Hà Nội có thể là nơi cư ngụ thân thiện và sống tốt?

Thứ sáu, 03 Tháng 7 2009 20:45 Trần Huy Ánh
In

Thế nào là Thành phố thân thiện? 

Hội thảo quốc tế với chủ đề "Hà Nội: thành phố thân thiện và sống tốt cho cộng đồng" (Hanoi : a Livable City for all) do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Mỹ, Pháp, Thái Lan, Canada cùng nghiên cứu, trao đổi với các diễn giả Việt Nam hướng tới thống nhất giữa các nhà quản lý, nhà chuyên môn và cộng đồng về nhận thức, khái niệm "thành phố sống tốt" và lựa chọn mô hình thích hợp cho thủ đô Hà Nội.


Chợ Hoa tại khu Nghi Tàm - Quảng An, Hà Nội (ảnh: photobucket.com)  

GS Michael Douglass, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa, trường Đại học Hawaii (Mỹ), trao đổi về  "Tương lại đô thị Châu Á Thái Bình Dương: tập trung phát triển con người hay thị trường". Trong bối cảnh vài thập niên gần đây, xu hướng đô thị hoá Châu Á - Thái Bình Dương tăng dần với quy mô các dự án ngày càng lớn về diện tích, chiều cao và chi phí khổng lồ. Ví dụ như ở phía Nam Seoul (Hàn Quốc) những công trình siêu tập trung gồm các toà nhà 152 tầng, bao quanh là các khối cao 70-80 tầng. Mới mẻ hơn với U(biquitour)-Town, nơi các cư dân có thể sinh sống, làm việc, mua sắm và gặp gỡ bạn bè mà không phải ra khỏi toà nhà ấy. Như vậy, thành phố có còn cần đường phố và những không gian tự nhiên để cư dân TP có thể giao tiếp? vị trí của cư dân ở đâu trong TP? Liên hệ với Hà Nội, giáo sư Douglass cho thấy những thay đổi trong vài thập niên gần đây với những thách thức là Thành phố nên phát triển ưu tiên lợi ích kinh tế hay làm giàu hơn vốn văn hoá xã hội đô thị; nên chú trọng đến cơ chế vận hành của các tập đoàn hay ưu tiên sự tham gia của các cá thể trong xã hội.


Các thành tố của một Thành phố sống tốt: Sự phát triển của cá nhân, Môi trường sống tốt và Đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng (nguồn : Douglass và cộng sự, 2006) 

TS Mike Di Gregorio từ Quỹ Ford Việt Nam, là một chuyên gia về Quy hoạch đô thị, đã sống và làm việc tại Hà Nội 17 năm, TS Mike trình bầy những trải nghiệm của bản thân về Tp quê hương với những những biến đổi trong quá trình đô thị hoá qua bài tham luận "Những quan sát về cuộc sống đang thay đổi trong một thành phố". Hà Nội qua hai thập kỷ đầy thử thách, vẫn còn đó những tiềm năng văn hoá, nơi con người khát khao  về một viễn cảnh "Thành phố thân thiện" trong khi hàng ngày họ luôn nỗ lực sống thân thiện với chính Thành phố ấy - Phải chăng đây chính là sức sống mãnh liệt của Tp, nơi đã quyến rũ và níu giữ những người  đến từ phương xa như ông?

Một dự án đô thị : từ thân thiện đến xa cách

Năm 1992, Dự án Ciputra trình bày tại Hà Nội mô hình với sân golf cỏ mướt xanh, các khu nhà ở sang trọng và công trình công cộng lộng lẫy. Nó là ốc đảo giàu có biệt lập với thành phố bên ngoài, nơi đa số cư dân Hà Nội lúc ấy thu nhập vài USD/ ngày.

Vốn tư nhân 2,1 tỷ USD là con số khổng lồ. Dù nhận được nhiều chính sách ưu đãi, dự án vẫn bế tắc bởi cuộc khủng hoảng tài chính 1997, nhà đầu tư nước ngoài xin lùi thời gian đến năm 2000. Thay vì đầu tư một lúc 500 triệu USD, họ làm dần bằng vốn từ kinh doanh từ chính dự án, lại thêm được ưu đãi giảm nửa giá cho thuê đất.


Dự án Ciputra, minh hoạ bài viết của TS Lauent Pandlfi : “Dự án QH Hà Nội: những bất ổn trong việc chuyển sang QH theo cơ chế thị trường” 

Cuối năm 2004, trước 16 ngày thời điểm thay đổi giá đất tăng 8-10 lần, giai đoạn 2 được triển khai rộ lên những tranh luận quanh câu hỏi tại sao dự án cung cấp các bất động sản có giá trị thưong mại cao thì lại Thành phố lại giảm đi lợi ích tài chính do dự án đem lại?

Nhiều ý kiến xót xa cho vườn đào đã mất mà tiền bạc nộp vào ngân sách TP chả được là bao! Lần lữa mãi, cuối năm 2005, ông Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cũng tuyên bố hùng hồn “sẽ có 5 khu vực trồng đào, để dành gần 40 ha để giữ đào Nhật Tân” và TP Hà Nội đồng ý cho lập dự án “Bảo tồn và Xây dựng vườn đào Hà Nội” - công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhưng hoá là mừng hụt, vì sau đấy họ trả lời là rất tiếc là hết đất trồng đào, hay là ra ngoài đê trồng đào? - Nhưng làm thế thì vi phạm hành lang thoát lũ, thế thì đành bó tay!? 

Làm việc gì đem lại lợi ích chung cho cộng đồng thì khó khăn thế. Nhưng lúc cần lấy đất rộng thì vẽ sân golf, khi nhà bán đắt thì cấy thêm nhà… mọi chuyện tiến hành "êm ru" nhờ một nhóm nhỏ có phần lợi ích lại có vai trò trực tiếp thực hiện.

Khu đô thị mọc lên lớp lớp mái nhà “chà và” xa lạ, những "con ngựa điên" lồng lên trên nóc cổng chào, bảo vệ nai nịt chỉnh tề  đứng gác. Thay vì thân thiện thì họ lại cố ra vẻ khác biệt giữa cái đô thị dở dang này với bên ngoài. Đã có những căng thẳng ngay những cư dân của chính đô thị này với bộ máy quản lý khu đô thị.

Hà Nội có trở thành Thành phố sống tốt cho mọi người?

Năm 2008 có những thảo luận sôi nổi về sự minh bạch các dự án đô thị, giải trí, đặc biệt là phản đối sân golf lấy đất nông nghiệp. Tháng 6/2009, Thành phố công bố Quy hoạch giai đoạn 3 dự án : chính thức biến cái sân golf trong dự án Ciputra thành mặt nước hồ điều hoà, đất cây xanh cấp thành phố.


Từ hồ ao uốn lượn theo hình sân golf, chỉ cần khơi lại vài mương nước hiện có là có thể tạo thành một vùng có vành đai nước rộng ba lần mặt Hồ Tây hiện trạng

Nhìn cái ao uốn lượn theo hình sân golf trong bản vẽ, thật dễ dàng chuyển thành một dòng kênh xanh nối Hồ Tây với sông Nhuệ. Chỉ cần khơi lại vài mương nước hiện có là có thể tạo thành một vùng  có vành đai nước rộng ba lần mặt Hồ Tây hiện trạng. Vòng xuống phía Nam, khu Tây Hồ Tây cũng sẵn một kênh nước chạy suốt nối Hồ Tây với hồ nước trong công viên Hoà Bình. Chỉ cần mở rộng những con mương ngang dọc hiện trạng, khôi phục vài trăm mét đã bị ngầm hoá là nối chuỗi kênh dẫn, hồ nước này với sông Nhuệ, sông Tô Lịch là hình thành một hệ thống sông hồ liên hoàn với bao lợi ích. Đầu tiên là lợi ích tiêu thoát nước : dự án Ciputra có trạm bơm tiêu độc lập rộng 4 Ha phía Bắc Thành phố - đây sẽ là trạm bơm thứ hai, chia sẻ áp lực cho trạm bơm tiêu duy nhất hiện nay ở phía Nam là Yên Sở. Lợi ích thứ hai là cảnh quan sinh thái, việc lưu thông sẽ giảm thiểu ô nhiễm và mở ra khả năng du lịch sông hồ. Lợi ích thứ ba là mở lối liên thông cũng là khẳng định vai trò công cộng của cây xanh mặt nước, triệt thoái khả năng cát cứ không gian xanh chung đóng kín trong dự án.


Những đề suất trên nền bản vẽ quảng cáo Dự án Ciputra. Nét mầu đỏ là gợi ý khơi thông kênh dẫn nước nối Hồ Tây với sông Nhuệ xuên qua dự án. Phía Bắc dự án là trạm bơm rộng 4 Ha, tiêu thoát nước ra sông Hồng  

Thành phố sống tốt có thật hay không, nó có là thứ xa xỉ trong bối cảnh kinh tế còn hạn chế? Chúng ta có thể có ngay một không gian cư ngụ vệ sinh, con người gần gũi ,thân thiện được cư xử công bằng… Hay phải đợi đến “sau này“ một cách vô thời hạn (?!) 

Liệu các cư dân TP có cơ hội cùng hợp tác giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình đô thị hoá như rác thải, không gian công cộng, dịch vụ xã hội hay là để tình trạng các nhà quản lý lờ đi trong các dự án phát triển. Đó là chủ đề đang được thảo luận tại hội thảo và bên ngoài thành phố, nơi cuộc sống đang biến đổi không ngừng và đòi hỏi những phương pháp tiếp cận mới.

Trần Huy Ánh - Ảnh : HanoiData (sưu tầm & biên soạn) 

>> Xây dựng hệ thống tiêu chí về thành phố sống tốt cho Thủ đô Hà Nội 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: