm (nay chỉ còn khoảng một nửa). 

Từ xưa, miệt bưng này là vùng đầm lầy và trũng. Người dân khai thác thủy sản tự nhiên và nguồn lợi đa dạng sinh học từ rừng tự nhiên hoặc chăn nuôi theo nguồn cỏ tự nhiên (ví dụ mùa len trâu). Đó là các cơ hội sinh kế chính của họ. Vì thế người dân miệt bưng rất quý giá trị sinh thái đất ngập nước và đa dạng sinh học.

Nhưng rồi vì nhu cầu kinh tế - xã hội thời nay, miệt bưng này được khai thác phát triển trồng lúa và thủy sản (cá tra) là chính để đóng góp cho an ninh lương thực và xuất khẩu. Miệt bưng đang mất đi tính tự nhiên của vùng chứa, điều tiết nước và đa dạng sinh học. Đất đai dần bị xói mòn và ô nhiễm môi trường đã tác động rất lớn đến sinh kế của người dân.

Miệt bưng này được chia thành hai tiểu vùng sinh thái rất rõ là Tứ giác Long Xuyên (đồng lụt mở) bao gồm An Giang, một phần Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Đồng Tháp Mười (đồng lụt kín) bao gồm ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An.

Với tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tuần rồi, chính quyền ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An đã cùng các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ và TPHCM hội thảo bàn chuyện liên kết để cố gắng bảo tồn các giá trị về hệ sinh thái và văn hóa thích ứng với BĐKH, nhằm phục vụ đời sống người dân và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Lãnh đạo ba tỉnh này đã đồng thuận về quy hoạch không gian - tích hợp - liên ngành với bốn chương trình hành động. Cụ thể, phải biết phát triển sản phẩm chủ lực và sản phẩm bản địa, phải dựa vào nhu cầu thị trường và sinh thái đất ngập nước - đa dạng sinh học - du lịch để phát triển kinh tế - xã hội. Phải biết quản lý và sử dụng nước hiệu quả cho nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và dân sinh. Và phải biết phát triển cơ sở hạ tầng tổng hợp để thích ứng với BĐKH.

Từ đó, ba tỉnh đang làm tiếp việc tạo ra cơ chế, tổ chức và chính sách thích hợp để liên kết với doanh nghiệp và người dân theo ngành hàng. Rồi liên kết giữa chính quyền ba tỉnh với trung ương và giới khoa học; liên kết trong vùng ĐBSCL với TPHCM và ra nước ngoài.

Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên cũng đang vận hành tương tự như vậy để liên kết hai vùng miệt bưng này nhằm góp sức “ổn định vùng lũ thượng nguồn ĐBSCL”, một nội dung lớn mà Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL vừa đặt ra.

Miệt biển

Là vùng bán đảo Cà Mau, bao gồm ba tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và vùng ven biển Đông thuộc các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Từ lâu, người dân ở đây sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tự nhiên là chính. Họ hiểu rõ nước mặn, nước lợ, nước ngọt cùng với đất đai và đa dạng sinh học vùng này đã giúp họ sinh tồn ra sao.

Họ đã nuôi trồng các loại thủy sản khác nhau tùy nước ngọt, mặn, lợ theo mùa. Họ hiểu rừng ngập mặn và biết chung sống tự nhiên, hài hòa với hai mùa mưa nắng ở đây. Độc đáo là người dân biết giá trị của nước mặn và nước ngọt để khai thác phục vụ sinh kế của mình. Ví dụ, bà con đã trồng lúa trong mùa mưa và nuôi tôm trong mùa khô trên cùng một cánh đồng; hoặc làm mô hình lúa - cá đồng... Họ biết tính toán sử dụng nước mưa hoàn hảo qua việc phát triển các mô hình vườn dừa, vườn cây ăn trái dựa hoàn toàn vào nước trời ở vùng mặn; hoặc trữ nước mưa xài quanh năm cho sinh hoạt hàng ngày bằng giếng tròn, lu, khạp, mái... Đồng thời, họ khai thác kinh tế biển như phát triển nuôi trồng, đánh bắt, làm dịch vụ biển, du lịch biển.

Do vậy, ai bảo vệ tài nguyên tổng hợp ven biển và trên biển để nâng cao sinh kế của người dân thì người dân rất vui và sẵn sàng chia sẻ.

Miệt vườn

Có năm “tiểu vùng giữa”, là những tiểu vùng trù phú về cây ăn trái cặp sông Tiền, sông Hậu thuộc Tiền Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Dân số và đời sống vật chất, văn hóa ở năm tiểu vùng này phát triển cao hơn các tiểu vùng khác vì từ thời kỳ đầu khai hoang, người dân đã biết chọn chỗ có nước ngọt quanh năm và những vùng trù phú ven sông để sống.

Miệt đồng

Còn gọi là miệt ruộng, là tiểu vùng của nghề trồng lúa là chính. Trong đó, nơi nào ngập sâu (60 cen ti mét) thì nông dân trồng “lúa mùa muộn - cấy hai lần”, gặt lúa sau Tết hàng năm. Nơi nào ngập vừa (30-40 cen ti mét) thì nông dân cấy “lúa mùa trung” và gặt ngay Tết. Nơi nào đất nông thì trồng “lúa mùa sớm” và gặt trước Tết. Nơi nào gần sông và thuận tưới tiêu thì phát triển “lúa cao sản” như IR8; IR5...

Ở miệt đồng này, người dân miền Tây Nam bộ đã làm nên một nền văn hóa lúa nước vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, đã có hơn 2.000 giống lúa mùa với gen rất quý cho chọn tạo giống chống chịu với BĐKH.

Cần nói thêm giá trị cốt lõi về ngành hàng chủ lực ở bốn miệt thuộc năm tiểu vùng sinh thái ĐBSCL hiện nay. Năm 1985, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ĐBSCL chỉ đạt 400 triệu đô la Mỹ. Đến năm 2012 là 15,4 tỉ đô la Mỹ, trong đó, nông sản 7,8 tỉ đô la Mỹ, thủy sản 4,2 tỉ đô la Mỹ, lâm sản 2,74 tỉ đô la Mỹ. So với cả nước, riêng lúa gạo, đồng bằng này đã sản xuất hơn 50% sản lượng, với hơn 90% xuất khẩu, thu 3 tỉ đô la Mỹ/năm; thủy sản hơn 60% sản lượng và góp khoảng 80% xuất khẩu, thu trên 3 tỉ đô la Mỹ/năm. Ngành chăn nuôi, trồng cây ăn trái và rau màu đã cung cấp một lượng lớn cho thị trường trong và ngoài nước.

Tuy vậy, hiện nay miệt đồng đã không còn rõ về ranh giới sinh thái như ông bà để lại. Vì phải phục vụ cho an ninh lương thực, việc phát triển thủy lợi và xây dựng đê bao nay đã lấn sâu vào vùng bưng và cả vùng biển để trồng lúa.

Người dân ĐBSCL đã đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực và xuất khẩu, nhưng hiện có khoảng 1,4 triệu hộ trồng lúa đang bị tổn thương vì nghèo khó khi sống trong miệt đồng này. Cần sớm có chính sách cụ thể để nâng cao sinh kế của họ. Qua đó, tái tạo được các giá trị cốt lõi của các tiểu vùng sinh thái trong bốn miệt bưng - biển - vườn - đồng như vừa nêu. 

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Đại học Cần Thơ  
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo