Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Chuyện “quy trình” ở Sơn Trà

Chuyện “quy trình” ở Sơn Trà

Viết email In

Liên quan đến bản quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà ở thành phố Đà Nẵng (đã được phê duyệt ngày 9/11/2016), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị chưa triển khai quy hoạch này trong ba tháng tới để việc tiếp thu ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch được khách quan, toàn diện.  

Trước thời điểm tiến hành lập quy hoạch nói trên (2013), từ năm 2003-2012, Đà Nẵng đã chấp nhận cho 25 dự án tại bán đảo Sơn Trà, trong đó có 18 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch (từ 2013 đến nay không có thêm dự án nào). Trong số 18 dự án này có 11 dự án đầu tư vào lĩnh vực lưu trú với quy mô 5.049 phòng khách sạn. Về đất đai, 11/18 dự án nêu trên đã có quyết định giao, cho thuê đất với tổng diện tích 344 héc ta. Về chứng nhận đầu tư và tình hình triển khai, đã có bốn dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và ba dự án đã được đưa vào hoạt động. 

Trong khi đó, theo quy hoạch nói trên, quy mô phòng lưu trú tại đây là 1.600 phòng. 


Một góc của bán đảo Sơn Trà.
Ảnh : TL 

Sau khi bản quy hoạch được công bố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh theo hướng chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên, giữ nguyên hiện trạng (tức là khoảng 300 phòng đang được đưa vào sử dụng), không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú... 

Phó thủ tướng đề nghị trong ba tháng tới, UBND thành phố Đà Nẵng cần chủ động xem xét tất cả các vấn đề để có báo cáo chính thức với Thủ tướng về kiến nghị của hiệp hội, trong đó cần nêu rõ thành phố có chấp nhận kiến nghị về việc giảm quy mô phòng lưu trú hay không, nếu giảm thì giảm xuống bao nhiêu. Trong thời gian đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng tổ chức lấy ý kiến về các khía cạnh khoa học liên quan.

Mặc dù việc lập bản quy hoạch nói trên được cho là “đúng quy trình” và việc cấp phép đầu tư các dự án của Đà Nẵng thời gian qua được cho là “đúng thẩm quyền”, nhưng theo Phó thủ tướng, “tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng là phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm môi trường sinh thái”. Trước đó, trả lời báo chí, Phó thủ tướng nói: “Không có chuyện “đúng quy trình” thì sẽ “không xem xét” việc điều chỉnh quy hoạch, như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định và bị dư luận phản ứng gay gắt”.

Với tư duy không đánh đổi môi trường và trên tinh thần cầu thị này, có thể hiểu và hy vọng những gì không hợp lý sẽ được thay đổi, cho dù, có thể có những cái giá phải trả.

Thật ra, nếu không có kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì để thực hiện quy hoạch nói trên (mà Đà Nẵng đã đồng ý), Đà Nẵng cũng phải giảm quy mô phòng lưu trú từ 5.049 xuống 1.600 phòng. Bài toán đã có rồi, giờ có thêm kiến nghị của hiệp hội nữa thì vấn đề chỉ là việc tìm lời giải sẽ khó hơn mà thôi chứ không phải bị động hoàn toàn.

Quá trình rà soát lại các dự án và làm việc với các chủ đầu tư có thể không đơn giản nhưng chắc cũng không đến mức không có lối ra. Giống như gỡ cuộn chỉ rối, bắt đầu từ nút thắt đầu tiên, dễ thấy nhất. Những con số thống kê về dự án là vậy, nhưng với các dự án được phê duyệt từ năm 2003 tới nay mà vẫn chưa triển khai gì trên thực tế, có tính chất “xí đất” để đó, dự án mượn chiếc áo làm du lịch để kinh doanh bất động sản trá hình hay xây dựng sai phép, không phép... thì việc thu hồi giấy phép không phải không có căn cứ. Có thể thương lượng đổi đất ở chỗ khác cho doanh nghiệp hay kêu gọi tinh thần rút lui của chính doanh nghiệp. Thậm chí là bồi thường thiệt hại (nếu có)...

Tình huống của Sơn Trà hiện nay là bài học trực quan sinh động về mối quan hệ và sự lựa chọn không đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, về cách thức làm quy hoạch, định hướng kinh doanh du lịch. Chuyện đúng quy trình mà các cơ quan quản lý nhà nước hay nại ra mỗi khi có vấn đề phát sinh sẽ trở nên vô nghĩa nếu trước khi thực hiện nó, ta đã không có quy trình đúng. Như với quy hoạch Sơn Trà, quá trình xem xét lại nên bắt đầu từ việc “kiểm kê” tài sản thiên nhiên, xem nó giá trị đến mức nào đối với người dân và trong mối tương quan với hệ sinh thái chung, để biết cần có mức độ giữ gìn ra sao trước khi tính đến chuyện khai thác tới đâu. Ý kiến của các nhà khoa học cần được lắng nghe đúng với vai trò quan trọng của yếu tố khoa học.

Trong bản kiến nghị khác vừa gửi cho Quốc hội, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng lưu ý rằng Việt Nam đã tham gia “Tuyên bố Cape Town 2002 về du lịch có trách nhiệm”. Vì vậy, cần bổ sung những cơ sở, những căn cứ pháp lý mà Quốc hội đã thông qua về tính nghiêm ngặt của việc bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bảo vệ rừng đặc dụng. Cũng cần nhìn lại tính “có trách nhiệm” này từ phía các doanh nghiệp và địa phương, khi trong nhiều trường hợp, động cơ lợi nhuận của doanh nghiệp và chạy đua thành tích thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế của địa phương gặp nhau ở một nơi không có mặt của những tiếng nói vì môi trường.

Hy vọng với bài học mang tên Sơn Trà, thế “sự đã rồi” trên cái nền “đúng quy trình” như bấy lâu nay không lặp lại. 

Nguyên Lê 
(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo