Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị Di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn

Nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị Di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn

Viết email In

Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn ở Quảng Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến nay đã tròn 15 năm. 

Với sự nỗ lực của tỉnh Quảng Nam, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế, việc trùng tu, chống xuống cấp ở các di sản đã và đang được thực hiện. 

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để trong quá trình tu bổ, tôn tạo, các di sản không bị biến dạng giữ được nguyên gốc giá trị. 

Trong nỗ lực bảo vệ các di sản quý giá này, hàng loạt các biện pháp cấp bách đã được thực hiện. Đó là xây dựng các tuyến phố đi bộ, đi xe đạp thay cho phương tiện gắn động cơ để giảm tiếng ồn cho phố cổ, khoanh vùng di tích để bảo vệ nghiêm ngặt, trùng tu các di tích trong phố cổ Hội An.  


Du khách tham quan phố cổ Hội An.
(Ảnh: Minh Đức/TTXVN) 

Đối với quần thể kiến trúc cổ ở Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã và đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam, các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế từng bước triển khai việc trùng tu, chống xuống cấp. 

Ông Phan Hộ, Trưởng Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết: "Hội An và Mỹ Sơn là hai di sản văn hóa thế giới, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức thực hiện việc gìn giữ, bảo tồn và trùng tu vốn cổ. Tuy nhiên, do nội lực có hạn, vì vậy chúng tôi mong có sự giúp đỡ của Chính phủ, của các tổ chức quốc tế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước, các nhà khoa học trong nước và quốc tế góp phần bảo vệ di sản. Chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền cho nhân dân trong vùng di sản có ý thức, trách nhiệm cao về việc giữ gìn di sản, làm thế nào để di sản trường tồn với thời gian."

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, ông Đinh Hài thì nhấn mạnh Quảng Nam có thương hiệu là "Một điểm đến hai Di sản văn hóa thế giới." Mỗi năm, các di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Các di sản văn hóa thế giới mà Quảng Nam sở hữu giữ vai trò hết sức quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thế nhưng vấn đề địa phương trăn trở và quan tâm là làm thế nào để vừa khai thác được các giá trị của di sản nhưng vừa bảo tồn di sản văn hóa Mỹ Sơn và Hội An.

Trong 15 năm qua, cùng với sự nỗ lực của địa phương trong việc đầu tư công sức và tiền của với số tiền hàng trăm tỷ đồng để bảo vệ di sản, Quảng Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế với số tiền hàng triệu USD nên đến nay phần lớn các di tích đều được được trùng tu, chống xuống cấp hiệu quả.

Riêng trong giai đoạn 2003-2013, Dự án tôn tạo, hợp tác ba bên UNESCO-Việt Nam-Italy về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn” với tổng kinh phí hơn 1,3 triệu USD đã được triển khai.

Dự án này đã góp phần quan trọng vào việc gia cố chống xuống cấp và từng bước định hình lại nguyên dạng nhóm tháp G.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản thông qua tổ chức JICA đã viện trợ không hoàn lại 299 triệu yen (hơn 2,46 triệu USD) nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu tổng quan về Mỹ Sơn, góp phần quảng bá hình ảnh Mỹ Sơn và nâng cao nhận thức của người dân về di tích này.

Đối với Mỹ Sơn, hiện, các cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục để giải ngân khoảng 3 triệu USD do Chính phủ Ấn Độ tài trợ để góp phần trùng tu, chống xuống cấp Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Tuy nhiên do sự tác động khắc nghiệt của thời gian, hiện tại nhiều hạng mục công trình ở Di sản Hội An và Mỹ Sơn đã và đang xuống cấp đến mức báo động, vì vậy Quảng Nam sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo vệ, tôn tạo và trùng tu Di sản.

Như vậy, có thể thấy trước sự xuống cấp của các di sản, vấn đề đặt ra là làm thế nào để trong quá trình trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn đảm bảo được sự an toàn trước sự tác động khắc nghiệt của thời gian cũng như sự phân hóa, bào mòn của các loại vật liệu nhưng vẫn giữ được nguyên gốc giá trị của các di sản. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam, cho biết Sở Xây dựng đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Duy Xuyên (địa phương có di sản Mỹ Sơn) và thành phố Hội An cùng các nhà khoa học đề xuất việc triển khai các giải pháp công nghệ và vật liệu vào quá trình tôn tạo, phục hồi di sản. 

Mục tiêu chính của việc làm này là làm thế nào để trong quá trình trùng tu, các di sản phải giữ được nguyên gốc, di sản không bị biến dạng đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho di sản và cho du khách đến tham quan. 

Liên quan đến giải pháp công nghệ, vật liệu cũng như các biện pháp để di sản không bị biến dạng khi được trùng tu, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho biết nhiều nhà khoa học là Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại các nước Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, các chuyên gia Ấn Độ... có nhã ý sẵn sàng đề xuất và tư vấn các giải pháp về khoa học và vật liệu xây dựng cũng như biện pháp thi công phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong quá trình trùng tu và tôn tạo các di sản trong thời gian tới. 

"Chung sức giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa" không chỉ là thông điệp nhân dịp kỷ niệm 15 năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới mà đó còn là lời nhắc nhở với tất cả mọi người về ý thức và trách nhiệm bảo vệ, trùng tu di sản không chỉ cho hôm nay mà còn cho cả mai sau./. 

Đoàn Hữu Trung (TTXVN /Vietnam+) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo