Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Thị trường thép và Formosa

Thị trường thép và Formosa

Viết email In

Việc tiêu thụ sản lượng thép của Formosa trong bước 1 của giai đoạn đầu tư đầu tiên (7,5 triệu tấn/năm) trên thị trường hiện nay không phải là vấn đề họ phải đối phó. Vấn đề là họ sẽ cạnh tranh về giá như thế nào. 

Cuối năm 2007, Formosa gửi thư quan tâm đầu tư. Một tháng sau thì được cấp phép khảo sát. 12 ngày sau đó, Formosa xây dựng xong báo cáo đầu tư và được phép trình Thủ tướng. Đầu tháng 3/2008, Formosa đã có giấy phép đầu tư. Đó là lúc kinh tế thế giới chưa đi vào suy thoái, nhưng sau này dù có suy thoái, tiến độ xây dựng của Formosa cũng không bị ảnh hưởng.  


Khủng hoảng kinh tế thế giới từ mùa thu năm 2008 tạo ra khủng hoảng thừa thép và làm giảm giá chưa từng thấy.
(Ảnh: daidoanket.vn) 

Thị trường thép Việt Nam còn dung lượng để hấp thụ

Năm 2014, Việt Nam sản xuất 5,8 triệu tấn thép thô, nhưng tiêu dùng lên tới 16,8 triệu tấn, như vậy Việt Nam phải nhập (thuần) 11 triệu tấn thép thô (xem bảng 1). Cũng cần nói qua là thống kê này là do Hiệp hội Thép thế giới biên soạn và xuất bản, tính theo số tương đương thép thô, để giải quyết việc tổng hợp các sản phẩm rất khác nhau, từ quặng, sắt thô sơ chế và thành phẩm, mà người sản xuất có thể tham gia vào các giai đoạn khác nhau, do đó mà số liệu về thép do Tổng cục Thống kê Việt Nam xuất bản tỏ ra không hữu ích vì không thể so với nước khác. 

Với số liệu trên, nhu cầu thép ở Việt Nam là có và đang tăng khá mạnh. Và nhu cầu này tăng trở lại từ sau năm 2011. Sản lượng dự kiến trong giai đoạn đầu của Formosa là 7,5 triệu tấn thép thô có thể đáp ứng nhu cầu, thay thế thép Việt Nam đang phải nhập.

Nhưng không đơn giản thế, vấn đề còn là giá. Liệu thép Formosa sản xuất ra có cạnh tranh được lượng thép dư thừa và chính sách phá giá ở Trung Quốc không?

Nhưng thị trường Trung Quốc và thế giới đang thừa, nên giá tụt dốc

Trung Quốc hiện nay là một gã khổng lồ trong sản xuất thép. Sản lượng của Trung Quốc năm 2015 là 804 triệu tấn thép thô, chiếm hơn 50% thị trường thế giới. Không chỉ thế, nó nằm ở châu Á, trung tâm của sản xuất thép, chiếm tới gần 70% thị trường thế giới. Nếu tính từ năm 2000-2014, sản lượng thép trên thế giới tăng 96% thì của Trung Quốc tăng 640%, giúp Trung Quốc tăng thị phần thế giới từ 16% lên 50% (tính từ số liệu của Hiệp hội Thép thế giới về tiêu dùng thép của Trung Quốc và thế giới giai đoạn 2005-2014, tính theo thép thô tương đương).

Khủng hoảng kinh tế thế giới từ mùa thu năm 2008 tạo ra khủng hoảng thừa thép và làm giảm giá chưa từng thấy (xem bảng 3). Trung Quốc cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng. Dù Trung Quốc cố gắng đẩy mạnh đầu tư sau năm 2008 để giữ mức phát triển cao, nhưng mức tăng trưởng vẫn giảm tốc, không còn như trước. Tiêu dùng thép năm 2014 tăng trưởng âm 3,3%. Năm 2015-2016 sẽ giảm ở mức âm 0,5%/năm.

Chiều hướng tiêu dùng thép ở thế giới, theo Hiệp hội Thép thế giới, cũng được dự báo tăng thấp trong hai năm 2015-2016, và ở Trung Quốc, dự báo giảm mỗi năm 0,5%.

Áp lực của Trung Quốc nhằm xuất khẩu khối lượng thép ngày càng dư thừa nhiều (như năm 2014 là 82 triệu tấn) là một trong những lý do chính đưa giá xuống. Để chống lại việc Trung Quốc bán phá giá lượng thép dư thừa, Mỹ đã ấn định thuế nhập khẩu 266% lên một số loại thép của Trung Quốc. 

Sự tồn tại của Formosa và việc bảo vệ môi trường

Formosa bắt đầu quá trình xin giấy phép năm 2008, lúc đó giá một tấn thép xuất khẩu trên thế giới là 1.200 đô la Mỹ và hiện nay còn 320 đô la Mỹ/tấn. Vậy thì liệu Formosa có thể tồn tại trong thời gian tới không?

Theo tính toán của chuyên gia, sử dụng số liệu giá nguyên liệu trên thị trường 2016, chi phí sản xuất 1 tấn thép thô theo phương pháp BOF (công nghệ lò thổi oxy) là 310 đô la Mỹ, trong đó chi phí lớn nhất là quặng sắt 80 đô la Mỹ (cần 1,56 tấn quặng), than 73 đô la Mỹ (cần 0,89 tấn), chi phí nguyên liệu phụ liệu khác 83 đô la Mỹ, điện 17 đô la Mỹ, lao động 16 đô la Mỹ, và chi phí khấu hao 54 đô la Mỹ. Giá lao động như thế chỉ bằng 5% giá thành. Sản xuất thép rõ ràng không phải là công nghệ tạo ra việc làm.

Về chống ô nhiễm, có hai thông số để xem xét nhằm ước lượng chi phí: (a) chi phí cần có tính theo phương pháp chuyên gia, (c) chi phí thực hiện.

Theo phương pháp chuyên gia, năm 2014, Mỹ chi 24,6 tỉ đô la Mỹ để khử ô nhiễm trong toàn bộ hoạt động sản xuất công nghiệp theo đúng luật bảo vệ môi trường ở Mỹ. Trong đó, 6,36 tỉ đô la Mỹ là nhằm khử ô nhiễm trong sản xuất 88,174 triệu tấn thép (làm sạch nước và khử chất thải tốn kém nhất với 4,55 tỉ đô la Mỹ; giải quyết CO2 nguồn gốc chính tạo ra hiệu ứng nhà kính trong công nghiệp tốn 1,81 tỉ đô la Mỹ). Như thế, Mỹ phải chi đến 74 đô la Mỹ để làm sạch môi trường khi sản xuất 1 tấn thép.

Theo điều tra thực địa - cuộc điều tra cuối cùng vì sẽ không còn tiếp tục - chi phí thường xuyên nhằm khử ô nhiễm dựa vào điều tra khử ô nhiễm trong công nghiệp 2005 của Cục Điều tra thống kê Mỹ (Bureau of Census) là 1,279 tỉ đô la Mỹ để sản xuất 94,9 triệu tấn thép thô. Như thế, chi phí thường xuyên để khử ô nhiễm (không kể chi phí đầu tư) để sản xuất 1 tấn thép là 13,5 đô la Mỹ vào năm 2005 và là 17 đô la Mỹ khi tính lại theo giá hiện hành năm 2016. Dù chi phí thực tế có thể rẻ hơn cách tính của chuyên gia, nhưng chi phí khử ô nhiễm không phải là rẻ. Ước lượng, để khử ô nhiễm khi sản xuất 7,5 triệu tấn thép một năm, Formosa phải chi khoảng 127 triệu đô la Mỹ.

Giá thành 310 đô la Mỹ để sản xuất 1 tấn thép như nói ở trên tất nhiên là chưa kể đến chi phí bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, có thể nói với việc giá thép chỉ có trên 300 đô la Mỹ/ tấn như hiện nay, Formosa sẽ làm mọi cách để sống còn bằng cách đẩy ô nhiễm cho người Việt Nam và môi trường Việt Nam chịu. Và ngay như thế họ cũng khó có lãi. Với giá quá thấp như hiện nay, các công ty sản xuất thép trên thế giới chỉ có lãi bằng 1,2% doanh thu, còn công ty Mỹ hoàn toàn lỗ.

Quả thật đây là một bài toán không đơn giản khi mời gọi đầu tư mà không tính toán. Tổ hợp Formosa không chỉ sản xuất thép mà còn dự định sản xuất dầu khí, là hai lĩnh vực trong công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng. Công nghệ sản xuất thép không mới, và gần như mọi nước tiên tiến có thể vừa sản xuất, vừa bảo vệ môi trường, trừ Trung Quốc. Do đó, hoàn toàn có thể giữ môi trường sạch nếu chính quyền Việt Nam nghiêm túc áp dụng luật pháp đòi hỏi Formosa thực hiện công nghệ bảo vệ môi trường theo đúng luật. 

Formosa được cấp giấy phép đầu tư, trên khu đất 3.300 héc ta, với ưu đãi gần như được cấp không trong 70 năm, nhằm xây dựng khu liên hợp Vũng Áng 28,5 tỉ đô la Mỹ. Khu này bao gồm khu gang thép, nhà máy điện, khu lọc dầu, với ba giai đoạn:

• Giai đoạn 1 (gồm hai bước): Bước 1, đầu tư liên hợp luyện gang thép và cảng công suất 7,5 triệu tấn/năm; Bước 2, sẽ nâng công suất lên 15 triệu tấn/năm; Tổng mức đầu tư bước 1 (gồm tổ hợp gang-thép và cảng biển Sơn Dương) khoảng 8 tỉ đô la Mỹ.

• Giai đoạn 2: Xây dựng tổ hợp nhà máy lọc dầu công suất 15 triệu tấn dầu thô/năm và 1,2 triệu tấn ethylene/năm;

• Giai đoạn 3: Xây dựng cảng Sơn Dương thành cảng tổng hợp phục vụ trung chuyển hàng hóa trong khu vực (gồm cả Bắc Thái Lan và Nam Lào). 

Vũ Quang Việt 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo