Ashui.com

Wednesday
Dec 04th
Home Tương tác Góc nhìn Nghệ thuật đường phố: Văn minh xa vời

Nghệ thuật đường phố: Văn minh xa vời

Viết email In

Nhìn từ vụ cậu bé kéo đàn ở phố đi bộ Bờ Hồ bị lực lượng kiểm tra liên ngành “truy” giấy phép mới thấy đường tới văn minh đô thị để Hà Nội trở thành Paris như hoài bão của thương gia Bạch Thái Bưởi còn xa lắm!  


Phố đi bộ khu vực hồ Gươm đã tổ chức gần 1 năm nhưng hiệu quả chưa được như kỳ vọng. 

Có lẽ không cần nhìn đâu xa, chúng ta thử mở tầm mắt sang Thượng Hải cũng học được nhiều điều. Cá nhân tôi không chọn Thượng Hải để đi tham quan thắng cảnh, không chọn Thượng Hải chỉ để mua sắm một món đồ xa xỉ mặc dù có câu “đến Bắc Kinh mới thấy mình quan bé, đến Thượng Hải mới thấy mình ít tiền”; tôi không chọn Thượng Hải để ăn những món ngon... Nhưng nếu được trở lại, tôi vẫn chọn Thượng Hải, đơn giản vì để lại được hòa mình vào không khí vui nhộn, yêu đời và tự tin của người dân Thượng Hải. 

Nếu như ban ngày “dòng sông” người trên con phố Nam Kinh nườm nượp khách du lịch thì ban đêm nó thực sự trở thành những sân khấu tự phát để người dân Thượng Hải bày tỏ niềm hiếu khách. 

Sau một ngày lê bước dạo trên khắp các khu phố, cảm nhận những sắc thái khác nhau của Thượng Hải, buổi tối du khách dễ bị hút hồn bởi những sàn nhảy tự do trên phố Nam Kinh. Khoảng từ 19-21h mỗi ngày, những nhóm người từ trung đến cao tuổi chủ yếu là phụ nữ, với một dàn máy thu thanh gắn loa công suất vừa phải tổ chức dancing (nhảy múa). Họ không có gì khác biệt với hình ảnh các bà, các mẹ của ta, cũng tóc rối buộc gọn, những khuôn mặt nhàu nếp nhăn và không trang điểm, nhưng họ vui vẻ, uyển chuyển và nhanh nhẹn kỳ lạ. Phần nhạc đệm chỉ sử dụng các bài hát tiếng Trung, những giai điệu vui tươi như níu bước du khách dừng chân hòa mình vào điệu nhảy.

Tôi không biết nhảy nên chỉ đứng xem, cô bạn đi cùng cũng võ vẽ biết khiêu vũ nên tối nào cũng háo hức, chờ chực mặc dù chỉ dám mon men nhún nhảy... ngoài rìa. Không ít du khách cũng giống chúng tôi, suốt mấy ngày ở Thượng Hải tối nào cũng chạm trán tại “sàn nhảy” di động này. Nhìn những người bà, người mẹ yêu đời trên đường phố Thượng Hải, tôi cứ thắc mắc mãi họ có hay không những áp lực cơm áo gạo tiền, những mối lo bệnh tật của người cao tuổi, những bận rộn một kiếp “ô sin” cho con cho cháu... như các bà, các mẹ mình không nhỉ?

Tôi không hiểu chính quyền Thượng Hải có chính sách hỗ trợ kinh phí cho những nhóm sinh hoạt cộng đồng trên đường phố như thế này không, nhưng chẳng riêng gì những nhóm dance-sport, những nhóm tạp kỹ ca múa cũng hấp dẫn, náo nhiệt không kém mà ở đó, ai cũng có thể tham gia khoe giọng cho mọi người cùng thưởng thức.

Những người cao tuổi trên phố Nam Kinh đã cho tôi cái nhìn mới về người già, về cuộc sống chất lượng.

Có nhất thiết phải chăm chăm “móc túi” du khách bằng mọi giá, khiến họ ngán ngẩm chẳng có ấn tượng gì để trở lại hay không? Đâu là cơ hội để bày tỏ sự mến khách, thân thiện của người dân bản địa?... Đó là những câu hỏi đáng để quan tâm dành cho những nhà quản lý và phát triển du lịch đô thị nước ta, nếu thực sự muốn có một ngành du lịch bản sắc và ấn tượng.


Những tiết mục đặc sắc chỉ diễn ra trong các dịp lễ hội trên phố đi bộ.


Những ngày thường, khu vực này các hoạt động khá nghèo nàn, chưa đủ sức hấp dẫn du khách cùng tham gia.

Còn 02 tháng nữa là kỷ niệm tròn 01 năm Hà Nội chính thức tổ chức phố đi bộ, tôi cảm nhận Hà Nội có đủ mọi yếu tố như Nam Kinh (Thượng Hải), ngoại trừ tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật đường phố còn phải học nhiều. 

Ước gì các nhà quản lý đô thị chịu khó ra ngoài mở mang tầm mắt, đổi mới tư duy, yêu Hà Nội hơn để thay đổi cách thu hút khách du lịch.

Tôi ủng hộ Thứ trưởng Vương Duy Biên khi cho rằng ở Hà Nội đang thiếu các hoạt động nghệ thuật đường phố lành mạnh, văn minh và đáng xem nên nếu có những hoạt động đó ngoài phố, nhất là phố đi bộ lại càng thêm vui.

Mình nên động viên một đứa trẻ dám ra nơi công cộng biểu diễn âm nhạc để phục vụ mọi người. Luật Nghệ thuật biểu diễn cũng không quy định hình thức biểu diễn như thế phải có giấy phép mới được biểu diễn. Bởi vậy, người ta đòi hỏi những người làm lĩnh vực an ninh trật tự phải biết phân biệt giữa biểu diễn âm nhạc đường phố với biểu diễn vì mục đích thương mại, cái gì cho phép, cái gì nên khuyến khích và cái gì không khuyến khích. Nếu những hoạt động biểu diễn đường phố gây ầm ĩ, gây mất mỹ quan đô thị thì mới phải cần nhắc nhở. Còn nếu những hoạt động biểu diễn văn minh, tạo ra sự hứng thú cho người xem thì cần phải khuyến khích. Đặt giả sử, cậu bé đứng biểu diễn ở vị trí chưa phù hợp, gây cản trở giao thông hoặc gây cản trở đối với những hoạt động khác thì nên nhẹ nhàng hướng dẫn, chứ không nên căng thẳng" - ông Biên bày tỏ. 

Huệ Anh 
(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo