Nghĩ về giao thông đô thị Hà Nội

Thứ tư, 25 Tháng 1 2017 15:35 Báo Xây dựng
In

Những ngày cuối năm cũ, dân tình Hà Nội nao nức hẳn lên với việc tuyến xe buýt nhanh (BRT) đầu tiên từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) dài khoảng 14,5km, với nguồn vốn đầu tư hơn 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng) vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), được đưa vào sử dụng. Do mới chạy thử kỹ thuật, nên bà con sẽ có cả một tháng được nhà xe cho đi miễn phí để làm quen với phương tiện giao thông mới mẻ này. Gọi là mới bởi vì cũng là xe buýt thôi, nhưng BRT có nội thất tiện nghi hơn, người ngồi, người đứng thoải mái hơn, lên xuống xe thuận tiện hơn, phù hợp với mọi đối tượng kể cả người khuyết tật phải di chuyển bằng xe lăn, chở được lượng hành khách gấp đôi xe buýt truyền thống (gần 100 người) và nhất là do có làn đường ưu tiên riêng nên xe chạy nhanh hơn, tần suất chuyến cũng nhiều hơn (khoảng từ 5 đến 10 - 15 phút lại có một chuyến). Dự án BRT với 8 tuyến BRT lập từ đã lâu, cũng ngót nghét 10 năm nhưng giờ mới hoàn thành đưa vào sử dụng được một tuyến. Quá chậm, thật đáng tiếc, cho dù vì nhiều nguyên nhân nào đó.  

Hà Nội là đại đô thị, rộng hơn 3.324km2, là một trong số 17 TP lớn nhất thế giới, nhưng Hà Nội lại có hệ thống giao thông công cộng thiếu và yếu nhất. Kể từ khi Thủ đô được giải phóng (tháng 10/1954) đến nay cũng đã 62 năm, nhưng phương tiện giao thông công cộng duy nhất vẫn chỉ là xe buýt thường, với hàng trăm xe cũ kỹ, tiện nghi không đảm bảo cho người sử dụng. Cho dù Hà Nội đã 7 lần lập Quy hoạch chung, rồi với hàng trăm quy hoạch chi tiết quy hoạch phân khu, lần nào trên các bản quy hoạch ấy, các tuyến giao thông đô thị và hệ thống giao thông công cộng cũng được đề xuất rất hoành tráng với tàu điện trên cao, tàu điện ngầm (gọi chung là đường sắt đô thị) và xe buýt nhanh, xe buýt thường. Thế nhưng, sự phát triển đô thị Hà Nội chả bao giờ đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch giao thông, bởi lẽ, Hà Nội là đô thị hay điều chỉnh quy hoạch nhất, Quy hoạch sau điều chỉnh quy hoạch trước, cho dù quy hoạch trước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngay như vừa mới đây, quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt chưa lâu giờ cũng lại bị điều chỉnh bởi Quy hoạch chung Vùng Thủ đô… Cái sự hay thay đổi và điều chỉnh này ắt có lý do (khách quan và chủ quan), nhưng rõ ràng nó bộc lộ hai điểm yếu chết người của phát triển đô thị, đó là tầm nhìn trong lập quy hoạch và khả năng quản lý quy hoạch đô thị. Và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến giao thông hỗn loạn, thậm chí còn mất kiểm soát như hiện nay ở Hà Nội, cho dù chính quyền TP đã có nhiều nỗ lực. 

Cách đây 10 năm (vào năm 2007), khi lập dự án giao thông công cộng với 8 tuyến BRT (tổng chiều dài là 205km) và 8 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 400km vừa chạy trên cao và vừa chạy dưới lòng đất (metro) thì Hà Nội mới có hơn 4 triệu người, nhưng chỉ 1 năm sau Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, với việc sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn - Hòa Bình, thì đến nay dân số Hà Nội đã lên tới hơn 7,5 triệu người với hơn 5 triệu xe máy, gần 500 ngàn ôtô các loại, 10 ngàn xe đạp. Tính trung bình mỗi năm xe ôtô tăng 17%, xe máy 11% (theo số liệu thống kê năm 2015). Dù đã rất cố gắng với nguồn lực đầu tư nhiều tỷ USD bằng các nguồn khác nhau để cải tạo, mở rộng và xây dựng mới hệ thống hơn 4.000km đường giao thông đô thị với các đường phố, đại lộ xuyên tâm, các đường vành đai 2 - 3 - 4 kết nối… nhưng do thiếu vắng hệ thống phương tiện giao thông công cộng nên hệ thống đường giao thông hiện đại kia vẫn không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tắc nghẽn giao thông ngày một tăng, trở thành nỗi khiếp sợ ám ảnh mỗi khi ai đó phải ra đường. Và tắc nghẽn giao thông cũng đã gây ra hậu quả rất lớn về ô nhiễm môi trường, về tai nạn giao thông, và làm thiệt hại cho TP này mỗi ngày tới 41 tỷ đồng?! 


2. Tôi là người gắn bó cả đời với TP thân yêu này, chứng kiến bao đổi thay của Hà Nội. Thế nhưng, trước một Hà Nội ngày hôm nay có diện mạo kiến trúc đô thị hiện đại, khang trang với hàng trăm ngàn tòa nhà mới cao tầng, kiến trúc đa phong cách; những cây cầu qua sông Hồng, những cây cầu vượt, cầu hầm qua các đại lộ, nút giao thông lớn… tạo nên một hình ảnh lãng mạn về Hà Nội sau 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, nhưng lại cứ luôn bị tắc đường kẹt xe, hỗn loạn khi tham gia giao thông, tôi không khỏi không suy nghĩ về một Hà Nội của những năm 80 của thế kỷ trước với tiếng chuông tàu điện “Leng keng… leng keng!” hằn sâu không thể nào quên với thế hệ chúng tôi. Nhắc đến không phải là hoài cổ, là níu kéo quá khứ, mà nhắc đến để suy nghĩ về một cách làm quy hoạch, một tầm nhìn trong quy hoạch Hà Nội của người Pháp cách đây hơn một thế kỷ. 

Năm 1884, khi bắt đầu thực hiện quy hoạch Hà Nội theo kiểu đô thị châu Âu bằng việc xây dựng lại các đường phố trong khu phố cổ theo hình ô bàn cờ và các tuyến phố mới rộng rãi với rất nhiều biệt thự mà ta gọi là khu phố Tây cùng với việc làm cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, xây Nhà hát Lớn, tòa Đốc lý, Phủ Toàn quyền, Nhà Bưu điện, Nhà Ngân hàng, các Trường đại học Y-Dược, Trường Mỹ Thuật Đông Dương, các bệnh viện như Phủ Doãn, Bạch Mai… thì ngay từ năm 1890, Hà Nội còn rất vắng, mới chỉ có khoảng 7 vạn dân, diện tích chưa đến 120km2, người Pháp đã tiến hành lập dự án giao thông công cộng đầu tiên ở Hà Nội (và cũng là ở Đông Dương) để khai thác, bằng việc thành lập Nhà máy xe điện, đặt tại đầu làng Thụy Khuê. Năm 1900, tuyến tàu điện thứ nhất được khánh thành bắt đầu từ ga xe điện ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm (vị trí tòa nhà Hàm cá mập hiện nay) chạy qua chợ Đồng Xuân, Quán Thánh và lên Thụy Khuê (vài năm sau nối lên đến chợ Bưởi). Rồi tiếp các năm sau là tuyến Bờ Hồ - Hàng Bông - Nguyễn Thái Học, qua Giám - Hàng Bột vào đến Cầu Đơ - Hà Đông. Cho đến năm 1929, từ ga trung tâm ở Bờ Hồ, đã có 6 tuyến xe điện chạy lên Yên Phụ, lên Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống chợ Mơ, qua Vọng, nghĩa là tỏa ra 6 cửa ô nối nội đô với ngoại thành. Các tuyến xe điện này (thường kéo dài bằng hai toa) cần mẫn trong nhiều thập kỷ chuyên chở nhiều triệu lượt người và hàng hóa an toàn, thuận tiện và giá rất rẻ (tính bằng xu thời đó) đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của lịch sử phát triển đô thị Hà Nội. Sáu tuyến tàu điện mà người Hà Nội thường quen gọi là tàu điện Bờ Hồ tồn tại đến tháng 02/1990 thì bị ngừng hoạt động để nhường chỗ cho những phương tiện giao thông công cộng mới hiện đại hơn, hoành tráng hơn phù hợp với một Hà Nội đang phát triển theo hướng văn minh, hiện đại của thời đổi mới. Hệ thống đường ray bị bóc dỡ cho vào lò nấu thép để tái chế, còn các đầu tàu và gần trăm toa tàu thị bị xếp vào bãi và rồi (nghe nói) về sau chúng được bán theo giá phế liệu cho một nước ở châu Âu nào đó để họ tái sử dụng lại, như một chứng nhân của lịch sử phát triển tàu điện?! Khi ấy tôi và rất nhiều người Hà Nội vô cùng tiếc nuối. Vắng tiếng chuông tàu điện “Leng keng… leng keng” thân thuộc từ sáng sớm tinh mơ cho đến đêm khuya mà cứ thấy lòng mình rưng rưng.

3Thời gian trôi thật nhanh, nếu tính từ khi tiếng chuông tàu điện cuối cùng chạy từ ga Bờ Hồ lịm tắt, cho đến chiếc xe BRT đầu tiên khởi hành từ bến xe Kim Mã thì cũng đến 27 năm. Cần ấy thời gian cho một phương tiện giao thông công cộng mới thay thế! Liệu có quá chậm không? Khi mà trong khoảng thời gian ấy, Hà Nội đã có bao biến đổi. Một Hà Nội lớn hơn, đông dân hơn, nhiều nhà cao tầng, khu đô thị mới hơn, vâng rất nhiều cái hơn! Chỉ có phương tiện giao thông công cộng là không thay đổi với chỉ loại xe buýt thường. Bây giờ xe buýt nhanh chạy rồi, bắt đầu từ bến xe Kim Mã, qua Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn rồi dừng ở Trạm cuối cùng là bến xe Yên Nghĩa - Hà Đông. Nó được ưu tiên lắm (vì là BRT) có làn đường riêng, các loại phương tiện khác cấm được lấn làn (nếu không muốn bị phạt), và cũng bị cấm hoạt động trong mấy giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều. Đã có rất nhiều luồng dư luận khác nhau, hy vọng có và thất vọng hoài nghi về hiệu quả hoạt động của loại xe BRT này cũng có (?!). Thôi thì cứ phải tập quen dần, khi mà văn hóa giao thông được nâng lên, khi người dân quen chấp hành luật giao thông mỗi khi ra khỏi nhà, khi mà TP này có thêm 7 tuyến BRT nữa và các tuyến đường sắt đô thị (chạy trên cao và cả chạy chui ngầm dưới lòng đất) đưa vào hoạt động, thì chắc chắn rằng, lúc ấy chả cần chính quyền ra lệnh cấm hay hạn chế đi ngày chẵn, ngày lẻ… thì người dân Thủ đô, trong đó có cả tôi cũng sẽ tự bỏ xe máy, ôtô cá nhân mà vui vẻ thảnh thơi du ngoạn ngắm nhìn TP thân yêu của mình trên các phương tiện giao thông công cộng hiện đại ấy với niềm hãnh diện và tự hào! 

Mong sao ngày đó sớm đến gần! 

(Hà Nội những ngày cuối năm cũ - đầu năm mới con Gà) 

KTS Phạm Thanh Tùng 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: