Hà Nội: Lỗ hổng của quy chế quy hoạch, cấp phép nhà cao tầng

Thứ ba, 03 Tháng 1 2017 06:44 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Chưa đầy một ngày sau khi phê bình UBND TP Hà Nội về việc cấp phép tràn lan nhà cao tầng trong nội đô tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình cao tầng.  


(ảnh minh họa: Zing.vn) 

Thủ tướng yêu cầu sửa Quyết định 11

Kết luận tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 29/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông có phần do thành phố cho xây quá nhiều nhà cao tầng trong nội đô. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, không có một lý thuyết quy hoạch nào để Trung tâm Giảng Võ (Hà Nội) xây dựng chung cư 50 tầng, mấy ngàn căn hộ. Thậm chí ông còn đặt câu hỏi: “Quy hoạch nào cho phép?”. 

Yêu cầu của Thủ tướng là các địa phương, nhất là Hà Nội và TPHCM, cần nghiêm túc rà soát lại, chấn chỉnh kịp thời việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng công trình cao tầng, không được vì lợi ích trước mắt mà quên lợi ích của cộng đồng. Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách Nhà nước đổ vào cũng không đủ giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng.

Vấn đề tưởng tạm dừng ở đó. Nhưng ngay sáng ngày 30/12, Thủ tướng đã ra văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình cao tầng theo Quy hoạch xây dựng thủ đô và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội thành (Quyết định số 11/2016/UBND TPHN). Đặc biệt, ông yêu cầu sửa đổi Quyết định 11; theo đó UBND TP Hà Nội không được đẩy trách nhiệm cho Thủ tướng trong những quyết định thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình. 

Tại Quyết định 11 do UBND TPHN ban hành 4/4/2016 về Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội, có nêu nguyên tắc quản lý (Điều 3): "Chỉ cho phép xây dựng công trình cao tầng trong các trường hợp quy định tại các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị, tuân thủ quy định tạị Điều 6,7,8,9 của quy chế. Trường hợp khác với quy định này (ngoài vị trí, vượt quá quy mô cho phép) sẽ do UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định".

Như vậy, có thể hiểu nguyên nhân Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải nhanh chóng sửa quy chế nêu trên là do đâu, nhất là việc cấp địa phương né tránh trách nhiệm, đẩy hết cho trung ương trong những trường hợp phê duyệt quy hoạch ngoài vị trí và quy mô cho phép. 


(ảnh minh họa: Zing.vn) 

Quyết định 11 nói gì về dự án vượt tầng?

Theo Quyết định 11 do UBND TP Hà Nội ban hành, khu vực Giảng Võ-Láng Hạ, mà cụ thể là phố Láng Hạ (đoạn từ nút giao với đường Cát Linh đến nút giao với đường La Thành) được quy định tối đa là 21 tầng, chiều cao tối đa là 76 mét. Vậy tại sao lại có dự án được cấp phép xây đến 50 tầng, gấp đôi số tầng cho phép? 

Chuyện này lại phụ thuộc vào điều kiện riêng. Điều 7 của Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội ghi: "Khu triển lãm Giảng Võ xây dựng công trình cao tầng làm điểm nhấn, phù hợp với quy định tại Điều 9 của quy chế". Còn tại Điều 9 (khu vực điểm nhấn đô thị) tại khu vực triển lãm Giảng Võ lại ghi chung chung: "Đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, kết nối không gian công cộng với không gian xanh và hồ". Đồng thời nhấn mạnh: "Chiều cao cụ thể sẽ được xác định trong quá trình triển khai thực tế hoặc thiết kế đô thị được duyệt".

Điều kiện mở này khác nào cho phép chủ đầu tư dự án bất kỳ tại khu vực triển lãm Giảng Võ được “xé rào” quy chế chung để xây đến 50 tầng, “nhấn chìm” toàn bộ hạ tầng giao thông và cảnh quan khu vực Giảng Võ cũng như vùng lân cận. 

Lan Nhi 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: