Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Làng nghề chết do thiếu design

Làng nghề chết do thiếu design

Viết email In

Lịch sử Việt Nam từng chứng kiến sự nối tiếp bền vững của các làng nghề thủ công truyền thống, đồng thời cũng chứng kiến nhiều nghề thủ công thất truyền trong hậu thế. Nguyên nhân là do xã hội hiện đại không còn nhu cầu sử dụng sản phẩm thủ công hay sản phẩm thủ công không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người?  


(ảnh minh họa: internet) 

Những cái chết được báo trước

Trong tài liệu lưu trữ của các công ty Đông Ấn châu Âu, vào khoảng thế kỉ XVII, gốm sứ và tơ lụa là hai mặt hàng thủ công chủ lực của Việt Nam tham gia vào quá trình buôn bán, xuất nhập khẩu trong hệ thống thương mại khu vực(*). Các làng nghề như Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng (Bắc Ninh), Bát Tràng (Gia Lâm- Hà Nội), Vạn Phúc (Hà Đông- Hà Nội)… được coi là những làng nghề thủ công truyền thống lâu đời của người Việt. Thế nhưng cho đến nay, sau nhiều thế kỷ hoạt động, nhiều làng nghề đã sa sút, “chết dần”, thậm chí “chết hẳn” theo đúng nghĩa. 

Điểm lại những làng nghề gốm cổ xưa nhất của người Việt thì làng gốm Thổ Hà đã “chết” ngay từ những năm 1980; làng gốm Phù Lãng “ngắc ngoải” với hai mặt hàng tiểu sành và chậu hoa lá lật; làng Bát Tràng “hỗn loạn” về mặt thẩm mĩ; còn làng lụa Vạn Phúc thì nhiều gia đình đã bỏ nghề do không cạnh tranh được với lụa Trung Quốc… 

Chưa nói đến tầm vĩ mô, nguyên nhân nội tại khiến các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam chết dần là do không có mẫu mã thiết kế phù hợp. 

Trong khi design đang được coi là hoạt động công nghiệp sáng tạo thì cách làm phổ biến của các làng nghề hiện nay ở nước ta là lên mạng ăn cắp mẫu mã hoặc sao chép y hệt những mẫu mã của cổ nhân hay mẫu mã những mặt hàng gia công cho các thương hiệu nước ngoài. 

Trong bức tranh màu xám của làng nghề thủ công hiện nay, có một điểm sáng, theo tôi biết, là ở Bát Tràng, vài ba gia đình đã cho con em mình đi học design ở nước ngoài, thậm chí tự bỏ tiền đi học ở làng gốm đắt nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có những chính sách thiết thực hỗ trợ các làng nghề, tạo điều kiện để hai - ba năm tổ chức được một Festival làng nghề truyền thống quy mô quốc gia. 

Vào những năm 1980, người Thái Lan đã sang đặt hàng Bát Tràng và đóng mác sản phẩm với dòng chữ Made in Thailand. Gần đây thì người Nhật, hoặc nhãn hiệu IKEA (Thụy Điển) vẫn tìm đến Bát Tràng như một địa chỉ gia công những mặt hàng của họ. Điều đó có nghĩa là, họ vẫn nhìn thấy giá trị ở những làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, nhưng đó chỉ là những đơn hàng ngắn hạn chứ không phải là kế sách lâu dài.

Nếu không bỏ chất xám để đầu tư nghiên cứu design, coi design như một phần tất yếu trong sự tồn vong của làng nghề, thì làng nghề “chết” là điều dễ hiểu. Chỉ chăm chăm sao chép cổ nhân thì dù dùng nguyên liệu và kỹ thuật giống hệt, cũng không thể tạo ra một sản phẩm mang đúng tinh thần của cổ nhân, chưa kể sản phẩm anh làm ra còn vô giá trị về mặt lịch sử. Chỉ biết ăn cắp mẫu mã từ các nguồn sách báo, internet… rồi bắt chước thì sản phẩm của anh không thể có được phong cách, dấu ấn cá nhân, thậm chí chúng có thể trở thành hổ lốn, không thể “tiêu hóa” về thẩm mĩ do được tạo ra bởi ý đồ chắp vá. Tất cả những con đường ngắn hạn đều dẫn đến “cái chết” được báo trước.

Đưa design vào làng nghề

Không có cách nào đưa design vào làng nghề thủ công ngoại trừ con đường giáo dục. Vì là một ngành tương đối mới ở Việt Nam nên nếu có điều kiện đi học ở nước ngoài, người học cần tận dụng cơ hội, học quan niệm đúng về design, học kiến thức bao quát và toàn diện về lĩnh vực này.

Đối với giáo dục trong nước, để tạo ra một đội ngũ làm design chuyên nghiệp, có kiến thức, có văn hóa thì ngay trong trường học, học design không phải chỉ là chăm chăm học sử dụng công cụ thiết kế đồ họa mà phải học những điều rất cơ bản như hình họa, bố cục, màu sắc, “học về lịch sử design, tư tưởng design, nguyên lý design, thậm chí triết học design” như họa sĩ Phan Cẩm Thượng từng nói. Đặc biệt, khi đi vào chuyên ngành, cần nghiên cứu rất sâu về chất liệu mình dự định thiết kế sau đó đi thực tập, thực tế ở làng nghề.

Đối với những làng nghề, cách học tốt nhất trong khi Việt Nam chưa có bảo tàng riêng về đồ thủ công truyền thống là đến xem các bảo tàng như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử.

Áp dụng công nghệ đến đâu? 

Trong đời sống hậu công nghiệp, sản phẩm sản xuất hàng loạt bằng máy móc trở nên tiện lợi và phổ biến, các sản phẩm làm bằng tay vì vậy khan hiếm và đắt đỏ hơn. Trong khi thế giới khổ sở vì công lao động đắt đỏ thì các nghề thủ công của Việt Nam sử dụng sự khéo léo của bàn tay mà không đòi cái giá ngất ngưởng lại không có đường sống. Quả là một nghịch lý! 

Chính sản phẩm làm bằng tay, chứ không phải sản phẩm công nghiệp đang trở thành life style, bởi giá trị độc bản của nó. Bởi vậy, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất các sản phẩm thủ công, nếu có, chỉ nên áp dụng cho khâu chuẩn bị nguyên liệu. Chẳng hạn, có thể sử dụng máy làm sạch tạp chất của đất để dễ dàng làm đồ tinh chế kích thước nhỏ, giảm hư hao sau khi nung gốm. Sử dụng máy ngoáy men để men gốm được đều, sử dụng máy phun để quá trình nung gốm không bị co men. Hoặc có thể sử dụng chất hóa học để nhúng chỉ thêu nhằm tránh phai màu khi giặt sản phẩm thêu. Những khâu khác nên làm bằng tay để giữ tính độc bản cũng như sự tự nhiên của sản phẩm.

Đi quanh những phố nhiều khách du lịch của Hà Nội như Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Trống, Lý Quốc Sư, Nhà Thờ, Nhà Chung… chúng ta vẫn thấy có những cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ thủ công đông khách, tuổi đời mấy chục năm mà chủ là người… nước ngoài. Họ tận dụng hầu như toàn bộ - nguyên liệu, nhân công, tay nghề người Việt - để tạo một sản phẩm thủ công, cái họ thêm vào chỉ là mẫu mã. Việc những người nước ngoài kinh doanh thành công hàng thủ công Việt Nam trên chính đất Việt cho thấy, không phải xã hội hiện đại không có nhu cầu sử dụng sản phẩm thủ công mà là những sản phẩm thủ công như thế nào thì mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người, và người Việt cần nhìn nhận vấn đề này ra sao mà thôi. 

Lê Thiết Cương - Hải An (ghi) 

(*) Theo PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, khoa lịch sử, ĐH KHXH&NV - Hà Nội 

(Tạp chí Tia Sáng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo