Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Ngập úng tại Hà Nội: Lỗi tại quy hoạch cốt nền đô thị?

Ngập úng tại Hà Nội: Lỗi tại quy hoạch cốt nền đô thị?

Viết email In

Chỉ với một cơn mưa đầu mùa mà nhiều tuyến phố Hà Nội đã lại ngập chìm trong nước. Một lần nữa, người ta lại phải đặt câu hỏi về niềm tin vào các dự án thoát nước trị giá hàng nghìn tỷ đồng của Thủ đô.  

Bất ổn từ thiết kế 

15 năm trước, cư dân Hà Nội đã kỳ vọng vào Dự án thoát nước sẽ sớm góp phần vào việc chống úng ngập mỗi khi có mưa lớn. Thế nhưng, sau mỗi năm Hà Nội liên tiếp ngập, mà tình trạng ngày càng trầm trọng, lan rộng hơn. Bắt đầu từ trận lụt lịch sử (tháng 11/2008) đến nay, năm nào người dân Thủ đô cũng nơm nớp nỗi lo úng ngập. 

Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II mang trong mình “trọng trách” là chống úng ngập trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa, với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước (ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày); chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống (ứng với lượng mưa là 70mm/giờ). Theo công suất thiết kế hiện nay, Hà Nội chỉ có thể đối phó được với lượng mưa 310mm/2 ngày. Trong khi đó, như trận mưa hồi cuối năm 2008, lượng mưa khu vực ngoại thành có nơi lên đến 600mm/ngày, còn trong nội thành cũng xấp xỉ 500mm/ngày. Rõ ràng đã có những bất cập trong thiết kế công suất của dự án thoát nước, tuy nhiên dự án vẫn được triển khai. 

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề úng ngập của Hà Nội bắt nguồn từ một lỗ hổng trong quy hoạch. Đó là quy hoạch cốt nền đô thị và điều này đã được cảnh báo từ lâu. 

Ngay như trận mưa đêm 24 rạng sáng 25/5, theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, riêng khu vực Hà Nội có mưa rất to với lượng mưa đo được phổ biến 100 - 200mm, có nơi lớn hơn như Hoài Đức 233mm, Hà Đông 338mm. Và chỉ với lượng mưa như vậy, giao thông khu vực phía Tây Hà Nội gần như tê liệt. Hầu hết các ngả đường vào trung tâm thành phố đều nghẹn ứ. Nhiều vùng ngập sâu như Triều Khúc, Mễ Trì, Mỹ Đình…

Theo đánh giá của các chuyên gia, các dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước Hà Nội trong thời gian qua chưa giải quyết một cách tổng thể vấn đề thoát nước thành phố. Các dự án mới dừng lại ở mức cải tạo hệ thống thoát nước mưa cho vùng trung tâm nội thành. Hệ thống thoát nước vẫn là hệ thống thoát nước chung, chưa tách ra nước thải để xử lý. Hà Nội vẫn sẽ ngập nặng nếu xảy ra đợt mưa lớn như đêm 24, rạng sáng 25/5.

Như thế Hà Nội ngập úng sẽ là chuyện gần như biết mà không thể tránh. Đặc biệt bài học với các khu đô thị mới - khu vực được coi là hiện đại nhất của thành phố như: Mỹ Đình, Trung Hoà - Nhân Chính, Linh Đàm, trong trận mưa lịch sử tháng 11/2008, đã chịu cảnh ngập úng rất nặng, vẫn là nhãn tiền. Theo các chuyên gia, kể cả với trận mưa không lớn thì các khu đô thị đó vẫn dễ bị ngập hơn các khu phố khác, do hệ thống thoát nước khu vực này chưa đồng bộ, có lẫn cả hệ thống tiêu thoát nước của thuỷ lợi do lịch sử đất nông nghiệp ở đây để lại. 

Gốc của Hà Nội ngập úng 

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề bắt nguồn từ một lỗ hổng trong quy hoạch. Đó là quy hoạch cốt nền đô thị. Điều này đã được cảnh báo từ lâu. Đây là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng úng ngập. Ở Hà Nội nói riêng và nhiều đô thị khác, hiện nay chưa chú ý đến quy hoạch cốt nền. Trong khi phần quy hoạch này lại liên quan mật thiết đến hệ thống thoát nước đô thị. Đặc biệt với Hà Nội, hiện nay vẫn tiêu nước bằng thế năng tự nhiên. Tức là dựa vào sự chênh lệch mực nước giữa các khu vực. Đây là phương án thoát nước tiết kiệm chi phí, nhưng địa hình Hà Nội lại không thuận lợi cho phương án này. Hà Nội có địa hình tương đối bằng phẳng, không tạo thành một thế năng lớn nên lưu tốc ở trong mạng lưới thoát nước thấp. Khi xảy ra mưa lớn trên diện rộng thì chuyện ngập úng là đương nhiên.

Chính vì thế, bên cạnh việc xem xét lại quy hoạch cốt nền riêng Hà Nội, phải tính đến việc tăng cường thế năng nhân tạo - cưỡng bức chuyển bậc. Tức là bố trí thêm các máy bơm kích đẩy ở một số điểm lựa chọn trong nội thành. Hiện nay, Hà Nội chỉ có hệ thống máy bơm tại điểm cuối cùng là trạm bơm Yên Sở. Nhưng trong nội thành cũng cần phải trang bị một hệ thống bơm kích đẩy để tạo ra một thế năng đủ lớn để đưa nước nhanh về đến Yên Sở. Nhưng phương án này sẽ có chi phí rất lớn, nên cần phải tính toán kỹ và có lộ trình làm từng bước một. Tuy nhiên, để có một đô thị hiện đại và phát triển bền vững, chúng ta không thể không tính đến phương án này.

3 nguyên nhân khiến đô thị Hà Nội tiếp tục ngập úng trong mùa mưa 

Thứ nhất, một thời gian dài Hà Nội đã chuyển đổi rất nhiều đất cây xanh, đất nông nghiệp thành đất ở. Quá nhiều hồ ao bị lấp để xây dựng, làm mất cân bằng khả năng tích nước. Bê tông hóa hầu hết diện tích mặt đất đô thị đã làm giảm khả năng thấm tiêu nước mưa.

Thứ hai, hệ thống thoát nước của Hà Nội quá thấp kém cả về chiều dài và tiết diện dòng chảy.

Thứ ba, quy hoạch mặt đứng đô thị (cao trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật) của các khu đô thị mới hay khu đô thị mở rộng so với các khu đô thị cũ thường cao hơn, gây trở ngại với các dòng chảy bề mặt cũng như dòng thoát nước chung của đô thị.

(GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Hội Môi trường xây dựng Việt Nam

Ngọc Lý 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo