Thiếu vắng công trình xanh dù quy định đã đầy đủ

Thứ năm, 09 Tháng 3 2017 16:28 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Các tòa nhà cao tầng đang và sẽ là các công trình tiêu thụ nhiều điện năng nhất. Song, dù đã có những quy định về công trình xanh nhưng tới nay số lượng công trình xanh vẫn rất ít, chủ yếu là các công trình công nghiệp. 

Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp và lối sống trung lưu, trong đó có việc sử dụng điều hòa thường xuyên, là nguyên nhân dẫn đến việc tăng cao mức tiêu thụ điện ở các thành phố lớn ở Việt Nam.  


Một công trình được chủ đầu tư quảng cáo là công trình xanh trên đường Lê Văn Lương kéo dài, quận Hà Đông, Hà Nội
(Ảnh: Thùy Dung) 

Ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Tiểu ban tăng trưởng xanh thuộc EuroCham, cho biết thiết kế tòa nhà là một cách hợp lý để có thể góp phần hạn chế lượng điện tiêu thụ trong 25 năm tiếp theo của vòng đời tòa nhà. 

Theo ông, việc xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn sơ khai với chỉ khoảng 40 công trình trong nước được cấp giấy chứng nhận công trình xanh, trong đó phần lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp. Điều này là do giá điện thấp nên các doanh nghiệp chưa có nhu cầu giảm thiểu chi phí và chưa được hưởng các chính sách ưu đãi.

Từ năm 2010, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã áp dụng một số biện pháp nhằm tăng nhận thức của người dân và doanh nghiệp về công trình xanh cũng như nỗ lực giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng và khí thải xuống. Ví dụ như việc ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg (gạch không nung chiếm 30-40% đến năm 2020), Chỉ thị số 10/CT-TTg và Thông tư 09 /2012/TT-BXD (100% dự án nhà nước và các công trình từ 9 tầng trở lên phải sử dụng hơn 50% vật liệu xây không nung) và Nghị định 121/2013/NĐ-CP (áp dụng mức phạt 20-30 triệu đồng đối với các cá nhân vi phạm). Tuy nhiên, theo EuroCham, các quy định này chưa được thực hiện hiệu quả.

Ngoài ra, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (VEEBC) được Bộ Xây dựng ban hành năm 2013 có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Quy chuẩn này quy định đầy đủ và phản ánh các chuẩn mực quốc tế cũng như các chỉ tiêu trong nước. Tuy nhiên, quy chuẩn này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi và các công trình vẫn không bị buộc phải tuân thủ để được cấp giấy phép xây dựng.

Trên thực tế, nhiều chủ sở hữu công trình đã biết đến khái niệm công trình xanh và tiêu chuẩn xanh đã được quan tâm nhiều hơn trong 2-3 năm trở lại đây. Hơn 100 công trình đã và đang xin cấp chứng chỉ Công trình Xanh tại Việt Nam.

EuroCham đề nghị Chính phủ khuyến khích chủ công trình xây dựng xin cấp chứng chỉ Công trình Xanh. Bên cạnh các loại chứng chỉ công trình xanh quốc tế được sử dụng tại Việt Nam như Chứng chỉ Định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường (LEED) của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC) và Hệ thống Chứng chỉ Xanh EDGE của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Việt Nam cũng có một số loại chứng chỉ tương tự, ví dụ như Chứng chỉ Lotus của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC).

EuroCham sẽ hỗ trợ thúc đẩy công nhận nhiều hệ thống khác để sử dụng tại Việt Nam và tự thị trường sẽ chọn lọc hệ thống thiết thực và hữu ích. Những hệ thống này có thể được cấp giấy phép hoạt động dựa trên một số tiêu chí đơn giản, minh bạch, đáng tin cậy, và phù hợp với tiêu chuẩn đã được công nhận.

EuroCham kiến nghị nên khuyến khích tất cả các công trình đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu của VEEBC để được cấp giấy phép xây dựng trong giai đoạn thiết kế cơ sở. Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thể áp dụng biểu giá điện, trong đó công trình tiêu thụ năng lượng thấp sẽ được hưởng giá thấp hơn và công trình có mức tiêu thụ cao sẽ bị áp mức giá cao.

Theo ông Tomaso Andreatta, có rất nhiều giải pháp xây dựng bền vững trên thị trường. Các giải pháp đã được áp dụng trong một số nghiên cứu điển hình về công trình xanh. Do đó, EuroCham kiến nghị nên có dự án thí điểm ở cấp vĩ mô để xác định các ưu đãi và chính sách khi áp dụng các giải pháp này. Ngoài ra, cũng cần có thiết kế quy hoạch đô thị rõ ràng, trong đó không chỉ có công trình xanh mà cả các giải pháp cải thiện vấn đề về nước, chất thải, giao thông, môi trường sinh sống, hướng tới tầm nhìn về một thành phố thông minh.

Theo các doanh nghiệp bất động sản, việc áp dụng công trình xanh đối với các sản phẩm văn phòng hoặc bất động sản công nghiệp thì người vận hành sau này sẽ là người được hưởng lợi từ việc tiết kiệm các chi phí vận hành như điện, nước… Trong khi đó, nếu phát triển các dự án bất động sản căn hộ chủ yếu như là hình thức để quảng bá các sản phẩm bất động sản của mình trong khi lợi ích người người dùng được hưởng lợi.

Ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường, một trong những tập đoàn định hướng xây dựng công trình xanh đạt chứng chỉ EDGE của IFC trong tất cả các công trình xây dựng của mình đến năm 2020, cho biết việc áp dụng các tiêu chuẩn này sẽ giúp các công trình giảm được 20-27% năng lượng tiêu thụ nhưng lại làm tăng chi phí xây dựng sản phẩm từ 2% đến 5%, thậm chí có những công trình đội chi phí lên tới 19%, tùy thuộc vào độ thông minh trong thiết kế. Song, không phải vì xây dựng xanh mà buộc khách hàng phải trả giá thêm cho sản phẩm của mình, bởi giá căn hộ hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố cung cầu của thị trường. Do đó nhiều doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc này. 

Ông Poul E. Kristense, cố vấn kỹ thuật cấp cao của IFC, chuyên gia kỹ thuật cấp cao của UNDP/GEF, cho biết theo kinh nghiệm của Đan Mạch, cần có sự điều tiết của nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển các công trình xanh. Theo đó, thay vì xây dựng các nhà máy điện mới, nhà nước nên hỗ trợ xây dựng các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, thậm chí la công trình zero energy (năng lượng tiêu thụ bằng 0) để giảm sử dụng năng lượng hóa thạch. 

Thùy Dung 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: