Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Tư duy “nội” và “ngoại” trong phát triển đô thị

Tư duy “nội” và “ngoại” trong phát triển đô thị

Viết email In

Gần đây, nhiều thành phố lớn như TPHCM đã triển khai nhiều dự án xây dựng, nâng cấp đô thị ở khu vực trung tâm (nội thành) nhằm tôn tạo bộ mặt của thành phố theo hướng văn minh hiện đại. Các nhà quản lý nhà nước như muốn dành hết các nguồn vốn để đầu tư cho nội thành mà lãng quên vùng ven, ngoại thành. Phải chăng thực tiễn quản lý và phát triển không gian đô thị ở Việt Nam đang bị chi phối mạnh mẽ từ những ý niệm lý tưởng về quyền lực giữa bên nội và bên ngoại trong cấu trúc hệ thống thân tộc người Việt?


Con đường đến Trường tiểu học và THPT Lê Trọng Tấn, Phường Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân, TPHCM.
(Ảnh: Phạm Thanh Thôi)

Cấu trúc “nội” và “ngoại”

“Nội” trái với “ngoại”, trong cấu trúc thân tộc của người Việt. Bên nội gồm những người cùng huyết thống theo dòng cha, phía bên chồng. Bên ngoại gồm những người theo dòng mẹ, phía bên vợ. Tuy có thay đổi so với trước đây, nhưng họ hàng bên nội vẫn được nhiều gia đình và cá nhân coi trọng hơn, đầu tư nhiều thứ hơn để gắn kết, nuôi dưỡng (phụng thờ) khi so sánh với họ hàng bên ngoại. Dòng họ bên nội có chiều sâu về thời gian, có lịch sử, có tổ tiên vì được tính từ nhiều thế hệ. Tiến sĩ Erik Harms viết rằng “Gia đình lý tưởng tại Việt Nam coi trọng mô hình họ nội và được tổ chức xung quanh người đàn ông. Nhưng lý tưởng này lờ đi vai trò của người vợ (và bên ngoại) trong việc tái sản sinh dòng họ nội” (*).

Nội và ngoại, âm và dương, trong và ngoài, là những cặp từ mang nghĩa trái chiều, nhưng luôn gắn kết tồn tại trong một hệ thống. Ở đô thị, các cặp từ biểu thị hai không gian có ranh giới khác nhau cùng tồn tại như nội thành-ngoại thành, nội thị-ngoại thị, trung tâm-vùng ven. Đáng chú ý, dù ở không gian nội thành hay ngoại thành, thì quá trình con người “chiếm lấy” không gian sống vẫn luôn tiếp diễn. Không gian xã hội ở ngoại thành cũng sống động với nhiều màu sắc. Nơi nào cũng đòi hỏi một sự quy hoạch và đầu tư phát triển đúng mức của cơ quan nhà nước, ở tầm gần và tầm xa. Nói cách khác, nội và ngoại thành đều phải được “đầu tư” để có được “nồi nào vung nấy”. Nội và ngoại cần phát triển trong thế tương hỗ, cái này dựa vào cái kia để có sự bền vững. Như một gia đình (có vợ/có chồng), một dòng họ (có nội/có ngoại), một ngôi nhà (có nội thất/ngoại thất; có trong/có ngoài),... Sự phân biệt giữa nội và ngoại đúng ra chỉ có trong ý niệm của mỗi người. Còn khi nó được thể hiện theo khuynh hướng “bên trọng, bên khinh”, “bên nặng, bên nhẹ” thì hệ quả xấu trong phát triển ắt sẽ có nhiều.

Thấy gì từ TPHCM

Các nhà quy hoạch và quản lý xã hội đã phân loại thành phố ra thành các không gian khác nhau: quận nội thành gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận; quận ven và mới như quận Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân, quận 9, quận Thủ Đức, quận 2, quận 12, quận 7, quận 8, quận Gò Vấp, Tân Phú; và ngoại thành: Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi. Việc quy hoạch và phân loại không gian này, lẽ thường phải có những chính sách phát triển kinh tế-xã hội đi kèm để mỗi nơi phát triển được cái riêng và khẳng định bản sắc của mình như nhiều đô thị lớn đang phát triển hài hòa trên thế giới cho thấy. Nội và ngoại thành có được phát triển hài hòa trong sự cố kết và là chỗ dựa của nhau? Yếu tố nào đang làm cho khoảng cách nội và ngoại càng xa? Có phải, các nhà quản lý đã có cái nhìn theo hướng bên nặng, bên nhẹ ngay từ khi phân loại không gian nội thành và ngoại thành?

Ở lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, sự bất cân xứng giữa nội và ngoại thành được thể hiện rõ nhất. Hàng ngàn hộ dân có nhu cầu nhà ở, có sở hữu đất (mua bằng tiền) ở các quận ven, ngoại thành không xây được nhà ở vì chưa có quy hoạch (!), phải xây trái phép trong nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo (xây lén trong đêm, đóng cửa mà xây). “Thực tế thì ranh giới giữa nội và ngoại thành rất khó tìm thấy. Ngoại thành là vùng lộn xộn: này là đất ở; này là đất công nghiệp; này là bãi rác; này là nhà máy. Nông dân chuyển nghề làm công nhân hoặc các nghề phục vụ. Các nhà máy được “trồng” vào ruộng, ngôi nhà kiểu xưa và đất gia đình bị chia ra để xây phòng trọ cho công nhân từ các tỉnh thuê. Hơn nữa, nông dân bị nhiều kẻ đầu cơ đất đai lợi dụng. Họ mua đất rẻ, chia lô, phân nền rồi bán lại với giá cao” (Erik Harms, 2010, 178).

Nhiều người sống ở ngoại thành nhưng hàng ngày vẫn vào nội thành để làm việc. Học sinh ở mọi cấp muốn không thua thiệt điều kiện học giỏi, cũng phải chen vào trường công ở nội thành để học. Người bị bệnh nặng hay nhẹ, muốn tốn ít thời gian và bớt lo âu, cũng phải đến bệnh viện nội thành mà điều trị. Trong khi đó nhiều người ở ngoại thành cũng chịu ô nhiễm, ngập nước và kẹt xe, cũng chủ yếu đi lại bằng xe gắn máy... như người sống ở nội thành.

Có thể thấy, từ diễn ngôn đến thực tiễn, các nhà quản lý đã coi nội thành là bộ mặt của thành phố, các dự án cải tạo và chỉnh trang trong nội thành đã lấy gần hết tiền bạc, thời gian và trí tuệ của các cá nhân, đơn vị liên quan.

Ngoại thành như thể là nơi chỉ để cho người nội thành khi cần thì đến đầu tư, hưởng thụ và nghỉ ngơi./.

Phạm Thanh Thôi - Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia TPHCM

Chú giải: (*) TS Erik Harms, Quyền lực ở Việt Nam nhìn từ trong ra: những chuyển dịch qua không gian và thời gian và khái niệm của người Việt về “nội” và “ngoại”, trong sách Hiện Đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: những cách tiếp cận nhân học, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2010, tr.167.

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo